Có những ngày tháng Tư như thế!

Tôi viết những dòng này, khi tất cả chúng tôi - những người cựu chiến binh ở bờ bắc sông Bến Hải đã bước sang tuổi lục tuần. Người bị sức ép bom mìn, người cụt chân, thân thể co rúm do bom na-pan, người trong mình còn mang nhiều hòn bi do bom bi Mỹ thả xuống mà không dám phẫu thuật. Bất hạnh hơn, có người cả con, cháu đều bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin...

Người dân Sài Gòn chào mừng Ngày chiến thắng 30-4-1975. Ảnh: JACQUES PAVLOVSKY
Người dân Sài Gòn chào mừng Ngày chiến thắng 30-4-1975. Ảnh: JACQUES PAVLOVSKY

Sau chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, đồng chí Hồ Tú Nam, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên lệnh cho chúng tôi, Trung đoàn địa phương Trị Thiên - Huế gia nhập F341 tiến vào Sài Gòn. Hòa trong đại quân xe tăng, pháo binh, công binh, thông tin, đặc công... chúng tôi đi cả ngày và đêm qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,... như cơn lốc. Lính VNCH không còn đối phó quyết liệt, thi thoảng chỉ còn vài tên ngoan cố bắn trả. Cạnh đường quốc lộ, có người lính VNCH bị bắn nát cả vai, máu lênh láng van khóc kêu cứu. Chiến sĩ quân y Lê Thanh Bình C1 E2 F341 không còn băng cấp cứu, anh xé chiếc áo lót của mình băng bó vết thương cho người lính. Anh ta vừa sợ, vừa khóc, vừa chắp tay vái lia lịa, tỏ lòng biết ơn người mà hắn lâu nay vẫn mơ hồ là "vi-xi" - "Việt cộng độc ác ăn thịt người không ghê" như Mỹ, Thiệu vẫn tuyên truyền, đang cho hắn một cơ hội sống, không chỉ băng bó, cho thuốc mà nhường cho cả phong lương khô, hộp ruốc bông cuối cùng. Đến vùng ven Sài Gòn, vùng ngoại ô nắng như nung, những chiếc máy bay bụng cá nóc bay nháo nhào, có lẽ chở quân Mỹ ra biển. Qua chiếc đài bán dẫn, nghe sóng Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi được tin địch đánh trả quyết liệt lắm, làm quân ta thương vong nhiều, mặc dù nhiều vùng ngoại ô đã căng cờ giải phóng nửa xanh, nửa đỏ lẫn vào khói bụi của bom đạn. Tôi biết, có cậu Hùng béo quê Quảng Ninh, Hân ba toác, Phấn vua ăn lương khô, Toản còi... đều quê Hà Tĩnh không ai còn sống sót, Hiếu và Nhân quê Nghệ An vừa về cưới vợ xong được khoảng một tháng đều hy sinh trước giờ toàn thắng. Qua khu vực Trảng Bom, có mấy anh xe ôm chờ sẵn bên chiếc xe Hon- đa 67, cười cười nhìn chúng tôi thăm dò:

- Anh giải phóng ơi! Nghe đài đã lâu, giờ mới gặp, các anh đi mô tụi em lai đi hết! Bọn nó vừa nãy chạy mất tiêu rồi, nhưng các anh giải phóng phải cảnh giác!

Các má, các em trong bộ bà ba, khăn rằn, tay cầm nước, thuốc lá "Ru bi"; "Cáp tan", cả bia La-ve mời chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ hút thuốc, ăn hoa quả, không dám uống bia. Về sau làm nhiệm vụ quân quản, chúng tôi mới rõ đó là hàng quân tiếp vụ Sài Gòn mà biệt động ta đánh chiếm nhà kho thu được.

Có chị sờ đầu, vai, quần áo đẫm mồ hôi hỏi - "Các em biết đường vô Dinh Độc Lập chưa?".

- Chưa! Tôi và mấy cậu trinh sát còn chần chừ thì một bà má nói như ra lệnh: "Con Út Năm, con Nghét, đưa các anh giải phóng đi lối bí mật - Xe tăng quân giải phóng còn 25 phút nữa sẽ vào đến Dinh Độc Lập!" - Đi rồi mà nhiều người vẫn ngơ ngác nhìn chúng tôi như nhìn người từ hành tinh khác đến. Hai cô biệt động Năm và Nghét trong bộ bà ba, cổ quàng khăn rằn, da nõn nà trắng, giọng nói dễ thương quá. Cuộc chiến sắp vào ngày chót, giờ chót nên ai cũng vui mừng khôn tả.

Chiến tranh là vậy, tôi và đồng đội không thể nhớ hết con đường, tên phố, tên làng đã hành quân qua, chỉ biết đồng bào như chờ chúng tôi, chờ những đứa con đã 30 năm xa cách. Rồi thời khắc lung linh đã đến. Các hướng, xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân, và các cánh bộ binh, đặc công, thông tin, ùa vào thành phố hòa cùng sự nổi dậy cướp chính quyền của nhân dân Sài Gòn - Gia Định như triều dâng thác đổ. Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tòa Thị chính, nhà ga... tất cả đều bị quân ta khống chế. Trên sóng phát thanh và loa thành phố, tiếng Tổng thống Dương Văn Minh rõ mồn một: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương tới địa phương phải giải tán hoàn toàn...". Tiếng Dương Văn Minh chìm vào tiếng AK quân giải phóng cảnh cáo những kẻ ngoan cố cùng đường chống trả.

Những bữa cơm mà chúng tôi chứng kiến sau 30 năm đoàn tụ, những nụ cười đong đầy nước mắt, có cả ngọt ngào và cay đắng, có cả biệt ly và chờ đợi...