Công trình thuỷ lợi bỏ thì thương, vương thì tội

NDO - NDĐT- Trong sản xuất nông nghiệp, việc cung cấp nước tưới thường xuyên góp phần quyết định cho những vụ mùa bội thu. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc quản lý và khai thác các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đang gặp quá nhiều khó khăn.

Công trình hư hỏng, có tiền mà không sửa được

Được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn có hơn một nghìn công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng. Công ty TNHH một thành viên thuỷ nông Bắc Cạn( Công ty thuỷ nông) được giao quản lý, vận hành hơn 750 công trình kiên cố, với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, hằng năm tưới cho gần 12 nghìn ha lúa. Giám đốc Công ty thuỷ nông Bắc Cạn Nguyễn Văn Đức bức xúc: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 236 công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ đang hư hỏng, một số hư hỏng nặng cần phải sửa chữa thì mới phát huy tác dụng, Nhà nước đã cấp tiền mà chúng tôi không thể sửa chữa được”.

Theo quy định, mỗi năm, định mức sửa chữa thường xuyên một công trình thuỷ là 1,08% so với mức đầu tư. Nhưng việc sửa chữa thường xuyên các công trình thuỷ lợi đang gặp khó khăn rất lớn, đó là hiện nay toàn tỉnh có 500 công trình chưa được bàn giao hồ sơ cho cho Công ty thuỷ nông quản lý, trong đó phần lớn đã bị thất lạc. Không có hồ sơ công trình, Sở Tài chính không định giá được nên không thể sửa chữa được. Ông Đức cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi còn tồn khoảng sáu tỷ đồng Nhà nước đã cấp mà không thể tiến hành sửa chữa được, vì công trình không có hồ sơ nên không có cơ sở xác định định mức kinh tế kỹ thuật, nếu cố sửa thì cũng không quyết toán được”.

Mặt khác, có nhiều công trình thuỷ lợi kiên cố được xây dựng từ hàng chục năm trước đây, tưới cho hàng chục ha lúa, nhưng vốn đầu tư chỉ một tỷ đồng, theo quy định thì chi phí sửa chữa thường xuyên một năm là mười triệu đồng thì không đủ kinh phí để tu sửa. Việc sửa chữa công trình phải chấp hành quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là phải thuê cơ quan chức năng lập hồ sơ, thẩm định thiết kế, dự toán hết ít nhất là 14 triệu đồng/công trình, trong khi đó sửa chữa công trình thuỷ lợi nhỏ định mức chỉ vài triệu đồng. Do đó, hàng trăm công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hiện nay đang trong tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội.

Không đủ sức quản lý

Công ty TNHH một thành viên thuỷ nông Bắc Cạn hiện nay có 75 cán bộ, công nhân làm nhiệm vụ quản lý, vận hành 750 công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Công ty thành lập ở mỗi huyện một trạm thuỷ nông có từ bốn đến năm người quản lý hàng trăm công trình. Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Đỗ Thị Minh Hoa bức xúc: “Nhiều công trình ở vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều nơi chưa có đường, đi đến công trình thuỷ lợi mất nửa ngày và cán bộ thuỷ nông quá ít nên không quản lý, vận hành được”.

Theo quy định, Công ty thuỷ nông chỉ quản lý, vận hành đập đầu mối và kênh dẫn nước chính, còn kênh mương nội đồng thì do người dân hưởng lợi quản lý, nạo vét thường xuyên thì nước mới vào đồng. Nhưng do nhận thức của chính quyền cơ sở và nông dân còn hạn chế, cho rằng công trình thuỷ lợi đã được giao cho Công ty thuỷ nông quản lý thì phải có trách nhiệm cấp nước đầy đủ cho bà con canh tác thường xuyên, mỗi khi không có nước là bà con lại kêu công ty. Để khỏi “mang tiếng” với tỉnh, thời gian qua Công ty thuỷ nông làm luôn cả phần nạo vét kênh mương nội đồng cho nông dân. Do cán bộ quá ít nên phải thuê bà con và phải tiền tươi thóc thật với mức 120 nghìn đồng/ ngày công. Vì thế, tiền sửa chữa thường xuyên đập đầu mối và kênh chính đã ít lại bị cấu vào để nạo vét kênh mương nội đồng nên có nhiều công trình mỗi năm chỉ sửa chữa mang tính chất tạm bợ, chắp vá hoặc không còn kinh phí để sửa chữa.

Để các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được đầu tư gần một nghìn tỷ đồng được bảo vệ, phát huy hiệu quả, góp phần làm nên những vụ mùa bội thu thì các cơ quan chức năng của tỉnh cần khẩn trương định giá, định giá lại để công trình có kinh phí tu sửa thường xuyên. Đồng thời đưa các công trình nhỏ ở vùng sâu vùng xa về cho chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương quản lý, vận hành nhằm khắc phục tình trạng bi đát hiện nay.