Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7-1-1979 - 7-1-2019)

Công an nhân dân vũ trang trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã lùi xa 40 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu luôn được Bộ đội Biên phòng vận dụng trong thực tiễn quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chiến thắng vẻ vang trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, của tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia.

Các chiến sỹ Biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các chiến sỹ Biên phòng đang làm nhiệm vụ tuần tra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau ngày miền nam nước ta hoàn toàn giải phóng, chính quyền Cam-pu-chia dân chủ do Pôn Pốt - Iêng Xari cầm đầu đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam; chúng tàn sát dã man dân thường, cướp bóc tài sản, phá hoại mùa màng và các cơ sở kinh tế; phá hoại tình đoàn kết, quan hệ lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.

Mở đầu cho cuộc chiến tranh, ngày 3-5-1975, bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10-5-1975 đánh chiếm đảo Thổ Chu; tiếp đó, từ cuối tháng 5-1975 trở đi, chúng liên tục sử dụng lực lượng vũ trang tiến công vào nhiều đồn, trạm Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT), di dời cột mốc biên giới ở nhiều nơi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Đêm 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, Pôn Pốt sử dụng một sư đoàn bộ binh cùng lực lượng địa phương hai tỉnh Takeo và Canđan bất ngờ mở cuộc tiến công vào 13 đồn biên phòng, 14 trong số 16 xã dọc biên giới tỉnh An Giang (từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương), chính thức công khai phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó trở đi, những cuộc tiến công của quân Pôn Pốt vào lãnh thổ nước ta dọc tuyến biên giới Tây Nam ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn, hành động hết sức dã man, tàn bạo; chúng tàn phá các bản làng, trường học, sát hại dân thường, cướp bóc tài sản, phá hoại sản xuất của nhân dân vùng biên giới. Mục tiêu của chúng là làm Việt Nam suy yếu, lấn chiếm lãnh thổ, hoạch định lại đường biên giới Tây Nam theo hướng có lợi cho phía Cam-pu-chia.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh CANDVT (Bộ đội Biên phòng) đã chỉ đạo các đơn vị tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; đấu tranh chống gián điệp, tình báo, phản động; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh bại hành động tiến công quân sự lấn chiếm biên giới của địch; tích cực vận động, giáo dục quần chúng, củng cố cơ sở chính trị, tổ chức sản xuất, xây dựng làng, xã chiến đấu, góp phần đánh bại âm mưu đen tối của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng. Đến tháng 3-1976, lực lượng CANDVT triển khai trên tuyến biên giới Tây Nam 44 đồn, 12 trạm kiểm soát cửa khẩu, một trung đoàn cơ động thuộc Bộ Tư lệnh và các đại đội cơ động thuộc Bộ chỉ huy CANDVT các tỉnh; điều động bổ sung cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu cho Ban Chỉ huy CANDVT các tỉnh Tây Nam.

Trong chiến đấu, giai đoạn đầu, địch khiêu khích, lấn chiếm biên giới, các đồn, trạm CANDVT bị động đối phó, lúng túng về quy mô chiến tranh và chiến thuật chiến đấu, chủ yếu là cố thủ cho nên thiệt hại đáng kể. Trước tình hình đó, ngày 19-1-1977, Bộ Tư lệnh CANDVT ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTL chỉ đạo các đơn vị quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, với tinh thần “Bất kỳ một lực lượng vũ trang nào đột nhập vào biên giới tấn công, tập kích vào các đồn, trạm, thôn, ấp, làng, bản, ta đều phải kiên quyết đánh đuổi và tiêu diệt”. Đây là sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén, đáp ứng tình hình diễn biến căng thẳng ở tuyến biên giới Tây Nam. Cán bộ, chiến sĩ CANDVT đã nêu cao tinh thần xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường bảo vệ đồn, trạm, bảo vệ nhân dân, đánh lui nhiều đợt tiến công của kẻ thù đông hàng chục lần, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giữ vững vị trí chiến đấu.

Giữa năm 1977, địch tăng cường các hoạt động quân sự xâm phạm biên giới nước ta, gây nên tình hình căng thẳng, phức tạp. Ngày 29-6-1977, Bộ Tư lệnh CANDVT ban hành Chỉ thị số 68 điều chỉnh bố trí các đồn, trạm; tăng cường lực lượng cơ động dọc tuyến biên giới Tây Nam và bảo đảm trang bị cho các đơn vị; yêu cầu các đơn vị nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; bám trụ, cơ động linh hoạt tiêu diệt địch, giảm được thương vong tới mức thấp nhất. Bộ Tư lệnh CANDVT đã tăng từ 44 đồn lên 58 đồn; mỗi tỉnh từ một đến bốn đại đội cơ động; tổ chức hai trung đoàn cơ động số 2 và số 4 trực thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT. Bổ sung cho tuyến Tây Nam 614 cán bộ; mở nhiều lớp tập huấn về chiến thuật, kỹ thuật cho cán bộ chỉ huy các cấp và hạ sĩ quan, binh sĩ, nhất là đối với các đồn và đơn vị cơ động. Việc điều chỉnh bố trí lực lượng, chuyển hướng tác chiến bước đầu phát huy được tác dụng tích cực. Sức mạnh phòng thủ kết hợp cơ động chiến đấu của lực lượng CANDVT được nâng cao.

Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công và vận dụng sáng tạo tư tưởng, nguyên tắc tác chiến với các hình thức chiến thuật phù hợp tổ chức, biên chế và trang bị của lực lượng; căn cứ vào âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân Pôn Pốt - Iêng Xari, ngày 28-2-1978, Bộ Tư lệnh CANDVT ra Chỉ thị số 04/CT-BTL chỉ đạo tất cả đồn, trạm chuyển phương thức chiến đấu phù hợp tình hình, từ chiến đấu phòng thủ bảo vệ đồn, trạm sang cơ động, linh hoạt, chiến đấu bám trụ trong khu vực biên giới để ngăn chặn, tiêu diệt địch; với phương thức hoạt động chủ yếu là chủ động tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, đánh địch bằng tất cả các biện pháp. Diễn biến chiến sự ở biên giới ngày càng có lợi, cùng với tình hình Cam-pu-chia có nhiều chuyển biến, phong trào đấu tranh chống Pôn Pốt - Iêng Xari lên cao. Các đơn vị CANDVT đã cùng các lực lượng quân đội nắm tình hình ngoại biên, phối hợp với lực lượng khác đồng loạt mở các cuộc tiến công qua biên giới, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch, giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng.

Sau chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử bảy trung đoàn biên phòng sang giúp bạn bảo vệ bộ máy lãnh đạo cách mạng Cam-pu-chia, bảo vệ các mục tiêu nội địa, các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, bảo vệ thành quả cách mạng của bạn và chiến đấu trên các chiến trường ở Cam-pu-chia trong đội hình chiến đấu của quân đội ta trên đất bạn.

Ghi nhận những kết quả trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của lực lượng CANDVT, ngày 20-12-1979, Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chín tập thể, hai cá nhân; tặng thưởng 462 Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng cho các tập thể và cá nhân CANDVT vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc.