Tối 20-11, tại tỉnh Bạc Liêu đã khai mạc Tuần văn hóa - du lịch (VHDL) Bạc Liêu 2019. Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà công tử Bạc Liêu.
Được diễn ra từ ngày 20 đến 22-11 với các hoạt động chính như: Không gian các miền di sản với chủ đề “Hội tụ các miền di sản”, ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; khai mạc Tuần VHDL; Liên hoan Đờn ca tài tử ba tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ 14 mở rộng; tổ chức đoàn khảo sát các khu, điểm du lịch; hội thảo hợp tác, liên kết, khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu; chương trình “Đêm Công tử Bạc Liêu”; khởi công một số công trình, dự án du lịch; chương trình bế mạc Tuần VHDL… Trước đó, Bạc Liêu còn tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu; hội chợ công nghiệp - thương mại và du lịch Bạc Liêu.
Điểm nhấn nổi bật của Tuần VHDL tại Bạc Liệu chính là nơi hội tụ các miền di sản. Tỉnh Bạc Liêu đã mời các tỉnh, thành khác cùng tham gia giới thiệu, trưng bày hình ảnh, nhạc cụ và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận, vinh danh, như: Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), Cồng chiêng Tây nguyên (Đắk Lắk), Quan họ Bắc Ninh (Bắc Ninh), Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt (Ninh Bình), Hát xoan (Phú Thọ), Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (Quảng Bình), Ca trù (Hà Nội), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ...
Đông đảo khách tham quan các gian hàng.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Du lịch và Thương mại Kiên Giang cho biết: Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tham gia Tuần VHDL tại Bạc Liệu, Trung tâm đã tham gia gian hàng quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch. Qua đó tìm kiếm cơ hội kết nối tour tuyến trong thời gian tới. Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của tỉnh Kiên Giang cũng thành lập đội tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử với chủ đề "Kiên Giang - Bạc Liêu khúc tương phùng tri kỷ - tri âm". "Tôi cho rằng các sự kiện như thế này là cơ hội rất tốt để các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Kiên Giang, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, tiềm năng thế mạnh du lich của mỗi địa phương đến khắp cả nước và ra thế giới” - bà Nguyễ Duy Linh Thảo nhấn mạnh.
Được công bố năm 1919, bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua 100 năm vẫn khẳng định vị trí của mình trong lòng người mộ điệu. DCHL làm thổn thức người nghe bởi hàm chứa nội dung và giá trị nghệ thuật trong một bản nhạc độc đáo đã được nhiều nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thừa nhận.
* Trước đó, chiều 19-11, đã diễn ra buổi Tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn của người làm báo”, do Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần văn hóa - du lịch Bạc Liêu năm 2019.
Buổi tọa đàm nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương. Nhận thức rõ vai trò, giá trị của Bản DCHL đối với đời sống văn hóa xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc như: Sưu tầm các bài gốc của Bản DCHL; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, các cuộc thi... để truyền lửa cho các thế hệ trẻ và người mộ điệu. Qua đó tôn vinh, quảng bá Bản DCHL đến du khách trong nước và quốc tế.
Không gian đờn ca tài tử tại Tuần văn hóa - du lịch Bạc Liêu 2019.
Bản DCHL được bay cao, bay xa cũng là nhờ công lao của các ngòi bút nhà báo qua từng thế hệ. Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong rằng, trong thời gian tới tỉnh sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa của Hội Nhà báo và các cơ quan thông tấn báo chí giúp cho Bạc Liêu làm tốt hơn nữa việc quảng bá, tuyên truyền về vùng đất và con người Bạc Liêu nói chung và giá trị của Bản DCHL nói riêng.
Giá trị độc đáo của Bản DCHL là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để Bản DCHL đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64; cho đến khi các danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ là nhịp 32, một điểm đến khiến bản vọng cổ tỏa sáng để các tác giả cổ nhạc gửi gắm lòng mình vào 6 câu vọng cổ.
Mỗi một giai đoạn phát triển, Bản DCHL lại tự hoàn thiện mình, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng khán giả và người hâm mộ. Sự kiện, tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị nghệ thuật của Bản DCHL đã thật sự đi vào lòng người trong suốt 100 năm qua. Có thể nói, chính Bản DCHL đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương…