Tại Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 21-1-2000 của Bộ Chính trị đã khẳng định kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.
Đánh giá công tác phát triển Đảng, Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, có nhiều khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; thu hẹp đáng kể tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép hoặc chưa có chi bộ ở các thôn, ấp, bản, làng. Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân tăng hơn so với khóa trước. Tuổi bình quân kết nạp đảng trong nhiệm kỳ này trẻ hơn so với trước”.
Kết quả này chính là sự nỗ lực của các cấp ủy trong toàn Đảng. Nhiều cấp ủy đảng có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tỉnh Hà Giang có hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nằm trong khu vực khó khăn về công tác phát triển đảng viên, nhưng lại là một trong những tỉnh thuộc khu vực miền núi Tây Bắc sớm hoàn thành nhiệm vụ xóa thôn, bản không có đảng viên. Kinh nghiệm của Đảng bộ Hà Giang là nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở. Hằng năm, chỉ tiêu kết nạp đảng viên được giao xuống từng chi bộ. Chi bộ nào trong hai năm không kết nạp được đảng viên sẽ không đủ điều kiện để đánh giá trong sạch, vững mạnh. Từ đó, nhiều đảng bộ đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu. Điển hình như Đảng bộ huyện Xín Mần, từ năm 2010 đến 2011 kết nạp được 327 đảng viên, vượt 30,8% so với chỉ tiêu được giao.
Nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, các đảng bộ thuộc tỉnh Phú Yên tập trung chỉ đạo đưa cán bộ xuống cùng sinh hoạt với chi bộ thôn, bản để thúc đẩy phát triển đảng. Với phương pháp này, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp thêm gần bảy nghìn đảng viên ở khu dân cư.
Tỉnh ủy Hòa Bình đẩy mạnh việc kết nạp đảng viên là bộ đội xuất ngũ; Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự giúp chiến sĩ mới phấn đấu vào đảng trong quân ngũ… Các giải pháp nêu trên đã góp phần tăng cường nhanh chóng lực lượng cho Đảng. Từ chỗ chỉ có hơn 5.000 đảng viên trước khi giành chính quyền, đến nay Đảng ta đã có hơn 4,5 triệu đảng viên.
Bên cạnh nỗ lực của nhiều tổ chức đảng, một số cấp ủy vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng. Có những tổ chức đảng do nôn nóng dẫn đến việc bỏ qua, xem nhẹ quy định, quy trình kết nạp đảng viên. Việc kết nạp liên tục với số lượng lớn đảng viên trong thời gian ngắn cũng dẫn đến một số trường hợp nhiều quy định bị buông lỏng cho nên chất lượng đảng viên được kết nạp chưa đáp ứng yêu cầu. Cá biệt, có tổ chức đảng vì chạy theo chỉ tiêu, số lượng, ít chú ý chất lượng cho nên sau khi kết nạp, đảng viên mới thiếu gương mẫu, chưa được quần chúng tin tưởng; thậm chí gây bức xúc trong nhân dân; đúng như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi…”. Tình trạng đảng viên vi phạm kỷ luật ở một số nơi có chiều hướng gia tăng. Xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (Phú Yên) vừa xóa tên một đảng viên mới kết nạp được hai năm do vi phạm Điều lệ Đảng. Thực tế, nhiều tổ chức cơ sở đảng không phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, mất sức chiến đấu một phần do kết nạp những đảng viên chưa đủ tiêu chuẩn, biết đúng không ủng hộ, biết sai không dám đấu tranh. Bên cạnh đó, một số chi, đảng bộ do quá “tuyệt đối hóa, cứng nhắc” tiêu chuẩn đảng viên cho nên nhiều năm không kết nạp được đảng viên.
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Đây cũng là một trong những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết, thời gian vừa qua, các địa phương, cơ quan, ban, ngành đã có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên. Tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đảng viên nhiệm kỳ 2015-2020; trong đó chú trọng nâng cao tiêu chuẩn về trình độ đối với các đối tượng cảm tình đảng.
Đồng chí Vũ Văn Toàn, Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng (Lào Cai) cho rằng, trong tình hình đất nước hội nhập, vai trò của đảng viên rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ sẽ là điều kiện tốt để địa phương phát huy tiềm năng thế mạnh bứt phá đi lên. Do đó, việc lựa chọn đối tượng kết nạp đảng phải ưu tiên tiêu chí về năng lực, trình độ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Đảng bộ Sơn La xác định chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác phát triển đảng viên. Theo đó, các cấp ủy phải thường xuyên nắm bắt tình hình của các tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng phong trào lao động, sản xuất... thu hút đoàn viên thanh niên, hội viên tham gia, phát huy được vai trò xung kích của tuổi trẻ, từ đó phát hiện, nêu gương lao động giỏi, những điển hình tiên tiến…, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, những quần chúng ưu tú phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện để kết nạp Đảng. Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên ở địa phương, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng cần quan tâm, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là các đối tượng cảm tình đảng. Các chi bộ cần có giải pháp tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, bảo đảm các đối tượng này luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của đảng, không bị lung lay trước các tác động bên ngoài.
Cùng với các giải pháp đó, để nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt quy định của Trung ương về công tác kết nạp đảng. Đó là một quá trình gồm nhiều khâu, nhiều bước chặt chẽ, nghiêm túc: từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức. Trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng phải được quan tâm, chú trọng nhất. Có làm tốt khâu tạo nguồn, bồi dưỡng tốt thì mới bổ sung được cho đảng những người ưu tú, tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Trong công tác tạo nguồn, phải mở rộng nguồn nhưng cần chú trọng các đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, công nhân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều giải pháp tạo nguồn đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Các tổ chức đảng cần chủ động có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng; phân công cấp ủy viên, các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ và giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên cho từng chi bộ. Hằng năm lấy kết quả công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở cơ sở làm căn cứ đánh giá năng lực tổ chức đảng. Đổi mới việc bồi dưỡng, rèn luyện đối tượng kết nạp Đảng. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc chủ động phát hiện, giới thiệu người vào đảng và trách nhiệm trước chi bộ về hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, về động cơ phấn đấu vào đảng, về chất lượng của người vào đảng trước khi kết nạp...
Sau khi kết nạp, công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra phải được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, bảo đảm đảng viên sau khi vào đảng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu, tiền phong đi đầu; kịp thời loại bỏ những đảng viên không đủ tiêu chuẩn. Có như vậy chất lượng đội ngũ đảng viên mới luôn được giữ vững; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mới được ngăn chặn.