Công bố kết quả nghiên cứu kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh

NDO -

Ngày 23/10, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thực hiện hiệu quả các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bảo đảm mục tiêu kép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp.

Công ty TNHH Cơ Điện Samwa Tek (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) duy trì sản xuất liên tục trong các đợt giãn cách vừa qua.
Công ty TNHH Cơ Điện Samwa Tek (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) duy trì sản xuất liên tục trong các đợt giãn cách vừa qua.

PGS, TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết: “Ngày hôm nay, nhóm nghiên cứu công bố kết quả nghiên cứu đánh giá nhanh về các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất; về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; về kế hoạch phục hồi sản xuất sau ngày 1/10/2021, những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Kết quả nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát 100 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có 25 doanh nghiệp FDI được tiến hành từ ngày 5 đến ngày 15/10/2021. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn thực hiện 18 cuộc phỏng vấn sâu online, gồm lãnh đạo của 10 doanh nghiệp Việt, 3 doanh nghiệp FDI, 4 Hiệp hội Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh.

Theo nghiên cứu, có 44% số doanh nghiệp có kế hoạch phục hồi toàn bộ và 29% số doanh nghiệp phục hồi phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, có 31% số doanh nghiệp chỉ phục hồi một phần; 24% chưa xác định thời gian phục hồi sản xuất cụ thể. Có 8 trong số 100 doanh nghiệp (trong đó có một nửa là doanh nghiệp FDI) có kế hoạch chuyển một phần đơn hàng sang nước khác hoặc nơi khác. 

Với 11 lĩnh vực chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tính bình quân chỉ 16,2% số doanh nghiệp ít khó khăn, 37,7% có khó khăn và 46,1% rất khó khăn. Các khó khăn chủ yếu liên quan đến quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống dịch đến các yếu tố đầu vào như thiếu vốn, thiếu hụt lao động, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng; đến các điều kiện tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ. Theo đó, ít nhất 35% doanh nghiệp gặp khó khăn nhất đối với vấn đề “không thể thanh toán nợ đáo hạn, tiền lãi”.

Đánh giá tính khả thi của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp theo Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cho rằng nhiều tiêu chí có tính khả thi cao. Một số tiêu chí được đánh giá có tính khả thi thấp hơn, trong đó có các quy định như: Xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc và tất cả người lao động tham gia sản xuất đạt điều kiện; Mật độ 4 m2/người lao động và khoảng cách 2 m giữa người lao động tại nơi làm việc và đặc biệt là mô hình “3 tại chỗ”; Kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của người lao động. Các quy định bất hợp lý trên gây tốn kém chi phí doanh nghiệp, kiểm soát quá mức khi người lao động đã tiêm đủ vaccine và khó kiểm soát việc đi lại của người lao động.

Đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, việc hỗ trợ về tài chính như miễn, giảm, giãn thuế, phí, giá, cơ cấu lại thời gian trả nợ vay… và hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động được đa số các doanh nghiệp đánh giá có mức hiệu quả cao.

Tuy nhiên, qua khảo sát, các doanh nghiệp cho rằng, yếu tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ là do “Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ”; “Chưa có các hướng dẫn cụ thể, đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương”; “Các hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương”; “Thủ tục hành chính phức tạp”. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cho rằng việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế là do tính chất phức tạp và quy mô lớn của dịch Covid-19.

Để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh bảo đảm mục tiêu kép, các doanh nghiệp kiến nghị cần phải: “Công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp chủ động ứng phó”; “Đơn giản hóa quy trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”; “Công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách “Thẻ xanh Covid” và di chuyển lao động liên tỉnh”; “Đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính để giảm ách tắc trong công tác quản lý nhà nước”; “Giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn để phát triển sản xuất”.