Chuyện không ai ngờ
“Tôi mất đến 5 năm để thừa nhận được nó” bà Đinh Thị Yến Ly - thành viên sáng lập PFLAG (viết tắt của Parents, Families and Friends of Lesbians and Gays - Hội Cha mẹ, gia đình và bạn bè của người đồng tính) ở TP Hồ Chí Minh mở đầu câu chuyện. “Một số rất ít phụ huynh biết con như vậy hoặc khi nghe con nói với mình thì hoàn toàn ủng hộ, động viên con. Phải nói tôi thấy phục họ”.
Con trai duy nhất của bà Ly tên gọi ở nhà là Ted sinh năm 1989. Năm Ted học lớp 11, một lần đến trường tập thể dục, để cặp ở nhà. Bà Ly giở cặp con ra để “làm vệ sinh”. Bà tìm được một quyển nhật ký, trong đó Ted dán ảnh của mình bên cạnh một nam sinh khác và viết những dòng bày tỏ tình cảm với cậu bé lớp 10 kia. Bà choáng váng. Rồi tự trấn an bằng ý nghĩ: Chắc con mình tuổi mới lớn bị lộn xộn trong nhận thức về giới tính, cũng có thể do ảnh hưởng xã hội… Và trong đầu bà vạch ra một lộ trình đưa con trở về “khuôn khổ”.
Ted vừa về nhà đã thấy mẹ mặt mũi hầm hầm, đưa quyển sổ ra: “Cái gì đây? Tại sao con lại có biểu hiện gì kỳ cục như vậy? Có muốn cho bố, cho ông bà nội biết cái câu chuyện quá ư không ai nghĩ đến được như vậy? Đốt ngay và hứa với mẹ từ giờ trở đi chấm dứt câu chuyện này!”.
Ted sợ xanh mặt, hứa ngay. Sau này cậu mới nói: “Lúc ấy con chỉ hứa cho mẹ yên tâm thôi. Chứ con biết mình là như thế rồi. Làm gì cũng không được hết!”.
Thái độ của bố Ted sau khi biết chuyện là né tránh, không chấp nhận, cũng không muốn đề cập. Vậy nên thời gian đó, mình bà Ly loay hoay “chạy chữa” con trai. Nghĩ lại giai đoạn sấp ngửa dắt con từ phòng tư vấn này đến bác sĩ tâm lý, bà còn thấy sợ. Tất cả chuyên gia đều bảo Ted là thằng con trai bình thường, khỏe mạnh, không vấn đề gì về tâm lý làm bà càng thêm bức xúc vì thấy rõ ràng con mình biểu hiện không bình thường.
Lần cuối cùng, hai mẹ con gặp một chuyên gia tâm lý rất nổi tiếng. Ông nói chuyện với Ted xong thì mời bà vào phòng: “Chị phải bình tĩnh tôi mới dám nói. 80% con chị là đồng tính”.
Bà khóc òa, vì sốc, vì hoang mang không biết phải làm gì tiếp tục. Chuyên gia an ủi: “Chị bình tĩnh đi. Tôi đọc nghiên cứu người ta nói giới tính con người sẽ định hình ở tuổi 21”. Và tia hy vọng lại lóe lên: Vậy là còn 2 năm nữa, biết đầu con mình lại trở thành người bình thường…
“Hai năm đó, ai mách cách gì cho con mình bình thường lại, tôi làm hết. May mà còn đủ tỉnh táo không dùng biện pháp gì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con. Nhiều người còn đem con đi chữa bùa ngải, tôi thì không” - bà Ly kể.
Nhưng Ted vẫn không khỏi. Lên đại học, cậu còn “bị nặng” hơn, toàn chơi với bạn trai.
Đợt quá căng thẳng vì không chia sẻ được với ai, bà Ly về khóc với mẹ. Ai dè bà ngoại phán: “Sao phải khóc! Mẹ thấy chuyện này giờ bình thường mà…”. Nói rồi bà đưa tờ báo: “Con đọc xem, có gì mà phải buồn!”. Báo đăng chuyện về hai mẹ con nhà nọ. Con trai đồng tính mở tiệm uốn tóc đông khách, chăm lo cho mẹ. Hai mẹ con sống với nhau vui vẻ. Tự nhiên bà Ly thấy mẹ mình có lý: “Mẹ quả nhiên là chỗ dựa cho tôi. Sau đó chính bà nói với các dì các cậu. Mọi người cũng ủng hộ Ted luôn”.
Từ khi tham gia hoạt động trong hội PFLAG, bà có lý luận hơn để đưa bố Ted vào cuộc. Bà thường nói với chồng: “Anh nhìn lại, thật sự con mình ngoan, chịu học, có chí phấn đấu như vậy. Tại sao mình lại từ bỏ con mình?! Trong khi xã hội ngoài kia có những đứa con dùng từ đơn giản là “bình thường” hơn con mình đi, nhưng lại không không chịu học, thậm chí sử dụng ma túy bị bắt vào trường trại thì bố mẹ vẫn phải đi thăm nuôi chứ. Vậy mình hãy cân nhắc xem con mình như thế này thì mình xấu hổ ít hay nhiều hơn người có con phải tù tội thế kia…”. Bố Ted cũng xuôi dần.
Riêng ông bà nội đã ngoài 80 vẫn chưa hay chuyện. Khi gặp Ted, bà nội vẫn nhắc đem người yêu về giới thiệu. Chả gì Ted cũng là đích tôn. Bà Ly tính, bao giờ chẳng may ông bà nội biết thì sẽ giải thích. Còn bây giờ thì: “Ông bà già rồi. Cứ để ông bà sống. Nói ông bà lại buồn”.
Nỗi buồn của mẹ
Sau nhiều lần “chia uyên rẽ thúy” con trai không ăn thua, bà Ly ra tối hậu thư nói rõ những trách nhiệm mà nếu cậu con không thực hiện, có thể ra khỏi nhà. Một tuần sau bà nhận được phúc đáp: Lá thư 4 trang Ted bắt đầu viết từ năm thứ nhất đại học. Trong thư, Ted nhiều lần xin lỗi mẹ: “Nếu sinh ra con là khuyết tật, con có thể bại liệt, bại não, câm điếc… thì con chắc chắn một điều mẹ không bao giờ bỏ con. Mẹ vẫn chăm sóc, yêu thương, bảo vệ con. Nhưng khi con sinh ra là một đứa gay thì con là một kẻ tội đồ, một đứa bất hiếu.
“Mẹ biết không, hằng đêm đối diện bản thân, con đã căm ghét chính mình. Con xin mẹ hãy hiểu cho con, hãy thương con và chấp nhận con, vì sinh ra là gay là điều con không hề muốn. Còn nếu mẹ không chấp nhận được con, xin mẹ hãy cho con thêm một năm nữa. Khi tốt nghiệp đại học, con sẽ tìm việc làm và sẽ đi xa khỏi nơi này để không làm cho mẹ xấu hổ vì con là một nỗi ô nhục cho dòng họ. Đối với con, đó là hình phạt khủng khiếp nhất trên đời mà con phải gánh chịu khi là một thằng gay”.
Sau khi đọc những dòng này, bà Ly mới thực sự “đầu hàng” con mình. “Khi hiểu con mình thấy thương con nhiều hơn”. Bà nói: “Con đường tất yếu là phải thừa nhận con nếu bố mẹ thật lòng thương đứa con mình đẻ ra”.
Nhưng đôi lúc, một nỗi buồn lại len lén dâng lên. Nhất là khi được bạn bè mời đi cưới con, bà nghĩ không biết bao giờ mình mới có dịp mời lại. Nhưng nỗi buồn đó qua mau, khi bà lao vào hoạt động PFLAG. Bà và các thành viên trong hội thống nhất: Bố mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc, con mình mà sống vui sống tốt, sao mình không vui cho được.
![]() |
Bà Ly tại một buổi hội thảo hướng đến phụ huynh của người đồng tính.
Hôn nhân đồng giới không bị cấm đoán như xưa. Nhưng trước khi nó được Nhà nước thừa nhận, bà Ly còn cần sự chấp nhận của… ông bà sui gia. Mặc dù là chuyên gia tư vấn vào hàng lão luyện của PFLAG, bà vẫn hơi hoảng nghĩ đến lúc phải đối mặt với gia đình của bạn trai Ted. Vì họ vẫn chưa biết cậu con sắp tốt nghiệp đại học là đồng tính.
“Cùng lắm lúc đó kêu ‘đồng bọn’ tới giúp, bà cười. “Nhưng thôi, trước tiên mình cứ vui khi con mình có tình yêu, có hạnh phúc đi. Rồi chuyện gì đến phải cùng nhau vượt qua thôi”.
Trên quan điểm đạo Phật, bà nghĩ đây có thể là cái nghiệp mà cả hai mẹ con phải trả. “Mà tôi được thầy dạy đã gặp nghiệp phải đối diện để trả thì nó mới tan đi. Mình cứ tránh né, nó còn đeo theo mình. Trong trường hợp này, nếu tôi vẫn còn chống đối con mình, lẽ tất nhiên tôi sẽ không được hạnh phúc, thanh thản như bây giờ, gia đình sẽ như địa ngục”.
Hiện PFLAG có hơn 500 tổ chức trên toàn thế giới. Cộng đồng PFLAG tại Việt Nam ra mắt tháng 4-2011 theo sáng kiến của ICS (Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của người LGBT tại Việt Nam). |
Hội Việt Pride hằng năm là dịp để cộng đồng LGBT trong nước kết nối và lan tỏa tự hào. Sự kiện cũng mở ra cơ hội giao lưu, chia sẻ dành cho các bậc phụ huynh, bạn bè và những người ủng hộ quyền bình đẳng của người LGBT. Ở Hà Nội, Việt Pride diễn ra từ 19 đến 21-8 tại Viện Goethe (56-58 phố Nguyễn Thái Học) và CLB Mỹ (19-21 Hai Bà Trưng) với các hoạt động: chiếu phim, triển lãm, hội thảo chuyên đề PFLAG, đạp xe diễu hành, nhảy flashmob, hội chợ và chương trình văn nghệ do cộng đồng LGBT và các nghệ sĩ ủng hộ biểu diễn. Tài trợ Việt Pride Hà Nội 2016: Civil Rights Defenders; các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Lan, Canada, Bỉ… |