Nếu phương án này được thông qua, đây sẽ là cơ hội “hồi sinh” cho Tisco, giúp trút bỏ được những gánh nặng của dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II (Tisco - II) đè nặng nhiều năm nay,…
Gánh nặng dở dang
Dự án Tisco - II có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, với gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim giá trị hơn 160 triệu USD, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) là Tổng thầu EPC, hiệu lực từ tháng 9-2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng. Do bối cảnh chung ở thời điểm triển khai dự án gặp khủng hoảng kinh tế khu vực, khiến chi phí tài chính tăng quá cao, nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi. Vì vậy, đến năm 2013, dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so ban đầu), kế hoạch hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động” vì không bố trí được nguồn vốn.
Hiện tại, 93% thiết bị đã ở công trường nhưng cả ba hợp phần của dự án vẫn dang dở, khiến một số thiết bị đã lắp đặt ngoài trời bị xuống cấp sau một thời gian dài dầm mưa dãi nắng. Mặt khác, hợp đồng EPC ký giữa Tisco và MCC đến nay cũng phát sinh thêm nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm do gặp khó khăn về cơ chế. Theo tính toán, mỗi ngày dự án Tisco - II phát sinh khoản lãi ngân hàng hơn một tỷ đồng, càng để kéo dài lâu, thiệt hại càng lớn. Chính vì vậy, việc tìm ra “lối thoát” cho Tisco - II là mong mỏi của không chỉ của cán bộ, công nhân viên Tisco, mà còn là trăn trở của tất cả những ai quan tâm đến “con chim đầu đàn” một thời của ngành gang thép Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề tồn đọng nêu trên, không còn cách nào khác là buộc phải thoái vốn nhà nước tại Tisco càng sớm càng tốt.
Đây sẽ là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ khác như đàm phán giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong hợp đồng EPC với MCC một cách nhanh nhất theo phương thức của hai doanh nghiệp (DN) tư nhân với nhau; thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu DN, nhất là giúp tăng vốn điều lệ để triển khai dự án Tisco - II và bổ sung vốn cho sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, khi Tisco vẫn là DN nhà nước nắm cổ phần chi phối, bất kỳ một quyết định quan trọng nào trong việc đàm phán với MCC, theo quy định đều phải trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, chính vì vậy khiến thời gian phê duyệt bị kéo dài, dẫn đến khi hoàn thành các thủ tục, ra được quyết định triển khai, thì lại lỡ mất cơ hội.
Dù phải mang gánh nặng để lại từ dự án Tisco - II đang “đắp chiếu”, hoạt động của Tisco thời gian qua vẫn có hiệu quả. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đến quý III-2019, DN này đang nỗ lực trả một phần nợ gốc và lãi vay ngân hàng, dù khoản vay vẫn còn khá lớn. Lũy kế chín tháng năm nay, Tisco đã giảm dư nợ gốc vay ngân hàng hơn 750 tỷ đồng, tổng doanh thu chín tháng đạt gần 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 57 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 145 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tisco vẫn bảo đảm thu nhập bình quân cho hơn 4.200 cán bộ, công nhân viên đạt hơn 8,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, với những khó khăn để lại của dự án Tisco - II, DN này vẫn giữ vững ổn định và có tăng trưởng tốt về sản xuất, kinh doanh, duy trì đời sống, vật chất và tinh thần cho người lao động.
Đẩy nhanh quá trình thoái vốn
Theo Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp, trong những năm qua, Tisco đã chuẩn bị và thực hiện tốt nhiều giải pháp để “hóa giải” từng bước những khó khăn như sắp xếp, tổ chức sản xuất đồng bộ, có hiệu quả trong toàn hệ thống, phát huy sự đoàn kết trí tuệ, tìm giải pháp hạ giá thành bình quân trong các khâu, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị DN,...
Đáng chú ý, để bảo đảm nguồn vốn sản xuất, Tisco đã chủ động làm việc với các ngân hàng, đối tác cung cấp nguyên nhiên vật liệu, nhà phân phối, từ đó lập kế hoạch sản xuất trong từng kỳ nhằm giảm áp lực về tài chính, duy trì nhịp sản xuất ổn định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của Tisco vẫn là dự án Tisco - II. Vì vậy, người lao động trong công ty rất mong Chính phủ sớm xem xét, có cơ chế đặc thù triển khai nhanh nhất việc thoái vốn nhà nước tại Tisco để có nguồn lực tài chính mới và chủ động trong đàm phán với nhà thầu MCC theo nguyên tắc thị trường nhằm giải quyết vướng mắc trong quá trình tiếp tục thực hiện dự án Tisco - II.
“Sau khi được phép thoái vốn và tái cơ cấu hệ thống quản trị, mong muốn lớn nhất của ban lãnh đạo Tisco là được các ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng cho vay vốn để khởi động lại Tisco - II và tạo điều kiện ưu đãi khoanh lại những khoản nợ gốc và lãi. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, chắc chắn Tisco sẽ đủ điều kiện để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với các ngân hàng một cách sớm nhất”, Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho hay.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, công nghệ và quy mô của dự án Tisco - II là công nghệ luyện kim truyền thống (lò cao - lò thổi ô-xi) thế giới đang áp dụng. Trên thế giới, khoảng 70% số nhà máy thép vẫn áp dụng công nghệ này. Sau nhiều năm “đắp chiếu”, phần cơ (đã xây lắp) của nhà máy bị thời tiết tác động, phát sinh hư hỏng, xuống cấp, cần phải chỉnh trang lại, còn phần điện vẫn trong kho bảo quản, chưa lắp đặt cho nên vẫn đạt yêu cầu chất lượng.
Phần điều khiển - “linh hồn” của nhà máy với các thiết bị tự động, hiện đại, do Tisco chưa được bố trí vốn trả cho đối tác nhập khẩu nên vẫn chưa được chuyển về nhà máy. Do đó, khi thoái vốn, Nhà nước không còn nắm vốn chi phối, nhà đầu tư có tiềm năng, thật sự tâm huyết với ngành luyện kim, chắc chắn sẽ khôi phục lại dự án nhanh chóng nhất qua việc phân kỳ đầu tư, đưa vào khai thác dây chuyền cho ra sản phẩm ngay và phần đầu tư các hạng mục chắc chắn sẽ giảm đi chứ không lớn như phương án đã trình Chính phủ trước đó vì chủ sở hữu mới có quyền tìm đối tác khác, cơ cấu lại vốn đầu tư.
Có thể thấy, việc nhanh chóng thoái vốn nhà nước khỏi Tisco và quyết liệt triển khai các giải pháp của đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương sẽ là nút thắt đầu tiên cần tháo gỡ, tạo điều kiện về cơ chế tự chủ và vốn để giải quyết những tồn đọng khác của dự án Tisco - II.