Mai Chí Cường tự Bá Hoằng, sinh tại Sài Gòn và lớn lên trong gia đình bình dân. Nội tổ của anh vốn dòng danh gia nhưng vì thời cuộc từ cuối thế kỷ trước mà lưu lạc đến xứ Cao Miên, sau mới an định và tu hành tại Tây Ninh.
Tuổi thơ của Mai Chí Cường sống tại hai vùng đất là Sài Gòn và Tây Ninh, ảnh hưởng giáo dục gia đình bởi nề nếp của đạo Thiên Chúa và đạo Cao Đài. Thuở ấu của Cường trải qua nhiều thăng trầm với bao khó nhọc từ mưu sanh của gia đình đến những thay đổi nơi ở chốn học. Tuy vậy, những niềm vui con trẻ của chốn thành thị hay nơi thôn dã, anh đều được tận hưởng.
“Bên cạnh chứng trầm cảm thời nhỏ, tôi làm bạn với tranh vẽ hội họa và kinh sách tôn giáo. Thậm chí có thời gian dài, tôi còn nghĩ rằng khi lớn mình trở thành một Linh mục, do ảnh hưởng từ bên ngoại” - Mai Chí Cường chia sẻ.
Thuở học cấp 2, giữa biến cố kinh tế gia đình, Cường trở nên trầm mặc và ít nói. Anh say sưa vẽ tranh, tìm đọc những cuốn sách xưa. Hàng tuần, anh đọc trộm sách tại các nhà sách lớn ở địa phương và ít chơi với bạn bè thời gian ấy. Quyển sách mà Cường cố mua cho được là sách về Kinh Dịch: “Kinh Dịch mở ra cho đứa con nít như tôi thế giới nhân sinh vũ trụ quan, và dường như khơi gợi nên con đường mình sẽ chọn.
Và rồi tôi ham thích thơ Đường, từ Tống để ngao du trong những cảnh sắc trong các tác phẩm. Cũng bập bẹ làm thơ như thơ con cóc, cũng hí hoáy bút nghiên để vẽ tranh nguệch ngoạc. Dường như bọn trẻ cùng trang lứa nghĩ tôi tự kỉ và khùng. Thậm chí họ kì thị và chế giễu. Lúc đó tôi nghĩ thế giới của tôi không phải tại đó.
Tôi cần một thế giới trong tâm thức mình hoặc hi hữu nào đó tôi muốn gặp được giao điểm trên hai thế giới vốn song song vô hình. Đó là suy nghĩ viễn vông của tôi thời con nít ấy, khiến cho mọi người xung quanh lo rằng tôi đang gặp phải vấn để của thần kinh. Và tôi đã đi qua một giai đoạn học sinh như vậy”.
Đến khi học cấp 3, sự trầm cảm ngày càng nặng nề. Dường như chỉ mình Cường trong thế giới của riêng mình. Anh manh nha tiếp xúc cái gọi là nhạc. Nhưng vẫn trở nên trầm mặc đi hơn. Thầy cô và quý nhân đã giúp anh rất nhiều trong giai đoạn ấy.
Nghịch qua các loại nhạc cụ cũng làm anh thích thú. Nhưng tất cả âm thanh ấy không giúp được anh nhìn được cái thế giới song song trong tâm thức, anh không thể đi được trong cái không gian vô hình mà mình đang tìm: “Nói thế nào đây, khi xung quanh có ai biết cái không gian mà tôi nói đến. Nghe nói rằng ánh sáng có thể len lỏi qua không gian và thanh âm có thể đi qua thời gian... Tôi tìm hiểu về cái gọi là âm thanh, ánh sáng ấy”.
Rồi Mai Chí Cường thi và học trường Kiến Trúc. Tại đây, anh được học cái gì là đẹp và phải yêu cái đẹp. Được các giáo viên dạy kiến thức về tư duy thẩm mỹ, hình khối, không gian, ánh sáng, âm thanh,.... anh sung sướng vì điều đó lắm và rất biết ơn thầy cô. Nhưng cái không gian anh cần vẫn chưa tìm được.
Vào một ngày, khi đắm chìm trong các đồ án và mô hình kiến trúc, anh chăm chú làm cho thật đẹp, một con mèo nhảy xổ phá nát mô hình. Dù đang bực mình, nhưng thấy thái độ bình thản của con mèo, anh bình tĩnh nhìn lại đống đổ nát về không ấy. Chợt nghĩ rằng cái về không ấy đẹp làm sao. Và tỉnh dậy, hóa ra đó là mơ, là mơ thôi. Chẳng có con mèo nào cả, chẳng có sự tan tành cái mô hình đồ án. Thật mơ hồ, anh ngẫm đến cái có cái không, cái thành cái bại.
Kể cho người bạn nghe về điều đó, cô ấy đã cho Cường một quyển Đạo Đức Kinh được cho là tác phẩm của Lão Tử thời Xuân Thu. Anh đọc và bắt đầu tìm hiểu về Đạo qua các tác phẩm tư tưởng Lão Trang: “Từ đó tôi tìm cái gọi là “Thái âm hi thanh”, âm thanh vô cùng thì tiếng nó vi tế. Khi ấy là lần đầu tiên tôi nghe âm thanh của Cầm. Như vô hình, lại hữu hình; như xa xôi mà gần lại. Dường như mọi giác quan của tôi được chạm đến, khiến tôi cảm nhận được hơi thở của tâm thức mình.Tôi như tìm thấy chính mình.Thời gian và không gian như đọng về một mối. Và tôi thấy tôi đang rất gần với cái không gian song song mà mình luôn ao ước đi đến. Tôi tìm và học Cầm”.
Cổ Cầm là một môn nghệ thuật đã có từ thời cổ đại với hình thức sơ khai nhất, từ những cây đàn 10 dây thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến cây đàn 7 dây mà ta được thấy ngày nay.
“Cầm từ một môn âm nhạc nguyên thủy, nhờ qua tay các bậc hiền nhân cùng Nho sĩ mà ngày nay đã trở thành một di sản quan trọng văn hóa Trung Hoa nói riêng và các nước đồng văn Á Đông nói chung”. Mai Chí Cường chia sẻ. “Môn nghệ thuật giúp con người ta tu dưỡng những đức tính tốt của Nho gia, đức khiêm ái của Mặc gia và cả tư tưởng tu thân hòa đồng tự nhiên của Thích và Lão, cổ nhân đã tích hợp vào cái được gọi là Cầm đạo này.
Ngoài ra môn nhạc này còn là phương tiện trị liệu thân tâm thông qua sự tác động của ngũ âm vào ngũ tạng và sự rung động của ngón tay cùng dây đàn. Điều hòa hơi thở và lưu thông huyết mạch làm dịu thuần tâm trạng”.
Với Mai Chí Cường, Cầm là vật, là phương tiện nghệ thuật để bản thân mỗi người có thể tu dưỡng và điều chỉnh cơ thể. Với tư tưởng xưa nay là quý ở người không quý ở vật. Con người là trung tâm của nghệ thuật. Nếu như đàn tốt vào tay người không biết về nó thì đàn cũng là cây củi rỗng không hơn không kém. Vào tay người quý trọng và hiểu thì đàn sẽ như một tri âm tri kỉ. Người chơi đàn đã rong chơi trong cái thú vui thanh âm thì chẳng phải nệ vào đàn. Đi đến đâu cũng có thể có đàn, không có đàn thì có thanh âm của tự nhiên và cuộc sống xung quanh.
“Trong vòng 6 năm đổ lại đây, từ những vị cầm nhân chân truyền từ Trung Hoa cho đến vị học giả uyên bác về cổ cầm là ngài John Thompson đều đã đến Việt Nam đóng góp sức trong việc giới thiệu môn học này cùng với các hội nhóm cổ cầm khác”. Mai Chí Cường chia sẻ. Nhờ có sự ủng hộ và đóng góp rộng rãi từ các vị tiền bối khắp nơi yêu thích môn nghệ thuật này mà buổi biểu diễn giới thiệu học thuật của chúng tôi vào tháng 8 năm 2017 đó góp phần làm cho môn nghệ thuật này có sự lan tỏa và có sự hấp dẫn lạ thường đối với số đông mong muốn tìm hiểu về các giá trị tốt đẹp của các vị tiền hiền xưa xây dựng”.
Mai Chí Cường có cơ hội kết bạn với nhiều hội quán đã hưởng ứng phong trào và đã thành lập cho đến hiện tại, cùng với sự gặp gỡ kết bạn với nhiều tiền bối, anh chị em trên khắp cả nước. Với anh, đó là niềm vinh dự rất lớn.
Cầm đem đến một niềm vui cho Mai Chí Cường trong việc tìm thấy bản thân mình, trong việc nghiên cứu sâu hơn về: âm luật, lịch sử, văn hóa và triết học được lồng ghép trong các truyện ngụ ngôn và cầm khúc: “Thông qua việc kể chuyện qua tiếng đàn, có thể nói niềm vui Cầm mang đến là bất tận. Tôi mong muốn hướng tới cuộc sống tiêu dao như Xích Tùng Tử, Lã Tổ. Hái dược, chế thuốc giúp người hữu duyên. Học theo cái chí tiêu dao của Đào Chu Công”.