Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Cơ sở dạy nghề nhiều, nhưng ít người học

Tỉnh Quảng Bình có hệ thống cơ sở đào tạo nghề khá đầy đủ, từ ngắn hạn đến cao đẳng nghề. Tuy nhiên do khó khăn trong tuyển sinh (lao động học nghề) cho nên hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động của địa phương và gây lãng phí nhiều mặt.

Giờ học thực hành sửa động cơ ô-tô tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình.
Giờ học thực hành sửa động cơ ô-tô tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình.

Nhiều trường nghề khó tuyển sinh

Quảng Bình là tỉnh nhỏ, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Phần lớn lao động trẻ đều rời quê hương sang các nước trong khu vực như Lào, Ma-lai-xi-a… hoặc vào miền nam tìm việc làm. Trong khi đó, hệ thống trường nghề, trung tâm dạy nghề lại rất nhiều, có thời điểm lên đến 27 cơ sở đào tạo nghề. Hầu như tổ chức chính trị - xã hội nào, địa phương nào cũng có trung tâm dạy nghề. Đó là chưa kể tới các trường trung cấp nghề của các ngành như giáo dục - đào tạo, y tế và ra đời mới đây nhất là Trường trung cấp luật Đồng Hới do Bộ Tư pháp quản lý. Trường dạy nghề nhiều nhưng việc tuyển người học hết sức khó khăn, do vậy hoạt động rất chật vật.

Năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời đã quy định chế độ ưu đãi đối với học sinh tốt nghiệp THCS, nếu học lên trình độ trung cấp sẽ được miễn học phí. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khác cũng dành ưu tiên cho người học nghề nhưng đến nay, số lượng người vào học các trường nghề tại Quảng Bình khá thấp.

Trưởng phòng Đào tạo Trường trung cấp nghề số 9 Hồ Văn Chiêu cho biết, mấy năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường gặp rất nhiều khó khăn. Để có đủ số lượng học sinh theo kế hoạch đào tạo, trường giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng giáo viên. Cứ vào đầu năm học, giáo viên của trường về từng địa phương, thậm chí vùng sâu, vùng xa và vào từng hộ dân để thuyết phục, vận động phụ huynh và học sinh lựa chọn con đường học nghề. Trường đã cố gắng vận dụng các chế độ, chính sách một cách có lợi nhất để khuyến khích người lao động vào học nghề, nhưng rốt cuộc năm nào cũng không tuyển đủ học sinh. Nhiều nghề phải tạm dừng đào tạo do không tuyển được học sinh nào.

Hiện nay, nhiều trường nghề khác cũng chung hoàn cảnh với Trường trung cấp nghề số 9. Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng nghề Quảng Bình Đào Thanh Tùng, trường đã thực hiện nhiều biện pháp, cách làm mà số lượng học sinh đăng ký vào học vẫn tương đối thấp. Kế hoạch năm 2017, trường đào tạo 200 học sinh hệ cao đẳng nghề, nhưng đến tháng 10 năm nay, mới đào tạo được 92 học sinh; với bậc trung cấp nghề, kế hoạch là 300 học sinh, nhưng hiện tại chỉ có 242 học sinh. Trong khi các trường dạy nghề khó tuyển sinh, các trung tâm giáo dục - dạy nghề các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Bình còn vất vả hơn.

Thiếu nguồn lực, trong đó kinh phí hoạt động ít; cán bộ, giáo viên thiếu việc làm, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị dạy nghề sơ sài, đó là bức tranh toàn cảnh của hệ thống gồm tám trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện tại Quảng Bình. Trong bối cảnh đó, để có kinh phí hoạt động, một số trung tâm đã liên kết với trường cao đẳng, trung cấp nghề mở các lớp dạy lái xe mô-tô, ô-tô hoặc làm địa điểm tổ chức một số lớp dạy nghề đang được lao động lựa chọn như du lịch, chế biến món ăn…

Sắp xếp lại hệ thống trường dạy nghề

Rõ ràng, việc mở nhiều trường, trung tâm dạy nghề nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí lớn về nhiều mặt. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Bình Phạm Thành Đồng cho biết, nhận thấy sự bất cập, yếu kém của hệ thống cơ sở dạy nghề trong tỉnh, Sở đã quyết định rà soát, cắt giảm chức năng dạy nghề của một số trung tâm. Đến nay, tỉnh Quảng Bình có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có hai trường cao đẳng, năm trường trung cấp, tám trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện. Thời gian tới, sẽ sáp nhập hai trung tâm giáo dục - dạy nghề ở hai huyện gần nhau để làm “vệ tinh” cho các trường dạy nghề cấp tỉnh. Mặt khác, do năng lực của đội ngũ giáo viên dạy nghề còn hạn chế, thiếu kỹ năng thực hành nghề, Sở LĐTBXH chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tăng cường chuyển đổi, bồi dưỡng trình độ tay nghề cho các giáo viên dạy nghề, nhất là số giáo viên phổ thông chuyển sang để nâng cao năng lực dạy nghề.

Trong số cơ sở đào tạo nghề tại Quảng Bình, Trường cao đẳng nghề tỉnh là đơn vị dạy nghề được đầu tư khá đầy đủ và bài bản về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ tay nghề cao, do vậy đã hút một lượng khá lớn lao động đến học nghề. Song thực tế nhiều năm qua, số lượng học sinh được đào tạo đều không đạt kế hoạch, do vậy trường hoạt động theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” tức là lấy nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ để trang trải chi phí, nhất là việc trả lương cho hơn 50 giáo viên và nhân viên đang làm việc. Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Quảng Bình Dương Vũ Nhật Đồng cho biết, cùng với hoạt động dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và dạy lái xe ô-tô, trường đã ký kết với một số cơ quan, doanh nghiệp để đào tạo nghề ngắn hạn như mộc dân dụng, may công nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phạm Thành Đồng, hướng tới của Quảng Bình là thu hẹp hoạt động dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề thuộc các tổ chức chính trị - xã hội hoặc không cho phép tham gia dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề. “Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, đó mới là cách dạy nghề hiệu quả và thiết thực nhất, qua đó cũng giảm các chi phí cho người lao động”- Phó Giám đốc Phạm Thành Đồng nói.

Cùng với việc liên kết đào tạo hoặc đào tạo nghề theo địa chỉ, hiện ở Quảng Bình đang có xu hướng các trường trung cấp nghề tìm cách nâng hạng lên cao đẳng để thu hút học sinh. Cách làm này có mặt tích cực là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho xã hội, nhưng cũng cho thấy thực trạng “bệnh thành tích” trong giáo dục - đào tạo hiện nay. Bởi nhiều tiêu chí nâng hạng của các trường trung cấp còn thiếu hoặc đạt thấp nhưng vẫn được cơ quan chức năng chấp nhận khi đánh giá.

Rõ ràng, vấn đề không nằm ở chỗ trung cấp hay cao đẳng, số lượng trường nhiều hay ít mà trước hết ở đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo nghề. Một khi lao động trẻ thấy việc học nghề là cần thiết và có thể mưu sinh bằng nghề đó thì họ sẽ theo học chứ không thể lôi kéo bằng mọi giá, kể cả bằng các chế độ ưu đãi nhất. Vì thế, để các cơ sở dạy nghề hoạt động hiệu quả, hoạt động dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu thị trường, dạy cái người lao động cần và dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề để tạo việc làm cho người lao động ngay sau khi học xong.