Thế giới tuần qua

Công đảng Ô-xtrây-li-a giành ưu thế trong nỗ lực thành lập chính phủ

Với đảng Xanh, Thủ tướng G.Gi-lát đồng ý các đề xuất cải cách, như lập ủy ban phụ trách việc đánh thuế khí thải và mở cuộc tranh luận tại QH về việc Ô-xtrây-li-a triển khai quân ở Áp-ga-ni-xtan. Bà Gi-lát được hạ nghị sĩ A.Uyn-ki ủng hộ trong vấn đề ngân sách. Vị nghị sĩ đại diện khu vực Ðê-ni-xơn của bang Ta-xơ-ma-ni-a này cam kết chống lại các động thái bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ tương lai của Công đảng. Ngày 5-9, Công đảng tuyên bố ủng hộ các đề xuất cải cách QH do Hạ nghị sĩ độc lập R.Ô-kê-sót đưa ra, trong một động thái nhằm tiếp tục giành sự ủng hộ của nghị sĩ này đối với Công đảng.

Như vậy, việc giành được sự ủng hộ của hai ông Ban-tơ và Uyn-ki đã giúp Công đảng kiểm soát được 74 ghế tại Hạ viện, vượt liên đảng đối lập hiện kiểm soát 73 ghế; và còn cần thêm sự ủng hộ của hai trong số ba nghị sĩ độc lập còn lại là chiếm đa số (76/150 ghế Hạ viện) để có thể đứng ra thành lập chính phủ, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị ở Ô-xtrây-li-a sau cuộc bầu cử ngày 21-8 vừa qua. Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò dư luận do Tập đoàn truyền thông Fairfax tiến hành cho thấy, 37% số cử tri Ô-xtrây-li-a muốn ba hạ nghị sĩ độc lập ủng hộ Công đảng lập chính phủ mới; chỉ có 31% số cử tri kêu gọi các nghị sĩ này ủng hộ liên đảng của ông T.Áp-bót.

Ðảng cầm quyền ở Nhật Bản bầu Chủ tịch mới

Hai ứng cử viên gồm đương kim Thủ tướng, Chủ tịch DPJ N.Can và cựu Tổng Thư ký DPJ I.Ô-da-oa đã bắt đầu chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và sẽ là Thủ tướng tương lai của Nhật Bản. Tham gia bỏ phiếu ngày 14-9 tới, để chọn ra Chủ tịch mới của DPJ, có 412 nghị sĩ, 2.382 thành viên các hội đồng địa phương, khoảng 340.000 đảng viên và những người ủng hộ DPJ. Ứng cử viên I.Ô-da-oa cam kết thực hiện mọi biện pháp, kể cả việc can thiệp thị trường tiền tệ, nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng yên so với USD; tìm kiếm một giải pháp chấp nhận được đối với kế hoạch bố trí lại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa. Trong khi đó, ứng cử viên Can tuyên bố ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế, khôi phục nền tài chính quốc gia và cải thiện chế độ an sinh xã hội.

Các cuộc thăm dò dư luận do các tờ báo hàng đầu Nhật Bản tiến hành cho thấy, ông Can hiện giành được sự ủng hộ của các thành viên DPJ nhiều hơn so với ông Ô-da-oa. Nguyên nhân là do công chúng Nhật Bản đã quá mệt mỏi với sự thay đổi liên tục người đứng đầu chính phủ, trong bối cảnh nước này đối mặt tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài, đồng yên tăng giá bất thường, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ nợ công cao... Uy tín của ông Ô-da-oa giảm đáng kể sau khi bị phát hiện liên quan một số vụ bê bối quỹ chính trị, khiến ông phải từ chức Chủ tịch DPJ (5-2009) và Tổng Thư ký DPJ (6-2010). Tuy nhiên, ông Ô-da-oa vẫn nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ đảng này nhiều hơn so với ông Can. Cuộc bầu cử Chủ tịch lần này có ý nghĩa quyết định đối với tương lai chính phủ của Thủ tướng N.Can, được dự báo diễn ra hết sức gay cấn và có thể dẫn tới sự chia rẽ nội bộ đảng cầm quyền.

Khởi động đàm phán trực tiếp Pa-le-xtin - I-xra-en

Kết thúc vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên trong hai năm qua tại Oa-sinh-tơn, ngày 2-9, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát và Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu nhất trí tiếp tục gặp nhau hai tuần một lần, nhằm mục tiêu trong một năm tới đạt được một thỏa thuận về hòa bình cho khu vực Trung Ðông.

Hai nhà lãnh đạo Pa-le-xtin và I-xra-en sẽ gặp lại tại Ai Cập ngày 14 và 15-9 tới; sau đó các nhà đàm phán của hai bên sẽ họp hai tuần một lần. Thời gian tới, hai bên tập trung thảo luận về hiệp định khung nhằm đưa ra một quy chế thường trực, xây dựng các thỏa thuận cần thiết giúp tạo lập nền hòa bình, ổn định cho cả I-xra-en và Pa-le-xtin. Hai bên cũng đồng ý thảo luận giải quyết tất cả những vấn đề cốt lõi, như an ninh, các đường biên giới, quy chế của người tị nạn Pa-le-xtin và vấn đề Giê-ru-xa-lem.

Dù hoan nghênh động thái tích cực của Pa-le-xtin và I-xra-en sau cuộc đối thoại trực tiếp tại Oa-sinh-tơn, nhưng dư luận thế giới vẫn thiếu tin tưởng vào tham vọng đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề cốt lõi trong tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cảnh báo, vòng đàm phán này có thể là "cơ hội cuối cùng để giải quyết cuộc xung đột", trong khi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cảnh báo tiến trình đàm phán sẽ không êm ả và kêu gọi kiên quyết chống các nhóm muốn ngăn cản tiến trình này. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập A.Ghết nhận định, cơ hội thành công hoặc thất bại của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin ngang nhau, còn Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập A.Mu-xa lại nghi ngờ việc I-xra-en thật sự sẵn sàng góp phần mang lại hòa bình cho Trung Ðông. Trong khi đó, Nhóm Hồi giáo vũ trang Ha-mát hiện kiểm soát dải Ga-da kịch liệt phản đối cuộc hòa đàm và bạo lực tiếp tục xảy ra tại dải Ga-da cả trước và ngay sau cuộc đàm phán tại Oa-sinh-tơn.