Là một trong số 54 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Việt Nam, dân tộc Thái có khoảng 1.000.000 người, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên, Nghệ An. Cũng như các dân tộc anh em khác, đối với người Thái, con gà (tiếng Thái là tô cay hay tô cảy, tùy theo cách phát âm ở từng địa phương) có vị trí khá gần gũi trong đời sống hằng ngày và trong phong tục tập quán.
Trong những dịp lễ, Tết, một món ăn được người Thái ở khắp nơi ưa chuộng là món mọc gà. Theo chị Kha Thị Tím, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Con Cuông (Nghệ An), thì trong mâm cúng tổ tiên sáng mùng 1 Tết Nguyên đán lại càng không thể thiếu món mọc gà - món ăn được chế biến theo công thức cổ truyền của người Thái: thịt gà chặt nhỏ, ướp gia vị cho vừa, trộn với thân cây chuối rừng, lá sả thái nhỏ, và gạo giã thành tấm, gói lại bằng lá dong, đem hông (đồ) lên đến khi chín đều, thử thấy hạt tấm gạo chín, là được.
Người Thái nổi tiếng về sự hiếu khách. Có khách đến nhà chơi, được mời lên sàn uống rượu, mời ở lại ăn cơm. Nếu chủ nhà bắt con gà chíp làm thịt thì là khách quý, nếu bắt con gà đang ấp làm thịt thì được coi là khách đại quý của gia đình.
Khi mùa màng đã xong xuôi, lúa mới đã được phơi khô, quạt sạch, cũng là lúc gia đình người Thái làm mâm cơm cúng lễ cơm mới. Mâm cúng cơm mới thường gồm bốn gói xôi nếp mới, mọc gà, mọc cá, một bát canh, rượu, nước và một đĩa trầu cau. Khi cúng, đồng bào thắp một ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ, mâm cơm cúng bày bên dưới bàn thờ, người chủ gia đình đọc lời khấn, đại: "Gia đình có lúa mới, đã phơi khô, quạt sạch, không ăn trước ma nhà. Mời ma nhà ăn cơm mới, ăn cá, uống rượu, ăn trầu, uống nước. Mong ma nhà phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, nghĩ thế nào được thế ấy..." Trong bữa cơm mới, gia chủ tùy mời khách khứa, nhưng thông thường nhất thiết phải có "bốn góc nhà", tức là các gia đình hàng xóm, sát vách, ngoài ra còn có bố mẹ, các anh chị em ruột, bạn bè thân thích.
Trong lễ cúng cơm mới, người Thái ở Mai Châu lại không cúng bằng thịt gà. Thay vào đó là một món không thể thiếu: món cá đồ củ sả, một món đặc sản của người Thái ở vùng này. Theo anh Hà Công Bình ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, Hòa Bình), con trâu và con gà rất có công với người cho nên không thể giết thịt để cúng, mà ngược lại, con trâu, con gà cũng được mời ăn cơm mới trong lễ cúng này (thường là một gói xôi nhỏ gói trong lá chuối). Anh Bình nói, ai cúng cơm mới bằng thịt gà bị chê cười là không biết phong tục. Con trâu dĩ nhiên rất có ích cho mùa màng. Còn con gà, theo đồng bào, có công để đồng bào... giết thịt cúng lễ trong năm rồi, và cũng có công cho người... xem chân để quyết định những công việc hệ trọng, cho nên nay có cơm mới cũng phải cho con gà ăn cùng. Cũng phải nói thêm là tục xem chân gà còn khá phổ biến trong đời sống của đồng bào. Theo chị Tím, cứ có cúng gà là người Thái xem chân gà.
Chị Tím cũng cho biết, dù ngày nay nhiều phong tục của người Thái đã bỏ đi nhiều những phần rườm rà, bất tiện. Thí dụ, ngày nay việc mừng cưới thường được giản tiện bằng tiền, thay vì khệ nệ đem đến cả yến gạo như trước đây. Nhưng với người Thái ở Con Cuông (Nghệ An), những trường hợp thật thân thiết, thật quý mến, hay là anh em, ruột thịt, quý nhất vẫn là đến mừng nhau bằng... gà. Con gà cũng xuất hiện nhiều trong những họa tiết trang trí hoa văn thổ cẩm (ảnh), nay trên cây vũ trụ (co boóc mạy) phản ánh nhân sinh quan của người Thái, chứng tỏ nó vẫn có vai trò không nhỏ trong cuộc sống của đồng bào.