Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở nội địa và chủ quyền an ninh biên giới, sẵn sàng đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng (Khóa III) và Chính phủ đã quyết định thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của Ðảng, Nhà nước giao cho, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Công an, Ðảng ủy - Bộ Tư lệnh CANDVT đã tập trung lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Trong thời gian này, thực hiện âm mưu đánh phá miền bắc, ngăn cản sự chi viện cho cách mạng miền nam, đế quốc Mỹ đã tập trung ném bom miền bắc nói chung, trên các tuyến biên giới - nhất là giới tuyến, bờ biển nói riêng, một cách ác liệt. Từ tháng 2-1965 đến 12-1972, chúng đã đánh phá hơn 1.250 trận vào các đồn, trạm biên phòng. Nhiều đồn, trạm bị chúng đánh đi, đánh lại nhiều lần như: Cha Lo, Hiền Lương, Cửa Hội...; có những đồn bị địch dùng máy bay B52 đánh phá mang tính chất hủy diệt như đồn Cù Bai, Hiền Lương... Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ biên giới của CANDVT vốn đã phức tạp lại càng trở nên nặng nề, gian khổ, ác liệt hơn.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh CANDVT ra Chỉ thị 15 (ngày 17-5-1965) và Kế hoạch 57 xác định nhiệm vụ của CANDVT là: "Tăng cường thường trực chiến đấu chống âm mưu khiêu khích phá hoại của địch"; với yêu cầu "Trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững an ninh khu vực biên phòng, tích cực phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh trả các cuộc không kích của địch, bắn hạ máy bay, bắt giặc lái, bảo vệ vững chắc miền bắc XHCN".
Với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", các đơn vị CANDVT đã tích cực chủ động hợp đồng phối hợp các lực lượng chiến đấu. Các đơn vị vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, giữ ổn định chủ quyền an ninh biên giới vừa sẵn sàng tham gia bắn máy bay, tàu chiến của địch bằng vũ khí bộ binh và cách đánh của CANDVT. Nhiều đơn vị đã lập công xuất sắc như CANDVT Hải Phòng, Phân đội bảo vệ cầu Hàm Rồng, Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Cha Lo (Quảng Bình), Cù Bai (Vĩnh Linh)... Thực hiện tốt phương châm giặc đến là đánh, giặc đi lại tiếp tục công tác, học tập.
Mặc dù có những hạn chế về quân số, vũ khí, trang bị nhưng do có sự chuẩn bị tốt về chính trị tư tưởng, tổ chức, với ý chí quyết chiến quyết thắng, với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, cách đánh mưu trí sáng tạo, các đơn vị CANDVT đã độc lập bắn rơi 219 máy bay Mỹ; phối hợp các lực lượng vũ trang bắn hạ 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái.
Tại cảng Hòn Gai, khi máy bay Mỹ ập tới bắn phá, thuyền trưởng các tàu thuộc các nước tư bản đề nghị hạ cờ Việt Nam để kéo cờ Mỹ lên. Các chiến sĩ CANDVT đã trả lời với thái độ rất kiên quyết "Ðây là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không ai được phép kéo cờ Mỹ lên! Các ông hãy đi ẩn nấp, chúng tôi sẽ diệt máy bay Mỹ, bảo vệ cảng."
Ðặc biệt, một tiểu đội CANDVT vận động dưới làn bom đạn địch đến bảo vệ Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đang công tác tại Hòn Gai. Kết thúc trận chiến đấu, Thủ tướng đã biểu dương "Tôi rất sung sướng được thấy trận chiến đấu thắng đế quốc Mỹ của các đồng chí. Các đồng chí đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng tuyệt vời. Tôi chuyển lời khen ngợi của Trung ương Ðảng, Chính phủ, của Bác Hồ tới toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phòng không, hải quân, CANDVT, dân quân tự vệ và toàn thể nhân dân đất mỏ Hòn Gai anh hùng."
Máy bay, tàu chiến Mỹ tập trung đánh phá các trục đường chiến lược ở trên bộ và trên biển, các cảng và cửa khẩu với khối lượng bom đạn rất lớn, đánh phá mang tính hủy diệt. Các đơn vị CANDVT đã tích cực chủ động phối hợp các lực lượng tổ chức bắn máy bay, tàu chiến và tiêu diệt các toán gián điệp biệt kích bảo vệ các trục đường, các địa bàn trọng điểm. Ðã tháo gỡ hơn 1.000 quả thủy lôi ở các cảng, cửa sông, hàng vạn quả bom nổ chậm trên các tuyến giao thông, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa, trị giá hàng trăm triệu đồng ra khu vực an toàn.
Trạm CANDVT cảng Hải Phòng, trong tám năm chống chiến tranh phá hoại đã bảo vệ an toàn hàng nghìn chuyến tàu chở hàng triệu tấn hàng hóa đến Việt Nam, dũng cảm mưu trí cứu 19 tàu nước ngoài bị đánh phá. Trạm cảng sông Gianh đã sáng tạo, tham mưu cho địa phương dùng thuyền nan vượt qua bãi thủy lôi của địch chuyển 5.000 tấn gạo từ đảo Hòn La vào đất liền. Nhiều đồng chí không quản ngại hy sinh vượt qua bom đạn để cứu người bị nạn, cứu tài sản Nhà nước và nhân dân, góp phần giữ ổn định cuộc sống của nhân dân. Với khẩu hiệu: "Bám dân, bám địa bàn" nhiều đơn vị đã bớt khẩu phần lương thực của mình để giúp đỡ nhân dân, đi bộ hàng ngày đường vào tận rừng sâu kiên trì vận động nhân dân trở về với làng bản sản xuất. Nhiều tập thể đã nêu cao tấm gương "tận hiếu với dân" được nhân dân hết lòng tin yêu mến phục, như: Ðồn CANDVT 23 (Sơn La), Ðồn 15 (Lai Châu), Ðồn Cù Bai (Vĩnh Linh).
Cùng với đánh phá miền bắc bằng máy bay, đế quốc Mỹ còn tung gián điệp biệt kích, thám báo tập trung phá hoại cơ sở kinh tế, quốc phòng, chính trị, xã hội...; ngăn chặn sự chi viện của miền bắc cho cách mạng miền nam; cài cắm, móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng ngầm phá hoại lâu dài, gián điệp biệt kích của địch xâm nhập bằng đường biển chiếm 22%, nhảy dù chiếm 23%, đổ bộ trực thăng 42%, đường bộ 11%. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng phân tán thành các tổ, toán 5-7 tên hoạt động bí mật bất ngờ xâm nhập nhanh, phá hoại nhanh, di chuyển lực lượng nhanh; dựa vào bọn phản động tại chỗ tiếp tế, che giấu, cung cấp thông tin để hoạt động phá hoại. Nhận rõ âm mưu, phương thức hoạt động của địch, Bộ Tư lệnh CANDVT đã chỉ huy các đơn vị vận dụng cách đánh phù hợp, giành thế chủ động, khống chế sử dụng địch đánh địch, lần lượt điều địch đến để bắt. Từ năm 1961-1964, lực lượng CANDVT đã dựa vào nhân dân và phối hợp các lực lượng bắt 59 toán gồm 427 tên (33 vụ ở khu vực biên giới), thu nhiều vũ khí phương tiện.
Công tác vũ trang bảo vệ mục tiêu trọng yếu ở nội địa trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của lực lượng CANDVT hết sức khó khăn, phần lớn cơ quan phải sơ tán nên số lượng mục tiêu bảo vệ tăng, có nơi tăng lên gấp ba lần. Vượt qua mọi khó khăn, các đơn vị CANDVT đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cơ quan đầu não, đại sứ quán, nhiều đoàn khách quốc tế, những mục tiêu kinh tế và văn hóa quan trọng. Tại Hà Nội, Trung đoàn 600 và Trung đoàn 254 không những đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên mà còn tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn những sự kiện đột xuất như tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày Quốc khánh, bảo vệ các đoàn khách quốc tế.
Trong 12 ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội cuối năm 1972, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 254 vừa tham gia bắn máy bay tầm thấp, vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu. Ðại đội 42 bảo vệ Ðài Phát thanh Mễ Trì, nhiều lần địch dùng B52 ném bom rải thảm xuống khu vực nhưng vẫn bám trụ kiên cường bảo vệ mục tiêu. Các mục tiêu bảo vệ của Trung đoàn 600 trong những năm chiến tranh phá hoại đều phân tán xa và rộng. Ở khu căn cứ Trung ương Ðảng, các đại đội đã đào hơn 2.000 m hào, hầm hố phòng tránh và hàng nghìn mét giao thông hào để bảo đảm cho các đồng chí lãnh đạo làm việc, nghỉ ngơi; đặc biệt bảo vệ an toàn các cuộc họp quan trọng. Mùa lũ năm 1972, cán bộ, chiến sĩ Ðại đội 6 đã dầm mình trong nước lũ 6-7 giờ liền làm cọc tiêu cho xe qua suối, đẩy xe vượt dốc và đưa các đồng chí lãnh đạo vượt đèo, qua suối tham gia cuộc họp cơ mật.
Tại các cửa khẩu, cán bộ, chiến sĩ CANDVT hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ san lấp hố bom, ngụy trang bến bãi, kho tàng, đăng ký thủ tục giải phóng nhanh các đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến. Tại Trạm cảng Cửa Hội, cán bộ, chiến sĩ đã ngâm mình dưới nước đứng canh bom nổ chậm, thủy lôi hàng giờ, hướng dẫn cho 50 thuyền vận tải vượt qua trước khi trời sáng. Trạm cảng Hải Phòng bảo vệ hàng nghìn lượt tàu của nhiều nước ra vào cảng an toàn. CANDVT Vĩnh Linh bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động, sinh hoạt theo thời chiến, kiên trì bám trụ, vừa chiến đấu bảo vệ bờ bắc, vừa tổ chức lực lượng sang hoạt động ở bờ nam đơn vị đã cùng với các lực lượng chức năng phát hiện sáu mạng lưới thám báo của "biệt đội sưu tầm" ngụy, diệt nhiều tên biệt kích, tề ngụy ác ôn, góp phần củng cố cơ sở ở phía nam vĩ tuyến, ngăn chặn hoạt động của địch ra phía bắc. Năm 1967, đã có hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ vào hoạt động ở phía nam vĩ tuyến.
Với những thành tích xuất sắc trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, 24 tập thể và 12 cá nhân CANDVT đã được Ðảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó có Ðồn Cù Bai (Vĩnh Linh) và Trạm Cửa Hội (Nghệ An) hai lần được tuyên dương Anh hùng. Toàn lực lượng được Quốc hội, Chính phủ tặng một Huân chương Ðộc lập hạng nhì, bốn Huân chương Quân công hạng nhì, 30 Huân chương Quân công hạng ba, 881 Huân chương Chiến công, năm Huân chương Ðộc lập.
Trung tướng TĂNG HUỆ
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng