Cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới của nông sản Việt Nam

NDO -

Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia…, nhiều nông sản Việt Nam cũng đang được ưa chuộng tai các thị trường tiềm năng như: Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cơ hội để  doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Algeria.
Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Algeria.

Cơ hội rộng mở

Theo ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria (Kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger, Senegal và Tunisia), cà phê là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria. Trung bình một người dân tiêu thụ hơn 3kg/năm. Hàng năm, Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại với trị giá 300 triệu USD. Chủng loại cà phê Robusta chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của Algeria (hơn 85%). Những nước xuất khẩu cà phê chủ yếu cho Algeria là Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Brazil, Italia.

Từ nhiều năm qua, cà phê luôn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Algeria. Thị phần cà phê của Việt Nam thường duy trì ở mức cao nhất, chiếm hơn 50%. Tuy vậy, Algeria là thị trường vẫn còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam. Ngoài cà phê xô, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến, hòa tan có giá trị gia tăng cao hơn.

Đối với mặt hàng gạo, Algeria không sản xuất lúa gạo nên mặt hàng này gần như được nhập khẩu 100%. Số lượng gạo nhập khẩu của Algeria khoảng 100.000 tấn/năm. Về chủng loại, gạo nhập khẩu chủ yếu là loại gạo trắng, hạt dài, 5% tấm và gạo đồ. Theo đánh giá, thị trường này vẫn còn triển vọng cho gạo Việt Nam do người dân đã quen với việc sử dụng gạo Việt.

Mặt khác, lượng người lao động châu Á tại Algeria ngày càng đông, đặc biệt là người Trung Quốc. Riêng số lao động của Việt Nam làm việc cho các nhà thầu Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Algeria đã lên tới hơn 4.000 người. Điều này sẽ góp phần tăng cầu về gạo tại thị trường Algeria.

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu gia vị, đặc biệt là hạt tiêu của Algeria khá cao do nước này không sản xuất được. Quế cũng là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Algeria. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng này sang Algeria với kim ngạch 2,1 triệu USD.

Đối với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK) công bố, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 3.764,1 tấn hạt tiêu đen, trị giá hơn 7,21 triệu USD, tăng 9,4% về lượng và 13,6% về giá trị. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có lượng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này với 2.236,3 tấn, đạt kim ngạch hơn 4,32 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị (27,6% về lượng và 37,1% về giá trị) chiếm gần 60% thị phần giá trị xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Với mặt hàng cà phê, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xếp thứ 9 về xuất khẩu cà phê vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng còn cực kỳ hạn chế, chỉ khoảng 103 tấn với trị giá 192,46 nghìn USD, giảm mạnh 55,2% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2020, chỉ chiếm vẻn vẹn 0,2% kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân vào Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian tới, cơ hội sẽ mở ra đối với các doanh nghiệp Việt có năng lực sản xuất cà phê nhân Arabica và cà phê Robusta.

Xác định mặt hàng xuất khẩu trọng tâm

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thị trường tiêu thụ chè lớn, nhưng chủ yếu là chè đen. Trong khi đó, Việt Nam đa dạng hóa về các loại chè xanh hơn là chè đen, vì vậy, sản lượng chè Việt Nam xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ chưa cao. Mặt khác, doanh nghiệp chè Việt Nam cũng chưa chú trọng xuất khẩu vào thị trường này. Nếu muốn gia tăng kim ngạch thì thời gian tới các doanh nghiệp cần xác định mặt hàng trọng tâm là chè đen để khai thác.

Về mặt hàng gạo, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam với 1.798 tấn gạo, giá trị hơn 1,29 triệu USD. Đây là con số còn khá thấp và hiện trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu phân phối hai loại gạo đặc sản của Thái Lan và Ấn Độ là Jasmine và Basmati. Nguyên nhân một phần là do công tác xúc tiến thương mại cũng chưa được doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chú trọng, trong khi Thái Lan đã từng mời tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo đến thăm các nhà sản xuất của họ. 

Đối với thị trường Algeria nói riêng và châu Phi nói chung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger, Senegal và Tunisia) Hoàng Đức Nhuận cho rằng: Với tổng dân số khoảng 1,3 tỷ người, nhu cầu mặt hàng đa dạng, không quá khắt khe, thị trường châu Phi còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai thác và chinh phục.

Doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại châu Phi và bạn hàng quen thuộc.

Trong những tháng cuối năm 2021, Thượng vụ Việt Nam tại Algeria sẽ tổ chức trưng bày và giới thiệu hàng nông sản, thủy sản Việt Nam cũng như catalogue, hàng mẫu, ấn phẩm của Việt Nam; Tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu thị trường Algeria, Senegal, Tunisia, Mali, Gambia và Niger cho các doanh nghiệp Việt Nam; Xuất bản cuốn cẩm nang kinh doanh với thị trường Algeria; Tiếp tục cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh, kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản cho doanh nghiệp Việt Nam...