Cù lao Rùa hội tụ tứ linh

Cù lao Rùa, được mệnh danh là vùng đất tứ linh, mang ý nghĩa một trong bốn linh vật thời cổ đại : Rùa (còn gọi là Quy), miệng hướng về Núi Rồng, mang tên chữ Hán là Bửu Long (thường nhân gọi là Rồng Báu), bên dưới chân núi Bửu Long có tượng Kỳ Lân do nhân dân tôn tạo ( kỳ lân xuất hiện thiên hạ thái bình), rồi cuối dãy núi Bình Hòa - Ðồng Nai có hình chim phượng hoàng (tức phụng). Như vậy khẳng định nơi đây có đủ tứ linh: long - lân - quy- phụng. Ðúng là vùng sơn hà cẩm tú, thuộc một trong 30 thắng cảnh của đất phương nam.

Nhà thơ Trịnh Hoài Ðức không tiếc lời ca ngợi, qua bài Ráng chiều ở cù lao Rùa thật sinh động và hoành tráng:

Nửa vòng ngang mở hang hoa thẩm - Cách nước nghiêng bay lụa mấy mầu.

...

Chén ngọc say uống xen kẽ nắng - Vịt vàng quay chín nấu chung nhau.

Cù lao Rùa là nơi sinh sống của người Việt cổ cách nay hơn 2.500 năm, có bề dày lịch sử lâu đời, phát triển cùng thời với cù lao Phố (Biên Hòa). Hình dáng cù lao, hai bên đất thoai thoải, chính giữa nhô cao tựa hồ như mai rùa nên nhân dân trông hình dáng đặt tên đất. Nếu du khách đi máy bay nhìn xuống hay đứng tại thị trấn Tân Uyên nhìn qua, sẽ cảm nhận đây là con rùa khổng lồ tuyệt đẹp đang bồng bềnh giỡn sóng giữa trời đất mênh mông.

Ðịa giới cù lao Rùa cách thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hơn 20 km về phía đông-bắc. Từ thị xã đi trên tỉnh lộ 743 và 747, qua xã Thạch Phước là đến cù lao Rùa, còn có tên khác là Thạch Hội, nằm giữa phụ lưu sông Ðồng Nai. Nơi đây, rất thuận lợi về mặt giao thông đường thủy, nên thuyền bè tới lui tấp nập, thương mại phát triển rất sớm. Có thể nói hai điểm giao lưu hàng hóa lớn nhất phương nam là Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh) và cù lao Rùa thật không quá đáng.

Sự hội nhập phát triển kinh tế đa dạng của cù lao Rùa làm cho đời sống vật chất nhân dân ổn định mà đời sống tinh thần cũng đổi nhanh. Gần đây, trong đợt khai quật tìm thấy được những di chỉ đồ đá cùng với nhiều ngôi nhà cổ, đình chùa, miếu mộ... minh chứng hùng hồn về nền văn hóa vùng đất này. Cách trang trí trong các đình chùa với những đường nét hoa văn đã chứng tỏ trình độ mỹ thuật cao của nhân dân, như cổng tam quan có tạc tượng hổ chầu, voi phục. Nội thất trang trí hài hòa với phù điêu cá chép hóa rồng biểu tượng của người vùng sông nước muốn vươn tới cuộc sống tốt đẹp.

Ngày nay, trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cù lao Rùa nhà nhà được xây dựng mới, toàn cù lao đã có điện lưới quốc gia. Nguồn thu nhập chủ yếu của nhân dân gồm thương nghiệp, dịch vụ, trồng hành, trồng bưởi xuất khẩu...

Cù lao Rùa còn có thắng cảnh chùa cổ Khánh Sơn cùng các miếu thờ anh hùng, liệt sĩ. Cù lao Rùa đúng là đất địa linh nhân kiệt, danh bất hư truyền.