Nếu như Việt Nam có Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT thì Malaysia cũng có Hội đồng tư vấn quốc gia về CNTT-TT. Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và Sáng tạo Malaysia Datuk Seri Dr. Maximus Johnity Ongkilil cho biết, Hội đồng này trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Thành viên của Hội đồng gồm nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học – Công nghệ và Sáng tạo, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại… các học giả, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ… Các thành viên chỉ có vai trò tham vấn, còn Thủ tướng sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Malaysia cho biết, tầm nhìn đến 2020 của Malaysia là trở thành nền kinh tế kỹ thuật số, một xã hội khoa học công nghệ dựa trên nền tảng CNTT-TT, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ nay đến cuối năm 2011, sẽ có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực CNTT-TT đặc biệt là tăng tốc xây dựng ngành công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Đặc biệt, thời gian tới, Hội đồng tư vấn quốc gia về CNTT-TT của Malaysia sẽ đưa ra nhiều chiến lược phát triển để biến tầm nhìn 2020 thành hiện thực.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh Đề án Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9-2010, gồm năm nhiệm vụ chính: phát triển nhân lực CNTT-TT đạt chuẩn quốc tế, tiến tới xuất khẩu nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp CNTT; phát triển băng rộng, đưa thông tin về cơ sở; tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử; xây dựng DN CNTT-TT mạnh để có thể làm chủ quốc gia, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu năm 2020 tốc độ tăng trưởng hàng năm của CNTT-TT cao gấp ba lần tăng trưởng GDP, doanh thu của CNTT-TT sẽ chiếm 20 – 23% GDP. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp CNTT-TT trong nước cũng như nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
Theo Bộ trưởng Datuk, Việt Nam có ưu thế dân số gần 90 triệu người, gấp khoảng ba lần so với Malaysia (27 triệu người), số lượng người tiêu dùng rất lớn chính là cơ hội kinh doanh cho các DN CNTT-TT. Thời gian tới, cần chú ý nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT.
Tại Diễn đàn, 100 đại biểu của 35 doanh nghiệp đến từ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết của liên tiếp tám biên bản thỏa thuận hợp tác (MoU) giữa các DN hai nước về các lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử…