Công bố quần thể voọc xám Đông Dương ở Thanh Hóa

NDO -

NDĐT - Thực hiện điều tra, nghiên cứu bảo tồn sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên ở huyện Thường Xuân, cán bộ, các nhà khoa học, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, công bố tại khu vực này có từ 192 - 212 cá thể voọc xám Đông Dương (tên khoa học là Trachypithecus crepusculus).

Các cá thể voọc xám Đông Dương phát hiện tại Khu BTTN Xuân Liên.
Các cá thể voọc xám Đông Dương phát hiện tại Khu BTTN Xuân Liên.

Số lượng cá thể voọc xám này phân bố, sinh sống tại bốn dạng sinh cảnh: rừng thường xanh trên núi đá vôi, rừng thường xanh á nhiệt đới, rừng thường xanh nhiệt đới ít bị tác động, rừng hỗn giao giữa gỗ và cây giang, nứa, thuộc các tiểu khu 485, 489, 495, 497, 498, 499, 505, 500.

Được biết tại Việt Nam, voọc xám Đông Dương có vùng phân bố lịch sử ở 11 tỉnh gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Dù vậy, loài voọc này hiện còn ghi nhận ở một số khu vực thuộc các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An với kích thước quần thể nhỏ và rất nhỏ.

Kết quả điều tra vừa công bố, ghi nhận quần thể voọc xám Đông Dương ở Khu BTTN Xuân Liên có số lượng cá thể lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn thu thập thông tin đặc điểm sinh thái học khá đầy đủ, có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học và bảo tồn nguồn gen loài voọc xám Đông Dương.

Nhằm bảo tồn loài voọc này, Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã; thực hiện các hoạt động bảo vệ, phục hồi các sinh cảnh rừng có loài phân bố; điều tra đánh giá tình trạng quần thể, xác định khu vực cư trú của loài ở các khu rừng đặc dụng; xây dựng, có kế hoạch hành động bảo tồn thiết thực.

Công bố quần thể voọc xám Đông Dương ở Thanh Hóa ảnh 1
Công bố quần thể voọc xám Đông Dương ở Thanh Hóa ảnh 2