Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm theo lời Bác

Bằng nhiều hình thức, mô hình và cách làm sáng tạo, thời gian qua, Công đoàn Thừa Thiên Huế chăm lo có hiệu quả lợi ích đoàn viên, người lao động. Hành động thiết thực này đã góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn tỉnh vững mạnh.

Đoàn viên công đoàn cơ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tại chợ Đông Ba.
Đoàn viên công đoàn cơ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tại chợ Đông Ba.

Nhiều việc làm thiết thực

Thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các tổ chức công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều việc làm thiết thực. Tổ chức các chương trình: “Điều ước đoàn viên”; “Lễ cưới tập thể”; “Khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động”; “Chung tay phòng chống Covid-19”... đều hướng đến chăm lo tốt hơn cho đời sống của đoàn viên và người lao động.

Thành công của các chương trình này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận. Nhiều công đoàn cơ sở quan tâm tới chất lượng của bữa ăn ca cho công nhân lao động; xây dựng trạm sửa chữa xe máy miễn phí; phòng nghỉ phục vụ nữ công nhân mang thai và nuôi con nhỏ. Bốn năm qua, Quỹ Trợ vốn công nhân lao động nghèo giải quyết cho 108 dự án vay với số tiền hơn 22,5 tỷ đồng, tạo việc làm thêm cho 1.455 lao động. Thông qua chương trình “Mái ấm Công đoàn”, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 259 nhà cho công nhân lao động nghèo với số tiền gần 6,2 tỷ đồng.

Để tạo được niềm tin cho đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn Thừa Thiên Huế luôn lắng nghe, cảm nhận và sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn và người lao động ở cơ sở. “Sâu cơ sở, sát phong trào” là yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ công đoàn, qua đó chấm dứt tình trạng “hành chính hóa hoạt động công đoàn”.

Công đoàn Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức chỉ đạo hoạt động công đoàn các cấp qua các nhóm được lập trên zalo, facebook nhằm hạn chế văn bản giấy, bảo đảm nội dung chỉ đạo sâu sát cơ sở. Thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, lập các nhóm: Cán bộ công đoàn chuyên trách, Chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài nhà nước, nhóm cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc, cùng nhiều fanpage và đội ngũ cộng tác viên.

Với nhiều hình thức phong phú, thông tin từ cơ sở, đoàn viên và công nhân lao động được chuyển tới công đoàn tỉnh kịp thời, chính xác. Đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn gắn kết, tin tưởng và chia sẻ. Trưởng ban Tuyên giáo (Liên đoàn Lao động tỉnh) Ngô Thị Thu Hương tâm sự: Tình cảm đó đã trao cho chúng tôi thêm niềm tin và trách nhiệm với công việc của mình, là động lực để mỗi cán bộ công đoàn đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm trong giai đoạn mới. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là tạo dựng cảm tình của NLĐ, sau đó là giữ gìn quyền lợi cho công nhân. 

Kết nối những tấm lòng

Thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy, mỗi cán bộ công đoàn tỉnh là những người “bắc cầu” đoàn viên, người lao động với doanh nghiệp, nhà hảo tâm, thông qua những chương trình xã hội hóa hoạt động công đoàn. Chương trình “Điều ước đoàn viên” là một trong những hoạt động như thế. Bằng sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, chương trình đã động viên, chia sẻ, giúp sức để tự thân mỗi đoàn viên khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, với sự đồng hành của cán bộ công đoàn.

Đến nay, 18 số của chương trình “Điều ước đoàn viên” đã được thực hiện qua kênh TRT Đài Phát thanh truyền hình tỉnh hằng tháng. Giai đoạn đầu, công đoàn Thừa Thiên Huế “hiện thực hóa” các ước mơ của tập thể đoàn viên, với mong muốn một điều ước thành hiện thực sẽ có nhiều đoàn viên được hưởng phúc lợi. Có thể kể ra các công trình: Hai nhà công vụ và công trình nước sạch tặng các thầy giáo, cô giáo tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa Trường tiểu học và THCS Hương Nguyên (huyện A Lưới), Trường tiểu học và THCS Xuân Lộc (huyện Phú Lộc).

Trong Tháng Công nhân năm 2020, công đoàn tỉnh kết nối cửa hàng vải đẹp Thảo Nguyễn tại Hà Nội đến anh Trương Văn Viễn (đoàn viên Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc), mỗi tháng anh Viễn được cửa hàng hỗ trợ một triệu đồng, trước mắt là trong năm 2020 để có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh. Bệnh gút biến chứng đã khiến một bên chân anh bị cưa bỏ, một bên teo cơ. Ở tuổi 42, mất sức lao động vĩnh viễn, anh Viễn làm bạn với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông cậy vào mẹ già hơn 70 tuổi và các con nhỏ. Vợ anh làm thợ may, một mình xoay xở lo cho ba đứa con. Được sự quan tâm, chia sẻ của công đoàn, anh Viễn đã vợi bớt âu lo. Anh chia sẻ thời gian tới, sẽ đi bán vé số, với hy vọng có thêm chút thu nhập, ít nhất cũng tự lo cho bản thân.

Thông qua chương trình, công đoàn tỉnh gửi thông điệp đến xã hội cách nhìn mới của công đoàn trong chăm lo giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động trong giai đoạn mới. Cán bộ công đoàn chăm lo quan hệ lao động, xây dựng các thỏa ước lao động tập thể, đồng thời quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình, có 34 cặp công nhân lao động khó khăn được công đoàn se duyên, mỗi năm có gần 3.500 đoàn viên được khám sức khỏe miễn phí. Thừa Thiên Huế cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Đến nay có 8.923 đoàn viên công đoàn và người lao động được hưởng ưu đãi từ các đối tác tham gia chương trình phúc lợi, tương ứng với số tiền đoàn viên được hưởng lợi là hơn năm tỷ đồng, hàng chục nghìn công nhân lao động được hưởng lợi từ “Gian hàng 0 đồng”…

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương đúc kết: Niềm tin của công nhân lao động vào tổ chức công đoàn được chúng tôi nhen nhóm, giữ gìn từ việc lắng nghe và giúp sức “hiện thực hóa” những ước mơ như thế. Đó cũng chính là cách chúng tôi làm theo lời Bác dạy. Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động, tạo sức hút, chất kết dính để người lao động tự nguyện đến với tổ chức công đoàn, để được chăm lo lợi ích, và gắn bó thủy chung. Đây cũng chính là những giải pháp đột phá của hoạt động công đoàn mà Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.