Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo

NDO - Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị khẳng định, sau thời gian triển khai, với những kết quả đạt được, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát huy vai trò là thiết chế nền tảng để tạo lập khung khổ pháp lý đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Qua đó, góp phần bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Thông qua phổ biến, giáo dục pháp luật, người dân đã dần chủ động, tích cực trong việc tự tập, tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Nhờ vậy, đã góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Kết quả thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhiều lĩnh vực.

Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm.

Sau khi Luật được ban hành, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống chính trị đã có nhiều thay đổi, theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được nâng lên trên tinh thần thống nhất nhận thức, xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, hội nghị thống nhất việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người và quyền công dân; coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, trở thành ý thức, hành động của từng cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Bên cạnh đó, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật và các văn bản liên quan, kịp thời nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật để đáp ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.

Tiếp tục đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm.

Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật.

Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật.