Các quy định mới của Indonesia về xuất xứ hàng hóa và ban hành tài liệu xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia được áp dụng từ ngày 2/1/2023. Các ngành kinh doanh ở Indonesia cũng có thể lựa chọn một trong hai loại tài liệu, gồm giấy chứng nhận xuất xứ và tờ khai xuất xứ ghi rõ mức thuế ưu đãi.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan (D.Ha-xan) cho biết, các quy định mới này xác định rõ thủ tục để có được chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xuất khẩu từ nước Đông Nam Á này. Theo ông Hasan, quy định mới này phù hợp với cam kết thương mại được RCEP tạo thuận lợi thực thi. Các ngành kinh doanh sẽ được hưởng lợi từ biện pháp này theo RCEP.
Quốc hội Indonesia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP vào cuối tháng 8/2022. Thông qua RCEP, nước này có cơ hội mở rộng và gia tăng chuỗi giá trị khu vực, các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ, các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và bảo đảm sự đồng nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật và kinh tế.
Đến nay, RCEP đã có hiệu lực đối với 14/15 thành viên. RCEP - gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã có hiệu lực trước đó vào ngày 1/1/2022.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno (X.U-nô) cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã đón tổng cộng 5,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, tăng mạnh so với mục tiêu 3,6 triệu lượt khách. Lực lượng lao động trong ngành du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia cũng tăng gần gấp ba lần so với dự báo (1,1 triệu) lên 3 triệu người trong năm 2022.
Tốc độ phục hồi của lĩnh vực du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia khá rõ rệt so với thời kỳ đại dịch Covid-19.