Vở diễn kể về Lê Ðại Cang trải qua nhiều thăng trầm, từ một vị Tổng trấn Thăng Long bị điều vào phía nam giữ chức Tổng đốc Hà An, bị vu oan, chịu giáng là lính khiêng võng, sau đó lập công chống quân xâm lược Xiêm La, rồi lại bị vu khống tới mức chịu tội "trảm giam hậu" (giam đợi ngày chém đầu), đã mang đến cho khán giả nhiều suy ngẫm trong ngày đầu xuân về sự trung thành và nhẫn nhịn trước sự tham nhũng, đố kỵ để rồi toát lên niềm tin về chân lý, lẽ phải nhất định thắng.
Với một kịch bản về nhân vật có thật, đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã thể hiện qua sân khấu tuồng thành những lát cắt liên hoàn bằng tính ước lệ của sân khấu truyền thống quả là một tìm tòi mới đầy sáng tạo. Từng sự kiện, từng chi tiết đều được tập thể sáng tạo cắt nghĩa và lý giải một cách tự nhiên và tinh tế những hành xử của một "Thanh quan", "Liêm quan" trong 39 năm chấp pháp khiến vở diễn có sức thuyết phục và lôi cuốn người xem.
Với vở Quan khiêng võng, khán giả được thưởng thức đầy đủ những đặc trưng của nghệ thuật tuồng qua nghệ thuật hát và vũ đạo truyền thống. Xuyên suốt vở diễn là cuộc đấu tranh giữa sự cao thượng và thấp hèn mang hơi thở đương đại. Quan Tổng trấn Thăng Long Lê Ðại Cang trị quan tham nhưng vướng phải mối quan hệ họ hàng của kẻ phạm tội và khi quyết "quân pháp bất vị thân", trả lại lẽ công bằng cho dân, ông bị gièm pha và điều chuyển vào phía nam. Không sa vào kể, đạo diễn khai thác nguyên nhân sinh oán giữa sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật với sự bao che của kẻ quyền cao chức trọng hơn mình, đã tạo nên sự hấp dẫn ngay khi mở màn. Vở diễn chú tâm khai thác nỗi đau của dân qua tiếng khóc ai oán của Mai Thị và lớp đông quần chúng để lý giải cái quyết định dũng cảm, không sợ cường quyền, là biết dựa vào dân, không vô cảm trước nỗi đau của dân trong hành động bảo vệ công lý, qua đó khẳng định nhân cách của người cầm cân nảy mực.
Kịch tính tiếp tục được đẩy lên cao với xung đột nhân vật trong chính Lê Ðại Cang khi đối mặt với kẻ nổi loạn chống vua là Lê Văn Khôi (đồng thời cũng là kẻ thù của lòng trung quân trong Lê Ðại Cang) với tình yêu, lòng kính trọng cha nuôi của Khôi là Tả quân Lê Văn Duyệt, khiến ông phải đấu tranh trong cách xử lý. Rồi quan hệ bang giao mong sự hòa hiếu khiến ông khó xử lý tướng ngoài trận đã bị kẻ xấu hãm hại. Cái "Ác" luôn bám theo người "Trung" và Lê Ðại Cang bị vu cáo, gièm pha cuối cùng thành lính khiêng võng như một sự tất yếu.
Nghệ thuật truyền thống của dân tộc được đạo diễn khai thác, phát huy đầy sáng tạo qua xử lý sân khấu ở lớp diễn Lê Ðại Cang phải làm lính khiêng võng. Ðây là lớp tuồng hay nhất khi phía trên sân khấu là chiếc đòn khiêng, trên mặt sàn, nhân vật chính diện và phản diện đấu lưng nhau, người ngay phải khiêng kẻ gian với hai tâm trạng và thái độ trái ngược. Vũ đạo tuồng được khai thác triệt để với những sáng tạo mới trong bê, xiến, lỉa… cùng ánh sáng và thiết kế mỹ thuật đã đẩy sự thiện - ác, trung thực - mưu mô va đập nhau dưới chiếc đòn khiêng phía trên gợi đến liên tưởng về cán cân công lý. Qua cách tổ chức xung đột của đạo diễn và diễn xuất nhiệt huyết của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Ðào Tấn đã thật sự tạo ra tính hấp dẫn của vở diễn.
Không chỉ khai thác sự kiện và tình huống qua hành động, vở diễn len vào góc khuất nội tâm nhân vật như một nốt trầm lý giải sự nhẫn nhịn của quan Tổng đốc Hà An xuống làm lính khiêng võng hay khi bị vu cáo. Khai thác được xung đột trong nhân vật, đạo diễn đã cắt nghĩa được phẩm chất nhân vật: xem nhẹ sự trả thù cá nhân, đặt triều đình và đất nước lên trên hết với một niềm tin vào công lý. Những lớp kịch giữa Lê Ðại Cang và phu nhân Ngọc Phiên quận chúa là những lớp kịch đầy xúc động đã lấy được những giọt nước mắt trào ra trên hàng ghế khán giả khi mâu thuẫn nội tâm nhân vật giữa lòng trung quân và nỗi oan nghiệt được đẩy đến cao trào. Ðạo diễn và tập thể nghệ sĩ nhà hát Tuồng Ðào Tấn với diễn xuất tinh tế đã lý giải được hành động nhân vật và tâm lý rất phụ nữ của Ngọc Phiên cũng như tình yêu của Lê Ðại Cang dành cho phu nhân gặp lòng trung quân trong ông đã tạo ra tính thuyết phục của vai diễn và vở diễn.
Kịch tính lại được đẩy lên cao trào với cái án "trảm giam hậu" vô lý giáng xuống nhân vật để rồi cái kết của vở diễn lại như một thông điệp: Khi cái ác hoành hành với mưu mô bẩn thỉu, người có công bị hàm oan, chân lý bị chà đạp thì vị trí người đứng đầu cụ thể là triều đình quan trọng biết chừng nào! Không thể có một xã hội "sạch", công bằng nếu triều đình chỉ là những hôn quân bạo chúa!
Vở diễn về một nhân vật lịch sử có thật trong nửa đầu thế kỷ 19 nhưng vẫn tươi rói giá trị, gần gũi với những bài học cho hôm nay về phẩm chất của người lãnh đạo biết lấy dân làm gốc, sáng suốt để xử lý công việc một cách minh bạch, công bằng.