COPD, căn bệnh nguy hiểm

Chăm sóc bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi Hà Nội.
Chăm sóc bệnh nhân tại BV Lao và Bệnh phổi Hà Nội.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 600 triệu người trên thế giới hiện đang mắc bệnh COPD và tỷ lệ tử vong lên đến 3 triệu người mỗi năm. COPD là căn bệnh gây tử vong cao thứ tư trên thế giới sau bệnh mạch vành, ung thư, tai biến mạch máu não, và có khuynh hướng tăng. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn 6% dân số mắc.

Vài năm trở lại đây số người Việt Nam mắc bệnh COPD ngày càng tăng, năm sau tăng hơn năm trước. Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), năm 2002 có 4.210 bệnh nhân COPD, (năm 2001 là 3.077 bệnh nhân, năm 2000 là 2.200 bệnh nhân). Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân COPD chiếm 20% bệnh nhân trong khoa hô hấp. Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 25% bệnh nhân tại khoa hô hấp là bệnh nhân COPD. Ngoài ra số bệnh nhân phải vào khoa hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là 227 bệnh nhân tăng so với 180 trong năm 2001 và 167 năm 2000.

Điều đáng lo ngại là trong khi bệnh nhân COPD đang tăng lên thì những hiểu biết về bệnh lại hầu như không có. Một cuộc khảo sát lần đầu tiên về bệnh COPD của Công ty Boehringer Ingelheim thực hiện vào quý II năm 2003 tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, 83% đối tượng khảo sát vẫn chưa biết gì  về bệnh COPD. 17% có biết về COPD nhưng lại không hiểu đầy đủ về nguyên nhân chính gây bệnh và các dấu hiệu phát bệnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh COPD cao nhất. Cứ 100 bệnh nhân COPD thì có khoảng 90 người hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc. Ước tính ở những người hít phải khói thuốc lá thụ động, nguy cơ mắc bệnh COPD tăng 10-43%. Nhóm nguy cơ thứ hai là những người thường xuyên tiếp xúc với các loại khí độc hại như khói bụi từ các chất đốt, bụi, hơi và khí độc. Tại Việt Nam, công nhân lao động trong lĩnh vực khai thác than, nhựa, thủy tinh có nguy cơ mắc bệnh COPD rất cao.

COPD là một loại bệnh phổi, trong đó điểm nổi bật là sự tắc nghẽn lưu thông không khí, làm bệnh nhân khó thở. Khi bệnh tiến triển, các vách của đường dẫn khí bị hóa xơ, tạo sẹo, các túi phế nang bị phá hủy gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong sớm. COPD thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng không đáng kể như ho, khạc đàm nên thường bị bỏ qua. Khi có triệu chứng khó thở lúc gắng sức làm việc là bệnh đã đến giai đoạn nặng. Khác với bệnh hen phế quản, những tổn thương ở phổi và những rối loạn chức năng hô hấp trong COPD khi đã xuất hiện thì không thể hồi phục được. Để chẩn đoán chắc chắn bệnh COPD phải đo chức năng phổi. Bệnh nhân thổi qua một máy đo gọi là hô hấp kế. Máy sẽ cho biết phế quản của bệnh nhân có bị tắc nghẽn hay không.

Bệnh COPD rất nguy hiểm đối với người bệnh, nhưng hiện nay căn bệnh này thường hay bị chẩn đoán nhầm với bệnh hen phế quản, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả và gây tốn kém nhiều.

Trên thực tế, COPD và hen phế quản là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. COPD là một bệnh có nguyên nhân chính là do thuốc lá, trong khi bệnh hen được ghi nhận là do dị ứng và có nguồn gốc di truyền. Đặc biệt ở bệnh nhân COPD, sự tổn thương ở phổi là không thể phục hồi, trong khi đó bệnh hen thường có nhiều cơ may phục hồi khi được điều trị đúng đắn. Mặt khác, ở bệnh nhân hen phế quản các cơn khó thở thường diễn ra theo từng cơn và bệnh nhân thường dễ dàng tham gia các hoạt động hàng ngày khi cơn khó thở đi qua, trong khi đó bệnh nhân COPD thường không có cơ hội này khi mà các cơn khó thở hầu như thường xuyên và diễn ra bất kể lúc nào. Ngoài ra, các bác sĩ cũng ghi nhận rằng, COPD thường phát bệnh ở độ tuổi sau 45, sau nhiều năm âm thầm tấn công bệnh nhân, còn hen phế quản phần lớn các bệnh nhân phát hiện bệnh ở độ tuổi nhỏ.

Mặc dù có nhiều khác biệt về nguyên nhân, triệu chứng, cơ chế sinh bệnh, nhưng các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh cũng thừa nhận rằng để có các chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần tới các phòng khám để được chẩn đoán, khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa lành bệnh COPD. Tuổi thọ của người mắc phải căn bệnh này tùy thuộc vào khả năng làm việc của phổi ngay vào thời điểm được chẩn đoán. Việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng cần thiết. Do đó, những người có nguy cơ mắc bệnh cao khi thấy có triệu chứng ban đầu là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức nên gặp các bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra chức năng phổi.

Xu hướng điều trị COPD ngày nay tại các nước phát triển thường là kết hợp giữa yêu cầu bệnh nhân ngưng hút thuốc, không tiếp xúc với khói thuốc; sử dụng hiệu pháp giãn phế quản bằng các thuốc kháng cholinergic. Tuy nhiên, việc phòng ngừa hữu hiệu nhất vẫn là không hút thuốc, kế đến là giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với khói, bụi.