Tuyển sinh ĐH - CĐ 2006 ở khu vực phía Nam:

Có bao nhiêu chỉ tiêu nguyện vọng 2?

100% các trường ngoài công lập tuyển nguyện vọng 2

Điểm thi của thí sinh quá thấp nên dù lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì 100% các trường ngoài công lập ở khu vực TP Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển được từ 20-40% chỉ tiêu.

Do vậy, tất cả các trường này đều phải tổ chức xét tuyển nguyện vọng 2 đối với hệ đại học và cao đẳng. Đối tượng xét tuyển nguyện vọng 2 là thí sinh có hộ khẩu ở tất cả các địa phương trong cả nước, có điểm thi trên điểm sàn và không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường khác.

Cụ thể: ĐH bán công Tôn Đức Thắng xét tuyển khoảng  1.300 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho 23 ngành khối A, B, C, D1 hệ đại học và 650 chỉ tiêu nguyện vọng 2 đối với 8 ngành thuộc khối A, D1 hệ cao đẳng.

Trường ĐH bán công Marketing TP Hồ Chí Minh xét tuyển khoảng 400 chỉ tiêu hệ đại học đối với 10 ngành thuộc khối A, D1 và hơn 900 chỉ tiêu hệ cao đẳng thuộc các ngành: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Hệ thống thông tin quản lý, Tiếng Anh.

Trường ĐH Mở- bán công TP Hồ Chí Minh sẽ xét tuyển khoảng 1.500 chỉ tiêu hệ đại học cho 13 ngành học thuộc các khối A, B, C, D1, D4 và xét tuyển 300 chỉ tiêu hệ cao đẳng đối với ngành Tin học và Quản trị kinh doanh.

Trường ĐH dân lập Kỹ thuật - Công nghệ TP Hồ Chí Minh xét tuyển khoảng 1.300 chỉ tiêu cho  17 ngành học (hệ đại học) thuộc tất cả các khối thi và 5 ngành học (hệ cao đẳng) thuộc khối A và D1.

Ngoài ra, trường này còn tuyển 300 chỉ tiêu hệ đại học không chính quy. Trường ĐH dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh sẽ xét tuyển hơn 800 chỉ tiêu hệ đại học đối với 12 ngành học thuộc khối A và D1.

Trường ĐH dân lập Lạc Hồng xét tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu đối với 18 ngành học ở tất cả các khối. Trường còn xét tuyển 300 chỉ tiêu hệ đại học không chính quy.

Các trường đại học dân lập không tổ chức thi tuyển sinh dành 100% chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 2.

Cụ thể: ĐH dân lập Hồng Bàng xét tuyển nguyện vọng 2 cho 33 ngành học thuộc tất cả các khối thi với 1.700 chỉ tiêu. ĐH dân lập Hùng Vương xét tuyển 1.000 chỉ tiêu cho 10 ngành học thuộc tất cả các khối. 

ĐH dân lập Văn Hiến xét tuyển 1.100 chỉ tiêu cho 12 ngành học, trong đó có nhiều ngành thuộc khối C.

ĐH dân lập Văn Lang xét tuyển 2.000 chỉ tiêu cho 12 ngành học thuộc các khối A, B, D1,V,H. ĐH dân lập Yersin (Đà Lạt) xét tuyển 1.300 chỉ tiêu cho 18 ngành học thuộc tất cả các khối thi.

100% các trường ĐH công lập vùng  xét tuyển nguyện vọng 2: Muốn nhưng không dễ

Kết quả thi tuyển sinh cho thấy: 100% các trường đại học vùng  tuyển không đủ chỉ tiêu đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Do vậy, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng 2.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học công lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, “nguồn” thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 sẽ rất hạn chế.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những trường này chỉ tuyển thí sinh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà điểm thi của thí sinh ở khu vực này rất thấp, dự báo sẽ rất ít thí sinh có điểm thi trên “sàn”.

ĐH An Giang tuyển 1.510 chỉ tiêu nhưng trong kỳ thi tuyển vừa qua, chỉ có 570/12.766  thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ 15 điểm trở lên.

Trong đó, khối B chỉ có 66 thí sinh đạt 15 điểm trở lên; Khối C có 216 thí sinh... Dự kiến trường sẽ còn gần 1.000 chỉ tiêu cho nguyện vọng 2.

Trường ĐH Tiền Giang năm nay tuyển 1.120 chỉ tiêu nhưng trong đợt tuyển sinh vừa qua, chỉ có 181 thí sinh có điểm 3 môn thi đạt từ 14 điểm trở lên. Như vậy, nếu điểm chuẩn là 14 điểm thì trường còn thiếu khoảng 1.000 chỉ tiêu nữa.

Do hạn chế vùng tuyển nên trường ĐH An Giang và ĐH Tiền Giang khó tuyển đủ chỉ tiêu theo nguyện vọng 2. Có thể, các trường này phải tính đến phương án xét tuyển nguyện vọng 3.

Các trường đại học công lập khác như ĐH Đà Lạt, ĐH Quy Nhơn, ĐH Thủy sản Nha Trang... có thể sẽ “dễ thở” khi xét tuyển nguyện vọng 2 hơn vì “nguồn” thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 không bị hạn chế bởi vùng, miền. Năm nay, ĐH Đà Lạt tuyển 2.200 chỉ tiêu.

Kỳ thi tuyển sinh vừa qua, có gần 18.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 868 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Dù điểm sàn có thấp hơn 15 điểm  và điểm chuẩn một số ngành bằng điểm sàn thì trường cũng phải xét tuyển nguyện vọng 2 với hơn 1.000 chỉ tiêu  cho hầu hết các ngành.

ĐH Thủy sản Nha Trang tuyển 2.000 chỉ tiêu nhưng trong kỳ thi vừa qua, chỉ có 485 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Dự kiến trường sẽ xét tuyển hơn 1.300 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho tất cả các ngành.

Tương tự, ĐH Quy Nhơn cũng xét tuyển hơn 1.500 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho tất cả các ngành Sư phạm và ngoài Sư phạm.

Các trường ĐH công lập ở TP Hồ Chí Minh: Nhiều cơ hội cho nguyện vọng 2

ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ lấy một mức điểm chuẩn cho tất cả các ngành, trong khi điểm thi của thí sinh tương đối cao nên có khả năng trường này không xét tuyển nguyện vọng 2.

Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), Học viện Bưu chính viễn thông (cơ sở 2), ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng chưa có kế hoạch xét tuyển nguyện vọng 2 vì điểm thi của thí sinh rất cao, điểm chuẩn sẽ không bị điểm “sàn” ràng buộc.

Các trường còn lại đều phải tính đến việc xét tuyển nguyện vọng 2 để đảm bảo “đầu vào”.  ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển gần 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho hầu hết các ngành. ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng sẽ dành khá nhiều chỉ tiêu nguyện vọng 2 đối với các ngành ngoài Sư phạm.

Ở ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn TP Hồ Chí Minh, theo dự báo, có rất ít ngành không xét tuyển nguyện vọng 2 như ngành  Báo chí, Đông phương, Quan hệ quốc tế, Ngữ văn Anh.

Các ngành còn lại đều phải xét tuyển nguyện vọng 2 với chỉ tiêu có thể nhiều hơn năm trước. Năm trước, trường này xét tuyển gần 700 chỉ tiêu nguyện vọng 2.

Các trường: ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2), ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh... cũng sẽ dành khá nhiều chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 đối với những ngành khó tuyển.