Đối với cá nhân Công Phượng, đây là lần thứ hai anh quay trở lại môi trường bóng đá Nhật Bản. Vào năm 2016, anh từng chơi bóng cho câu lạc bộ (CLB) Mito Hollyhock tại J2 League và không để lại quá nhiều dấu ấn.
Khi đó, cầu thủ gốc Nghệ An mới bước sang tuổi 21 nên còn quá thiếu hụt kinh nghiệm để chịu đựng thử thách chồng chất ở một nền thể thao sở hữu mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Những màn trình diễn ấn tượng ở cấp độ U19 Việt Nam hay tại đấu trường V-League 2015 không trở thành nền tảng để Công Phượng có thể thành công. Dẫu vậy, đó cũng là hành trình quý giá giúp Công Phượng tích lũy, cứng cáp trong sự nghiệp sau này.
Tình cảnh trớ trêu của đội bóng
Trở lại với đất nước Nhật Bản sau 7 năm, Công Phượng không còn là chàng cầu thủ trẻ trung, non nớt như thời còn thi đấu cho Mito Hollyhock. Anh là mắt xích không thể thiếu dưới triều đại vàng son của huấn luyện viên Park Hang-seo, đồng thời đóng vai trò trụ cột tại Hoàng Anh Gia Lai. Hơn thế nữa, anh cũng có vinh dự góp mặt tại các giải đấu tầm cỡ châu lục như Asian Cup 2019 hay AFC Champions League 2022. Công Phượng có lý do để quyết tâm chinh phục bóng đá Nhật Bản.
Tuy vậy, Công Phượng đang rơi vào tình trạng đáng báo động khi “thuyền trưởng” Shuhei Yomoda chưa tạo điều kiện để anh chinh chiến tại các trận đấu chính thức. Tình hình tại CLB Yokohama hiện hết sức bi đát khi họ hiện đứng cuối bảng xếp hạng J1 League với vỏn vẹn 1 điểm giành được. Tính trên mọi đấu trường, đội bóng thuộc vùng Kanagawa đã đón nhận 6 lần thất bại trong tổng số 7 trận đã qua.
Vậy nên, rất khó để huấn luyện viên Shuhei Yomoda có thể tạo điều kiện cho những cầu thủ ít được thi đấu như Công Phượng. Bên cạnh tuyển thủ quốc gia Việt Nam, gần 20 cầu thủ trong đội hình chưa được “thử lửa” tại J1 League.
Bài toán cho Công Phượng
Khi được hỏi về giai đoạn tập luyện trước mùa giải, Công Phượng chia sẻ với báo giới: “Đây là lần đầu tiên tôi có thời gian chuẩn bị dài như thế trước một mùa giải. Thông thường ở Việt Nam, khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia rồi sau đó về CLB chuẩn bị cho mùa giải mới, tôi thường có khá ít thời gian tập luyện. Vậy nên, tôi cảm thấy vui khi mình đạt được trạng thái thể lực sung mãn để sẵn sàng ra sân với Yokohama FC. Tại đội bóng này, tôi đang được bố trí chơi tiền vệ. Nhờ vậy, tôi có thời gian cầm bóng, đưa ra quyết định như chuyền, rê bóng, di chuyển”.
Vị trí tiền vệ trung tâm vốn không xa lạ với Công Phượng, đặc biệt trong khoảng thời gian anh làm việc với Kiatisuk Senamuang, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Thái Lan. Trong 2 mùa giải 2021 và 2022, tuyển thủ quốc gia này thường xuyên được bố trí thi đấu nơi tuyến tiền vệ nhằm hỗ trợ khâu tịnh tiến, triển khai bóng.
Tại AFC Champions League 2022, vị trí tiền vệ của Công Phượng là bất khả xâm phạm khi anh thi đấu tương đối ấn tượng trước các đối thủ đáng gờm như Sydney FC hay Jeonbuk Huyndai Motors.
Dẫu vậy, đẳng cấp của một nền bóng đá thường xuyên góp mặt tại các vòng chung kết World Cup chênh lệch khá nhiều so với chúng ta. Công Phượng cần thời gian thích nghi và làm quen với lối chơi cũng như cường độ hoạt động của Yokohama FC.
Bước vào mùa giải chính thức, Công Phượng đã thi đấu tổng cộng 180 phút trong 2 trận đấu giao hữu với Iwate Grulla Morioka và đại học Juntendo. Trong 2 trận giao hữu trên, Công Phượng được thử nghiệm trong vai trò tiền vệ cũng như hộ công.
Vấn đề của Công Phượng nằm ở sự thích nghi chiến thuật và cường độ cao của bóng đá Nhật Bản. Trong bản lý lịch của CLB, Công Phượng chia sẻ 2 yếu tố mà anh lo lắng gồm khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật, nhịp độ tập luyện nhanh cùng độ chính xác của các đường chuyền.
Ở khía cạnh tích cực, việc Công Phượng có tên trên băng ghế dự bị trước Sanfreece Hiroshima tại J-League Cup hay được ra sân với thời lượng ổn định trong các trận giao hữu chứng tỏ cánh cửa vẫn chưa đóng lại với anh.
Công Phượng vẫn còn 3 năm hợp đồng với CLB Yokohama. Đó cũng là quãng thời gian đủ lâu để anh bộc lộ phẩm chất của mình tại các trận cầu của J-League Cup hay Cúp Hoàng đế, trước khi tính tới việc được đăng ký tại J1 League.