Công đoàn với việc tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh

NDO - Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận "Công đoàn với việc tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh" của Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tại tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Trần Huy Toản, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận "Công đoàn với việc tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh". (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đồng chí Trần Huy Toản, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày tham luận "Công đoàn với việc tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh". (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (VHTT) luôn là những hoạt động được đông đảo mọi người quan tâm; tham gia các hoạt động VHTT không chỉ giúp chúng ta có sức khỏe tốt mà còn là sợi dây thắt chặt tinh thần đoàn kết, thân ái giữa các công đoàn viên và giúp cho công đoàn viên lấy lại được sự cân bằng giữa hoạt động chuyên môn và giải trí, thư giãn về tâm lí để có thể công tác và rèn luỵện một cách tốt nhất.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xem văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao là một hoạt động tinh thần phổ biến góp phần cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như sự phát triển của xã hội. Bác từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” hay “Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bổi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Qua đó có thể thấy rằng VHTT luôn là hoạt động có ý nghĩa tinh thần to lớn, góp phần không nhỏ tới hoạt động phong trào của cơ quan, nó rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật cho đoàn viên công đoàn, tạo sự thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng cơ quan và tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Về một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn; đồng thời, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trong Chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng), Đảng ta luôn chú trọng đến phát triển thể lực và tầm vóc con người Việt Nam, gắn việc rèn luyện thể chất với rèn luyện tri thức, đạo đức, kỹ năng sống của mỗi con người đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đó là cơ sở cho mỗi cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, khi cường độ lao động và nhịp độ cuộc sống không ngừng tăng nhanh, gây áp lực lớn đến sức khỏe và tâm lý người lao động, người lao động cần giải tỏa áp lực công việc, họ tìm đến với hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sau mỗi ngày làm việc như một nhu cầu tất yếu của con người.

Để thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc; đồng thời tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Công đoàn cần triển khai tổ chức, quản lý tốt hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ quan đơn vị, tạo sân chơi lành mạnh cho người lao động, tạo bầu không khí vui khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan, góp phần hạn chế những tiêu cực của cán bộ, thông qua đó sự hiểu biết lẫn nhau được nâng cao, các mối quan hệ được tăng cường.

Đã nhiều năm qua sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là một hoạt động không thể thiếu của tổ chức Công đoàn. Tuy chỉ là một mảng hoạt động bề nổi, nhưng có thể nói nơi nào Công đoàn tổ chức tốt phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ở đó người lao động gắn bó với Công đoàn hơn và vai trò của Công đoàn được đề cao hơn. Vấn đề đặt ra với tổ chức Công đoàn là làm sao tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút đoàn viên tham gia, để hoạt động thể thao, văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cả vấn đề lớn mà cán bộ công đoàn các cấp cần phải giải quyết. Trong khuôn khổ bài tham luận, chúng tôi muốn đề cập vai trò của công đoàn cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong việc tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao tại đơn vị.

Để phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì và phát triển, công đoàn cần nhận được sự quan tâm của cấp ủy và sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền đơn vị, nhất là sự giúp đỡ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức hoạt động; đồng thời phải gắn hoạt động văn nghệ, thể thao với phong trào thi đua, coi đây là một nội dung thi đua, làm căn cứ để chấm điểm thi đua hằng năm của cơ quan, đơn vị. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là phải tạo ra niềm đam mê cho cán bộ, đoàn viên; muốn vậy, công đoàn các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ có năng lực và kinh nghiệm theo dõi, đôn đốc.

Khi xây dựng kế hoạch cần căn cứ điều kiện cụ thể của đơn vị để lựa chọn những nội dung phù hợp, nhất là trong hoạt động thể thao, nên chọn những môn nhiều người có thể tham gia như bóng bàn, cầu lông ...., cố gắng vận động thủ trưởng cơ quan, đơn vị cùng tham gia để động viên thúc đẩy phong trào. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sinh hoạt chính trị quan trọng, ngày thành lập cơ quan, đơn vị, công đoàn cần tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn ... để tạo điều kiện cho đoàn viên được thể hiện khả năng của mình.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, với phương châm “Quyết liệt hành động - khát vọng cống hiến” cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đoàn viên Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển Ngành tầm nhìn đến năm 2045, từng bước tiệm cận tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn nghệ, thể thao, giải tỏa áp lực công việc cho người lao động, đoàn viên công đoàn sau mỗi ngày làm việc, phát huy hiệu quả của hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở đơn vị, thực tiễn những năm Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những phương pháp hoạt động tương đối hữu hiệu.

Chúng tôi nhận thấy để tổ chức tốt hoạt động văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, khi xây dựng chương trình công tác hằng năm, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chú trọng đến việc duy trì, phát triển hoạt động văn thể ở các công đoàn cơ sở trực thuộc, gắn hoạt động văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống cho cán bộ, đoàn viên với phong trào thi đua xây dựng cơ quan và tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển của Ngành.

Ngay từ những ngày đầu năm, Công đoàn Bộ đã phát động thi đua, trong đó việc tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao tại cơ quan, đơn vị là một tiêu chí được đánh giá cao. Các công đoàn trực thuộc đã ký giao ư­ớc thi đua và tiến hành phát động thi đua tại cơ quan, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo các công đoàn cơ sở tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, phối hợp với chính quyền, căn cứ vào thực tế của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm lôi cuốn đoàn viên công đoàn tích cực tham gia. Với việc phân chia các công đoàn cơ sở theo khối, phân công các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ phụ trách theo dõi, duy trì các phong trào, đã tạo điều kiện để các công đoàn cơ sở có thể tổ chức các hoạt động giao lưu trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Thông qua hoạt động này các công đoàn cơ sở có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tăng cường mối quan hệ, hiểu biết nhau, cùng tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động công đoàn. Qua đó, các công đoàn cơ sở đã phát huy tốt ưu thế của mình, đồng thời tranh thủ được những thế mạnh của đơn vị bạn. Ví dụ khi muốn dàn dựng chương trình văn nghệ tại đơn vị hành chính, sự nghiệp có thể nhờ các công đoàn đơn vị nghệ thuật, hoặc muốn tổ chức giải thể thao thì có thể đề nghị các công đoàn có chuyên môn về lĩnh vực thể thao giúp đỡ v.v...

Về văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công nhiều đợt Liên hoan Nghệ thuật quần chúng chào mừng các ngày lễ lớn hoặc các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước thu hút hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia. Từ đó, chọn các tiết mục đặc sắc để tham gia liên hoan Nghệ thuật quần chúng do Công đoàn Viên chức Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các phường, quận sở tại tổ chức hoặc yêu cầu.

Về Thể dục, Thể thao, Công đoàn Bộ chỉ đạo, tạo điều kiện cho các công đoàn cơ sở tổ chức và duy trì các sân chơi dưới hình thức các câu lạc bộ tại cơ quan, đơn vị (như “Câu lạc bộ cầu lông”, “Câu lạc bộ bóng bàn” ..), đây chính là nơi cho đoàn viên tạo niềm đam mê và cảm hứng được thể hiện khả năng về thể thao của mình sau mỗi ngày làm việc. Các câu lạc bộ này là nơi cung cấp các vận động viên tham gia các giải thể thao do công đoàn cấp trên tổ chức, đồng thời cũng thường xuyên giao lưu với các đơn vị trong ngành và các đơn vị ngoài cũng như giao lưu với địa phương.

Công đoàn Bộ đã tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, với các bộ môn như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, kéo co, chạy Maratông, cờ tướng.... thu hút hàng nghìn đoàn viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Các giải thi đấu thể thao đã được chuẩn bị tốt nên từ khi khai mạc và trong quá trình thi đấu thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, để lại ấn tượng tốt cho các đơn vị tham gia. Vấn đề địa điểm tổ chức cũng là một trăn trở cho chúng tôi, qua nhiều năm tổ chức, chúng tôi nhận thấy tổ chức ở Nhà thi đấu là phù hợp nhất. Thông qua tổ chức các đợt liên hoan Nghệ thuật quần chúng và các giải thể thao do Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tạo nên nguồn động viên, là động lực để duy trì và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các công đoàn cơ sở trực thuộc.

Trong quá trình tổ chức và duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi thấy còn có những khó khăn, bất cập sau:

Một là, nhu cầu được tham gia văn nghệ, thể thao của đoàn viên công đoàn như nhau nhưng điều kiện, cơ sở vật chất của mỗi cơ quan, đơn vị lại khác nhau nên việc đáp ứng nhu cầu chính đáng đó lại phụ thuộc vào từng cơ quan, đơn vị.

Hai là, tâm lý e dè, tự ti của đoàn viên, nhất là ở những người lớn tuổi đôi khi ảnh hưởng đến phong trào vì thường những người có tuổi không muốn tham gia, họ cho rằng đây là sân chơi của lớp trẻ.

Ba là, ở đâu cấp ủy Đảng quan tâm, chính quyền tạo điều kiện, nhất là thủ trưởng đơn vị trực tiếp tham gia thì phong trào phát triển mạnh, được duy trì thường xuyên và ngược lại.

Để phát huy hiệu quả của hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tạo bầu không khí vui, khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, công đoàn các cấp cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đó có kế hoạch triển khai hoạt động phù hợp với khả năng của cơ quan đơn vị tạo điều kiện cho người lao động được tham gia và thể hiện khả năng của mình.

Hoạt động văn nghệ, thể thao không nhất thiết phải đầu tư lớn, ban đầu có thể từ những sân chơi đơn giản như bố trí 1 bàn bóng bàn, kẻ 1 sân cầu lông, phòng tập hát ... tìm ra hạt nhân là những người đã biết để lôi cuốn người khác, khi có nhiều người tham gia, công đoàn cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy và sự giúp đỡ của chính quyền để mở rộng quy mô, tổ chức thi đấu, động viên khuyến khích những tập thể và cá nhân có thành tích trong tập luyện và thi đấu. Trong bình xét thi đua cuối năm những hạt nhân văn nghệ thể thao luôn được quan tâm đúng mức, khen thưởng để động viên khích lệ và khuyến khích phong trào.

Thực hiện mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch toàn ngành là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa trong tình hình mới” tiếp tục thực hiện phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” với chủ đề chỉ đạo của Bộ là “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả”, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và mục tiêu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về vai trò của công đoàn đối với hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tham gia cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và người lao động theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng rằng những việc làm trên góp thêm một chút kinh nghiệm cho các đồng chí cán bộ làm công tác công đoàn.