Chuyện xóa đói, giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh

Lớp dạy nghề sửa chữa động cơ điện, Trường trung cấp nghề huyện Củ Chi giúp con em nông dân thoát nghèo.
Lớp dạy nghề sửa chữa động cơ điện, Trường trung cấp nghề huyện Củ Chi giúp con em nông dân thoát nghèo.

TP Hồ Chí Minh có số dân đông nhất nước, cũng là nơi khởi xướng và thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) và việc làm. Trong giai đoạn đầu (1992 - 2003), thành phố tập trung cho việc xóa đói, giảm nghèo và chống tái đói, tái nghèo với chuẩn hộ nghèo có mức thu nhập dưới 2,5 triệu đồng/người/năm.

Chuyển sang giai đoạn 2 (2004 - 2010) với chuẩn hộ nghèo: dưới 6 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2007, toàn thành phố chỉ còn hơn 17 nghìn hộ nghèo, chiếm 1,37% tổng số hộ dân. Và thành phố xác định năm 2007 là năm có tính nền tảng làm cơ sở để năm 2008 phấn đấu hoàn thàn cơ bản mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2 trước thời hạn hai năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần 8.

Với tinh thần đó, Thành ủy, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có những chủ trương, chính sách và biện pháp giảm nghèo phù hợp và hiệu quả. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội từ thiện, các sở, ngành chức năng các quận, huyện, và nhất là trách nhiệm trực tiếp của phường, xã, toàn thành phố triển khai thực hiện nhiều hoạt động giảm nghèo đa dạng và sáng tạo, huy động, vận động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho người nghèo. Và đến thời điểm hiện nay, thành phố còn hơn 14 nghìn hộ nghèo, chiếm 1,08% tổng số hộ dân thành phố.

Ðầu tư cơ sở hạ tầng

Anh Nguyễn Văn Lân, cán bộ chuyên trách XÐGN và việc làm huyện Củ Chi và chị Võ Thị Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp như thuộc lòng về các hộ đã ra khỏi chương trình XÐGN và việc làm và bắt đầu vươn lên có cuộc sống khá hơn. Chúng tôi đến nhà anh Hồ Tấn Hữu ở tổ 4, ấp Phước Hòa. Nhà cửa rộng rãi, khang trang. Hỏi chuyện thoát nghèo, anh Hữu bộc bạch: Cũng trầy trật lắm, sau khi đi bộ đội về, chẳng có nghề ngỗng gì nên chỉ biết làm mướn đắp đổi qua ngày, cực khổ suốt nhiều năm trời. Rồi có chương trình XÐGN và việc làm, nhờ có sự vận động, động viên của các anh trên xã, tôi bắt đầu nghề nuôi bò bằng vốn vay của chương trình. Gây dựng từ từ, lúc đầu chỉ có thể nuôi một con, nhưng cũng khó khăn lắm, vì sữa không đạt chuẩn, nhiều khi phải đổ bỏ, tiếc lắm! Sau này phải đi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, nên dần dần làm ăn ổn định, đến nay có cả thảy bảy con. Còn chuyện vươn lên có cuộc sống ổn định, mức sống khá hơn?

Anh cho biết: Từ năm 2005, nhờ đầu ra ổn định nên gia đình có thu nhập khá và hiện nay, mỗi tháng vắt sữa hai kỳ, thu nhập khoảng 12 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 9 triệu đồng. Trong nhà, anh Hữu lo việc chăn nuôi, ngoài bò, có nuôi thêm lợn. Còn vợ thì may gia công giẻ lau, cho thu nhập khoảng 700 nghìn đồng/tháng. Rồi anh phấn khởi cho biết: "Cả ba đứa con đều đi học, đứa đầu đang học Ðại học Bách khoa năm thứ nhất. Gia đình tôi được như hôm nay là nhờ Chương trình XÐGN và việc làm".

Như anh Hữu, nhờ được trợ vốn để đầu tư sản xuất, làm dịch vụ, buôn bán nhỏ hoặc được giới thiệu làm việc ở các công ty, xí nghiệp, phần lớn hộ dân ở Phước Hiệp giờ đây đã nâng cao thu nhập, vượt chuẩn nghèo, có đời sống ổn định và bắt đầu vươn lên khá như hộ anh Nguyễn Tuấn Thanh, hộ ông Lê Ðình Bờm, bà Nguyễn Thị Ánh Loan ở ấp Trại Ðèn; hộ bà Nguyễn Thị Tất, Lê Thị Hoàng ở ấp Mũi Côn Ðại;...

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, chị Võ Thị Khanh cho biết: Phước Hiệp là một trong những xã nghèo vùng ven TP Hồ Chí Minh, có truyền thống cách mạng, phần đông nhân dân sống bằng nghề nông, một số hộ chăn nuôi, đan lát và một số ít hộ buôn bán nhỏ. Thực hiện Chương trình XÐGN và việc làm, kết thúc giai đoạn 1 (1992 - 2003), xã không còn hộ nghèo (có mức thu nhập dưới 2,5 triệu đồng/người/năm). Chuyển sang giai đoạn 2 (2004 - 2010), qua điều tra, xã có 1.038 hộ nghèo với mức thu nhập dưới chuẩn (6 triệu đồng/người/năm), chiếm 43,8% tổng số hộ dân, một tỷ lệ rất cao so với nhiều xã trên địa bàn huyện.

Trước thực trạng đó, đảng bộ và chính quyền xã bằng nỗ lực và quyết tâm cao, đề ra nhiều biện pháp đa dạng trợ giúp cho các hộ nghèo. Xác định hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo đầu tư vào sản xuất tăng thu nhập là một giải pháp quan trọng để vượt nghèo, vươn lên khá giả, xã thực hiện đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn như Quỹ XÐGN, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ tín dụng của các đoàn thể, tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội và hướng dẫn nhiều phương án sản xuất cho người dân. Trợ giúp vốn thì không dàn đều mà có trọng điểm, mạnh dạn trợ giúp vốn cho các hộ nghèo làm ăn căn cơ, có phát triển. Hướng dẫn cho các gia đình nhiều phương án sản xuất nhằm tạo nhiều nguồn thu nhập như trong một hộ vừa có trồng trọt, chăn nuôi kết hợp buôn bán nhỏ hoặc sản xuất tiểu thủ công nghiệp giải quyết lao động nông nhàn, vừa tổ chức dạy nghề, giới thiệu cho con em các hộ nghèo làm việc tại các công ty, xí nghiệp để khi gặp rủi ro trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nguồn thu nhập khác bù đắp.

Vì vậy, đến đầu năm 2008, xã chỉ còn 143 hộ nghèo, chiếm 5,8% tổng số hộ dân trong xã. Ðến thời điểm hiện nay, tất cả hộ dân này đều vượt chuẩn nghèo và như vậy, Phước Hiệp cơ bản không còn hộ nghèo và kết thúc Chương trình XÐGN và việc làm bước hai giai đoạn 2 (2006 - 2010).

Chăm lo cho người nghèo

Long Thới (huyện Nhà Bè) là một trong 20 phường, xã nghèo nhất TP Hồ Chí Minh. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình XÐGN và việc làm, thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu từ trồng lúa và chăn nuôi lợn, gà, vịt, nhưng thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh sâu rầy thường xảy ra nên người nông dân trồng lúa gặp khó khăn, có năm bị mất trắng. Chăn nuôi thì đầu ra không ổn định, giá cả biến động nên không có lãi.

Trong khi đó, do trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề, việc đi lại khó khăn do cầu đường cách trở (toàn xã chỉ có một con đường đất đỏ là Hương lộ 39 - nay là đường Nguyễn Văn Tạo), xuống cấp trầm trọng, phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng ghe, vì vậy nhiều lao động đi làm bốc xếp, phụ hồ tại các bến bãi ở nội thành và số còn lại thất nghiệp. Giao thông không thuận tiện, học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ khá cao. Nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa và phải mua giá cao từ nội thành. Ðời sống nhân dân luôn gặp khó khăn, có lúc số hộ nghèo toàn xã chiếm hơn 50% tổng số hộ; số hộ thiếu ăn lúc giáp hạt có khi chiếm đến 60% tổng số hộ, phải thường xuyên được cứu đói.

Sau 16 năm thực hiện chương trình XÐGN và việc làm gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, đến nay, Long Thới từng bước xóa nghèo đồng thời hoàn thành Chương trình XÐGN và việc làm bước 2, giai đoạn 2 (2006 - 2008) cuối năm 2007.

Chúng tôi cùng anh Nguyễn Trí Dũng, cán bộ chuyên XÐGN và việc làm xã Long Thới đi thăm vài hộ thuộc diện nghèo nhất xã nay đã vượt mức chuẩn hộ nghèo. Các hộ này trước đây thuộc diện nghèo "rớt mồng tơi", thiếu trước, hụt sau nhưng nhờ vào Chương trình XÐGN và việc làm, nay đã có cuộc sống đỡ hơn.

Như hộ gia đình anh Trần Văn Ðạo và chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp 3 với năm miệng ăn (có ba con). Anh chị được xây tặng Nhà đoàn kết, cho vay ưu đãi tám triệu đồng để mua ghe làm ăn, con cái thì được miễn giảm học phí một phần. Chị Hoa cho biết: "Nhờ chiếc ghe, ảnh cũng làm ra bộn tiền. Ở dưới này, nhiều người có nhu cầu đắp đất vun nền nên có công việc làm hoài. Nếu không có người mướn chở đất thì đi bủa lưới bắt cá, tôm, kiếm cũng được".

Anh Dũng cho biết, hộ gia đình chị Hoa là một trong ba hộ nghèo nhất xã, vừa ra khỏi chương trình. Ðối với những hộ như thế này, xã luôn để ý tới và vận động bà con toàn xã giúp đỡ để họ trụ vững ngay sau giai đoạn thoát nghèo thì mới đạt được mục tiêu thoát nghèo bền vững. Bằng cách này, giờ đây nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống tương đối ổn định như hộ bà Nguyễn Thị Thu Ba ở ấp 1, hộ ông Ðào Văn Gìn ở ấp 3, hộ ông Huỳnh Văn Nhiều ở ấp 2,...

Một số giải pháp

Thực tế thực hiện Chương trình XÐGN và việc làm ở một số xã huyện Củ Chi và Nhà Bè cho thấy giải pháp trợ giúp vốn cho hộ nghèo là giải pháp quan trọng góp phần cho hộ nghèo có việc làm, ổn định được cuộc sống và nâng mức sống ngày càng tốt hơn nhờ tăng thu nhập từ sản xuất.

Tuy nhiên để hộ nghèo có thể vượt nghèo bền vững thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trợ giúp khác nhau song song với việc trợ vốn như giải quyết việc làm tại các công ty, xí nghiệp và xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện XÐGN, các xã luôn chú trọng công tác giải quyết việc làm và xem đây là một chỉ tiêu phải đạt được hằng năm, vì thực tế cho thấy giải quyết việc làm ổn định cho người lao động không những tạo được thu nhập cho người lao động mà còn giảm được sự bất ổn trong xã hội.

Còn việc trợ giúp vốn và hướng dẫn phương án sản xuất là nhằm giúp cho người nghèo có thu nhập, giải quyết cuộc sống trước mắt, từng bước tích lũy vốn, tích lũy kinh nghiệm làm ăn để ổn định cuộc sống lâu dài đồng thời phải thực hiện song song các chính sách ưu đãi khác, động viên toàn bộ nguồn lực xã hội chăm lo cho người nghèo mới góp phần giải quyết cơ bản việc xóa đói, giảm nghèo.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng là giải pháp xóa đói, giảm nghèo quan trọng. Trong quá trình thực hiện Chương trình XÐGN và việc làm nếu chỉ chú trọng việc trợ giúp trực tiếp cho hộ nghèo bằng vốn và các chính sách xã hội ưu đãi nhưng không quan tâm công tác phát triển kinh tế - xã hội chung thì tốc độ giảm nghèo sẽ hết sức hạn chế.

Do vậy, việc tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư, đào tạo nghề giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho lao động nghèo, gắn Chương trình XÐGN và việc làm với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một biện pháp hữu hiệu. Thực tế ở khu công nghiệp Phước Hiệp - Long Thới, khu công nghiệp đông - bắc Củ Chi cho thấy điều đó.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có hiệu quả rõ rệt trong công tác giảm nghèo là: xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi, điện khí hóa nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế... góp phần quan trọng trong việc giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhanh hơn, tạo điều kiện làm ăn cho người nghèo thuận lợi hơn. Tất nhiên, để làm tốt công tác XÐGN và tạo việc làm cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; cần điều tra, phân loại, hiểu biết cặn kẽ từng hộ nghèo để có phương án hỗ trợ hiệu quả và có lẽ, điều quan trọng hơn cả là cần một đội ngũ chuyên trách mẫn cán, tâm huyết và có lòng nhân ái.

Bài và ảnh: TOÀN THẮNG, TẤT CƯỜNG