Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền

NDO - Khoảng 1 tỷ bảng đã được câu lạc bộ Chelsea chi ra trong những kỳ chuyển nhượng gần đây. Song, số tiền này vẫn không thể thay đổi thành tích nghèo nàn của đội bóng ngay lập tức.
0:00 / 0:00
0:00
Chelsea đang thi đấu ngày càng sa sút. (Ảnh: Premier League)
Chelsea đang thi đấu ngày càng sa sút. (Ảnh: Premier League)

Lách luật để thả cửa chi tiêu

Khi doanh nhân người Mỹ Todd Boehly nắm quyền kiểm soát Chelsea vào năm 2022, tỷ phú này đã nhanh chóng khai thác lỗ hổng trong quy định của bóng đá Anh, bằng cách ký kết những bản hợp đồng dài bất thường (hơn bảy năm) nhằm dàn trải chi phí chuyển nhượng.

Ngay lập tức, các đội bóng cũng như người hâm mộ đã có những phản ứng dữ dội từ việc Boehly khai thác lỗ hổng này.

Đỉnh điểm của câu chuyện đã được giải quyết vào ngày 12/12 khi các câu lạc bộ tiến hành bỏ phiếu về vấn đề phí chuyển nhượng. Rút cuộc, Premier League đã thay đổi chính sách tương tự quyết định được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đưa ra thời điểm giữa năm - các câu lạc bộ sẽ có tối đa 5 năm để khấu hao phí chuyển nhượng bất kể thời hạn hợp đồng của cầu thủ.

Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền ảnh 1
Chelsea lách luật để ký hợp đồng dài hạn với các ngôi sao trẻ như Enzo. (Ảnh: Chelsea)

Nhìn lại quãng thời gian từ khi UEFA đưa ra khái niệm Công bằng tài chính đến nay, đã có rất nhiều tranh cãi chung quanh vấn đề thực thi điều luật này một cách nhất quán và minh bạch.

Mới nhất, Everton đã bị trừ 10 điểm do những sai phạm của mình. Tuy nhiên, Chelsea, dưới sự giám sát của Boehly, đã tìm ra kẽ hở để thực hiện các thương vụ chuyển nhượng.

Cụ thể, ở Premier League, phí mà các câu lạc bộ trả để ký hợp đồng với cầu thủ được phân bổ theo thời hạn hợp đồng. Nếu đội bóng mua một cầu thủ với mức phí chuyển nhượng 100 triệu bảng, khoản đầu tư đó sẽ được chia đều theo thời hạn hợp đồng của cầu thủ đó. Với mức khấu hao 5 năm, đội bóng sẽ phải chi tương ứng 20 triệu bảng mỗi năm.

Tuy nhiên, Chelsea đã ký hợp đồng tám năm với các cầu thủ, giúp giảm phí chuyển nhượng hàng năm xuống còn 12,5 triệu bảng. Thậm chí, khoản thanh toán này sẽ được kéo dài thêm ba năm nữa giúp giảm chi phí giới hạn tiền lương xuống 7,5 triệu bảng mỗi năm.

Nhờ cách lách luật này, Chelsea có thể thoải mái vung tiền mua cầu thủ và vẫn đáp ứng luật công bằng tài chính nhờ phương pháp chia nhỏ các giao dịch trong khoảng thời gian dài.

Tháng 1, Boehly trả cho Ukraine Shakhtar Donetsk 62 triệu bảng để có Mykhailo Mudryk và ký hợp đồng với cầu thủ này có thời hạn 8 năm rưỡi, dài nhất trong lịch sử giải đấu.

Vào tháng 2, Chelsea lại gây ấn tượng khi chiêu mộ tiền vệ người Argentina Enzo Fernandez với giá 107 triệu bảng trong 8 năm. Tới tháng 8, Chelsea lập kỷ lục chuyển nhượng mới của Anh khi chi 115 triệu bảng cho tiền vệ người Ecuador Moises Caicedo, cũng với bản hợp đồng 8 năm.

Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền ảnh 2
Bom tấn Caicedo chưa thể giúp Chelsea bay cao trên bảng xếp hạng. (Ảnh: Reuters)

Tính đến thời điểm hiện tại của mùa giải, Chelsea đã mua 11 cầu thủ, tất cả đều có hợp đồng từ 6 đến 8 năm. Tổng chi phí của những cầu thủ này là 419 triệu bảng nhưng phí khấu hao hằng năm chỉ tiêu tốn chưa đến 60 triệu bảng. Nếu tính tổng tất cả số tiền tỷ phú Boehly bỏ ra từ khi tiếp quản câu lạc bộ, ông đã chi ngót nghét 1 tỷ bảng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD) - con số kỷ lục.

Dẫu vậy, kẽ hở trên đã được đóng lại vào hôm thứ ba vừa rồi. Các câu lạc bộ tại Premier League đã bỏ phiếu giới hạn mức khấu hao cầu thủ là 5 năm bất kể thời hạn hợp đồng. Sự thay đổi này đã lấp đầy lỗ hổng một cách hiệu quả nhưng đồng thời cũng giúp Chelsea làm nên chiến thắng quan trọng trên thị trường chuyển nhượng khi thành công lách luật công bằng tài chính và bỏ phiếu để không tiếp tay cho bất cứ câu lạc bộ nào sai phạm giống mình.

Chelsea, đã khai thác sơ hở và bỏ phiếu ủng hộ việc đóng nó lại. Điều đó được xem là khá khôn ngoan. Song, vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng lại cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác của họ - có tiền chưa chắc đã mua được chiến thắng một cách nhanh chóng.

Không thể dừng mua bán?

“Sau nửa đầu mùa giải, chúng tôi cần phải kiểm tra lại. Nếu chúng tôi không đủ quyết liệt trong tấn công, có lẽ chúng tôi cần phải thực hiện một số chuyển động trong đội. Đó là điều cần phân tích với các giám đốc thể thao, với chủ sở hữu. Chúng ta cần phải quyết liệt hơn để chơi tốt và cạnh tranh tốt hơn”, Mauricio Pochettino khẳng định khi được hỏi về cách tiếp cận của Chelsea với thị trường chuyển nhượng mùa đông sắp tới.

Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền ảnh 3
Pochettino mong muốn Chelsea sẽ mang về những ngôi sao mới. (Ảnh: Reuters)

Sau trận thua 0-2 trước Everton, Chelsea cho thấy sự sa sút của một đội bóng vốn đã tiêu đến 1 tỷ bảng cho các bản hợp đồng mới trong những kỳ chuyển nhượng vừa qua. Nếu tính riêng trong năm 2023, đội bóng London chỉ ghi được trung bình 1 điểm sau 39 trận đấu - thành tích cực kỳ kém cỏi.

Điều này cũng gợi ra những bức tranh tương phản với thời điểm tháng 8 khi Pochettino nhấn mạnh sự thúc đẩy sắp xảy ra nhờ sự trở lại của Armando Broja sau chấn thương đầu gối gặp phải vào tháng 12, cũng như tiềm năng của người đồng đội mới đến Nicolas Jackson để trở thành “một trong những tiền đạo vĩ đại nhất ở Premier League”.

Những mặt trái ngược trong phát biểu của Pochettino không cho thấy quyết định của ông là sai lầm mà phản ánh phong độ và chất lượng thi đấu của các cầu thủ chưa đáp ứng được kỳ vọng. Màn trình diễn đáng thất vọng nơi hàng công được xem là nguyên nhân chính dẫn tới bảy trận thua của Chelsea kể từ đầu mùa giải.

Điển hình như những trận thua trước Nottingham Forest (0-1) và Brentford (0-2), đội bóng London tung ra lần lượt 21 và 17 cú sút (vượt trội so đối thủ) nhưng chỉ có hai cú sút mỗi trận đi trúng khung thành. Ở trận thua 0-2 gần nhất trước Everton, học trò của Pochettino tung ra tới 16 pha dứt điểm nhưng cũng không thể một lần xé lưới đối thủ.

Chelsea đã trở thành câu lạc bộ đứng giữa bảng xếp hạng kể từ tháng 10 năm ngoái. Đội hình của họ dù đã được đại tu nhưng lại càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự thiếu nhất quán và ngây thơ do phụ thuộc quá nhiều vào các tài năng trẻ.

HLV Sean Dyche của Everton khẳng định chỉ cần đội của ông kiểm soát được một phần ba sân của mình thì họ sẽ có cơ hội giành chiến thắng, bởi Chelsea chưa thể gây nguy hiểm hoặc tạo được những tình huống có sức sát thương cao khi luân chuyển bóng trên sân.

Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền ảnh 4
Pha bỏ lỡ khó tin của Jackson. (Ảnh: ESPN)

Điều này đúng dưới thời Potter, trong thời kỳ Frank Lampard làm HLV tạm quyền và vẫn chưa thể được cải thiện dưới thời Pochettino. Vấn đề này cũng chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong việc xây dựng đội hình.

Ai có thể mãi chứng kiến Jackson bỏ lỡ những cơ hội rõ ràng? Ai sẽ là người động viên Mykhailo Mudryk để chàng trai này tự tin hơn khi thi đấu? Ai có thể tỏa sáng để làm dịu cuộc khủng hoảng chấn thương vốn dai dẳng ở London?

Nhân tố giúp giải tỏa cơn khủng hoảng

Từ năm 2022, Chelsea đã nhận thức được việc ký hợp đồng với một tiền đạo mới cần phải là ưu tiên hàng đầu chứ không phải đợi đến thời điểm HLV trưởng Mauricio Pochettino trình bày sau trận thua 0-2 trước Everton.

Những sai sót của tiền đạo 22 tuổi Nicolas Jackson là khó tránh khỏi khi mới “hít thở” bầu không khí Ngoại hạng Anh cũng như thi đấu dưới vai trò trung phong chưa lâu.

Armando Broja dù mang đến nhiều điểm tích cực nhưng vẫn chưa chứng minh được khả năng phát triển trở thành mối đe dọa làm bàn thường xuyên vào mỗi cuối tuần.

Cơn khủng hoảng tại Câu lạc bộ Chelsea và mặt trái của đồng tiền ảnh 5
Victor Osimhen là ứng cử viên cho vị trí số 9 ở Chelsea. (Ảnh: ESPN)

Việc Chelsea vẫn còn nhiều thiếu sót trên sân cỏ sau khoản chi tiêu xa hoa cũng mở ra những lời cảnh báo về nguy cơ họ sẽ trở lại mạnh mẽ ở thị trường mùa đông. Victor Osimhen dường như là số 9 đã chứng minh được khả năng của mình một cách rõ ràng nhất, đồng thời mối quan hệ không suôn sẻ với Napoli cũng là yếu tố có thể mở ra cuộc chuyển nhượng vào tháng 1.

Bây giờ, Chelsea cần một nhân tố đủ khả năng và kinh nghiệm để dẫn dắt hàng tấn công. Cùng với đó, người hâm mộ đang chờ đợi sự trở lại của Nkunku, cầu thủ đã khẳng định mình là trung tâm hàng công của Pochettino từ vị trí xuất phát trong chuyến du đấu trước mùa giải của Chelsea tại Mỹ trước khi dính chấn thương.

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển trong tương lai của Jackson vẫn luôn được nhắc đến. Bởi, tỷ lệ npxG là 0,71 (bàn thắng dự kiến không tính phạt đền) mỗi 90 phút của anh ấy đứng thứ tư tại Premier League mùa này. Chỉ số tương tự của Haaland là 0,81.

Sau gần một năm trôi dạt chung quanh vị trí thứ 10, thứ hạng này đang dần trở thành thực tế mới ở Stamford Bridge. Đội bóng London giờ cũng không mấy triển vọng sẽ thi đấu ở các đấu trường châu Âu mùa tới.

Điều này cũng góp phần tạo nên trở ngại cho Chelsea khi không mấy cầu thủ đỉnh cao muốn thi đấu ở những đội bóng tầm trung như vậy. Và nỗi đau của việc tái thiết chắc chắn sẽ còn kéo dài ở Chelsea.

Mong muốn ký hợp đồng với một cầu thủ tấn công khác vào tháng 1 đã nói lên khát vọng muốn thúc đẩy đội bóng London của HLV người Argentina.

Song, Chelsea giờ là trường hợp điển hình của sự rủi ro khi cứ nỗ lực vung tiền để mong sớm ngày chấm dứt cơn khủng hoảng