Đây là minh chứng sinh động cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới; đồng thời, thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào thực hiện các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp.
Trong thành công đó, có đóng góp tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam, của các vị chức sắc và đồng bào Công giáo cả nước luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tham gia tích cực các hoạt động từ thiện xã hội, lĩnh vực y tế, giáo dục, để lại hình ảnh đẹp trong lòng dân tộc.
Điểm đặc biệt của nguồn lực Công giáo được thể hiện rất rõ trong việc dấn thân mạnh mẽ, hành động tích cực tham gia vào cả những khía cạnh khó khăn của đời sống, như: Chăm sóc, chữa trị cho người bị bệnh phong cùi, người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật… Tính đến ngày 31/12/2022, Giáo hội Công giáo Việt Nam và các linh mục, tu sĩ trong cả nước đang điều hành 130 trạm xá, phòng khám, 59 trại phong, tâm thần, HIV, ma túy; 245 trung tâm chăm sóc người khuyết tật, cô nhi viện, dưỡng lão, đã và đang đạt nhiều kết quả thiết thực.
Tất cả 27 giáo phận hiện nay đều có dự án hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bệnh nhân HIV/AIDS để họ hiểu, biết về trọng bệnh của mình, nhằm tuân thủ điều trị theo phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời tập huấn cho ban điều hành các giáo xứ, các cộng tác viên, tình nguyện viên giúp họ có phương pháp tuyên truyền, tư vấn, vận động bệnh nhân và có những kỹ năng thực hiện dự án. Tổ chức chăm sóc cho người bị nhiễm HIV, nhất là trẻ em nhằm giúp các em được hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động và được đến trường.
Năm 2005, Mái ấm Mai Tâm (quận Thủ Đức) được thành lập, do linh mục Phương Đình Toại, phụ trách Ban Mục vụ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số linh mục điều hành.
Từ đó đến nay, đã chăm sóc được 241 trẻ, 93 bà mẹ nhiễm HIV. Tổng số trẻ đang được chăm sóc hiện nay là 72 cháu, trong đó, số trẻ đến trường học từ mẫu giáo đến bậc đại học là 60 cháu; các bà mẹ ở Mái ấm Mai Tâm vừa phụ giúp chăm sóc trẻ, vừa được tạo việc làm có thu nhập. Tất cả đều được chăm sóc dinh dưỡng, tinh thần, được giáo dục và được tiếp cận uống thuốc điều trị đặc hiệu nhằm ngăn chặn sự phát triển của HIV và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời có biện pháp dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Trong lĩnh vực giáo dục, hiện có 1.423 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương, 130 trung tâm, cơ sở dạy nghề do nhiều giáo xứ, dòng tu tổ chức. Hình ảnh các nữ tu chăm sóc, dạy dỗ em nhỏ tràn đầy tình yêu thương luôn là hình ảnh đẹp về nữ tu Công giáo trong cộng đồng xã hội.
Với tôn chỉ giáo dục “người trẻ có ích cho xã hội”, Dòng Salêdiêng Don Bosco ưu tiên quan tâm giáo dục và đào tạo những em nghèo, kém may mắn. Hiện tại, dòng có năm cơ sở hoạt động giáo dục và đào tạo nghề ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng hơn 2.000 học viên. Đối tượng được nhận để đào tạo là tất cả các thanh niên, không phân biệt tôn giáo, ưu tiên cho những em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, nghèo khổ, những em người dân tộc thiểu số.
Những học viên chưa hoàn thành chương trình phổ thông, trường tạo điều kiện học tập để các học viên có thể thi tốt nghiệp phổ thông, song song với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Ngoài việc đào tạo học viên thành những công dân lương thiện và những người thợ lành nghề, nhà trường còn chủ động tìm đối tác là các công ty, tạo điều kiện để các học viên tiếp cận thực tế và tìm được việc làm sau tốt nghiệp.
Khi xã hội phát triển, trẻ tự kỷ có xu hướng gia tăng, trong khi các trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ lại rất ít, chưa chuyên nghiệp. Trước tình hình đó, Dòng Phaolô ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cử nữ tu đi trong nước và nước ngoài để chăm sóc chuyên sâu cho trẻ tự kỷ. Năm 2009, Dòng Phaolô thành lập Trung tâm Trúc Linh, dạy trẻ tự kỷ và huấn luyện người dạy trẻ tự kỷ, thuộc địa bàn của 23/24 quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bằng tình yêu thương, nhân hậu, các nữ tu của dòng đã góp phần can thiệp, dạy dỗ cho các trẻ tự kỷ, bại não, rất nhiều em phát triển tốt, tỷ lệ trẻ nói được lên tới 80%.
Công giáo luôn tích cực tham gia các lĩnh vực từ thiện xã hội, nhất là phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chủ động tổ chức thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Giai đoạn đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giáo hội Công giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân và chính quyền. Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ “Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19” ba tỷ đồng, 27 giáo phận đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng chia sẻ, trợ giúp người khó khăn trong đại dịch qua các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Cao điểm đợt chống dịch năm 2021, có khoảng 2.000 linh mục, tu sĩ Công giáo tình nguyện tham gia phục vụ tại các bệnh viện tuyến đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Điều đặc biệt trân trọng, cảm phục là trong thời khắc diễn biến dịch phức tạp, môi trường bệnh viện có nguy cơ lây lan cao, song các linh mục, tu sĩ luôn gần gũi, động viên, chăm sóc bệnh nhân, không quản ngại khó khăn để đảm nhận những công việc rất vất vả, nguy hiểm tới tính mạng.
Đó chính là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các y, bác sĩ, giảm tải áp lực công việc cho lực lượng y tế, huy động sức người, sức của trong đồng bào Công giáo đóng góp quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Việc phục vụ, giúp đỡ cộng đồng cũng là lý tưởng mà mỗi tu sĩ và đồng bào Công giáo dấn thân theo đuổi mỗi ngày.