Nhiều người cho rằng, đề xuất của AfA không phải không có lý bởi việc nuôi nhốt, thuần phục, bắt những động vật hoang dã phải thực hiện theo mệnh lệnh của con người để giải trí là đi ngược lại tập tính sống tự nhiên của chúng. Chưa kể, trong quá trình huấn luyện, không loại trừ trường hợp có nhiều con thú còn bị hành hạ bởi những phương pháp tiêu cực như áp lực đòn roi, bỏ đói, mồi thử…, nhất là ở những gánh xiếc tư nhân. Trong thư ngỏ, AfA cho biết, hiện có 19 loài động vật đang được sử dụng trong biểu diễn xiếc thú tại Việt Nam. Trong đó, nhiều con thú hoang dã phải sống trong điều kiện tồi tệ, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi, bị khống chế bằng sự sợ hãi… Chính sự cưỡng bức tinh thần này khiến chúng dễ bị kích động, trở nên nguy hiểm đối với cả người huấn luyện và công chúng. Ðến nay, làng xiếc Việt vẫn chưa quên sự việc một diễn viên xiếc khi biểu diễn đưa đầu vào miệng cá sấu đã bị cá sấu ngoạm mạnh; một nghệ sĩ khác bị con báo tát bay một bên má phải chỉnh hình; hay chuyện cháu bé thiệt mạng do voi quật… Ðây là những lý do khiến lệnh cấm sử dụng một số động vật hoang dã nguy hiểm trong biểu diễn xiếc đã được ban hành tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Bồ Ðào Nha, Ðan Mạch, Thụy Ðiển… Bởi vậy, nhiều người cho rằng Việt Nam cũng cần áp dụng lệnh cấm tương tự, nhất là trong xu hướng toàn cầu đang phấn đấu xóa bỏ những hành vi ngược đãi động vật.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhận định, việc thực hiện lệnh cấm này ở nước ta là thiếu cơ sở. Bởi xiếc thú từ lâu đã là "đặc sản" của xiếc Việt. Trong lúc các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống khủng hoảng khán giả, thì xiếc Việt vẫn thu hút được công chúng, nhất là đối tượng khán giả nhỏ tuổi nhờ xiếc thú. Việc biểu diễn xiếc thú không chỉ mang giá trị giải trí mà còn giúp giáo dục nhận biết và tình yêu thương động vật cho các em nhỏ. Ðến nay cũng chưa có vụ việc nào liên quan đến hành vi ngược đãi thú vật trong các đoàn xiếc mà cơ quan chức năng phải lên tiếng. Nhiều nghệ sĩ trong nghề khẳng định, với xiếc thú, người diễn viên không chỉ là người huấn luyện mà còn là bạn diễn của thú, vì thế phải gần gũi, nghiên cứu tâm lý để hiểu được chúng, yêu thương chúng và huấn luyện chúng tự nguyện bắt chước theo con người mà không hoảng sợ. NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho rằng: Những người huấn luyện xiếc thú phải luôn có trái tim yêu thương mới có thể thuyết phục và dạy được thú. Vấn đề không phải cấm biểu diễn một cách cơ học, mà làm sao để có những quy định cụ thể về môi trường chăm sóc, huấn luyện, biểu diễn phù hợp với từng loại thú.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định: Hiện Liên đoàn đang được đánh giá là một trong những đơn vị nuôi dạy thú tốt nhất ở miền bắc. Liên đoàn có hai bác sĩ thú y trình độ thạc sĩ và 20 công nhân chuyên trách việc dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị thực phẩm cho những con thú nhằm bảo đảm tốt nhất vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sống. Hiệp hội bảo vệ động vật châu Á cũng từng đi thực tế kiểm tra và đánh giá điều kiện vật chất hiện nay của Liên đoàn là bảo đảm tốt đời sống các động vật. Chế độ luyện tập cũng không dùng hình thức roi vọt, đánh đập mà theo phương pháp khoa học đã được nghiên cứu kỹ. Từ cách đây vài năm, Liên đoàn cũng đã có ý tưởng chuyển từ sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc sang các loại động vật khác để bảo vệ những loài thú có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện những loài thú hoang dã mà Liên đoàn sử dụng chỉ còn voi, gấu, khỉ, ngựa. Khi những con thú này không biểu diễn nữa, Liên đoàn sẽ đưa chúng đến Vườn Bách thú hoặc các khu bảo tồn động vật hoang dã. Liên đoàn đang tiến hành huấn luyện biểu diễn xiếc cho những loài động vật gần gũi hơn như lợn, chó, trâu, mèo, vẹt… bước đầu khá thành công. Ðầu năm 2018, xiếc lợn đã được đưa vào chương trình. Xiếc vẹt, đà điểu đang được đầu tư để biểu diễn. Cuối năm nay, xiếc mèo và dê sẽ lên sân khấu phục vụ khán giả. Ðây là hướng đi đang được nhiều tổ chức bảo vệ động vật ủng hộ, cổ vũ.
Tuy nhiên, để có thể chuyển hoàn toàn sang sử dụng các loài động vật nuôi trong biểu diễn xiếc ở Việt Nam đòi hỏi phải có lộ trình, nhất là sự quyết tâm của những nghệ sĩ xiếc thú khi phải chia tay những "bạn diễn" đã quen thuộc để nghiên cứu, tìm hiểu, huấn luyện từ đầu những loài động vật mới.