Chuyện về những nữ anh hùng

Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, phát triển đất nước. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, những phụ nữ anh dũng, kiên trung ấy vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên hôm nay, góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Người cao tuổi Việt Nam đến chúc mừng Anh hùng Tám Thảo nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022. (Ảnh Nguyễn Dũng)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Người cao tuổi Việt Nam đến chúc mừng Anh hùng Tám Thảo nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022. (Ảnh Nguyễn Dũng)

Những nữ anh hùng mà chúng tôi muốn kể trong bài viết này, ngoài nguyên mẫu Anh hùng La Thị Tám, nhân vật trong bài hát Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho là hai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) - những phụ nữ kiên cường và tài giỏi của cách mạng Việt Nam.

Lý tưởng của tuổi trẻ

Ba nữ anh hùng mà chúng tôi được gặp có thể xem là đại diện cho những lực lượng tác chiến trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước thời đó. Trong đó, Anh hùng La Thị Tám đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong, cụ thể là đơn vị chủ lực Ðại đội C2 - Giao thông vận tải đóng tại xã Ðồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; Anh hùng Ngô Thị Tuyển đại diện cho lực lượng dân quân có nhiệm vụ vác đạn chiến đấu tại khu vực Nam Ngạn-Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa và Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung, nguyên cán bộ Cụm Tình báo H63, Ðoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).

Trong những năm tháng ấy, cách mà họ đối mặt với hiểm nguy không giống nhau. Người hoạt động nơi tiền tuyến, người hoạt động ở hậu phương, người hoạt động trong lòng địch, nhưng tất cả đều vì mục đích cao cả của dân tộc là đánh bại Pháp, Mỹ và tay sai trên chiến trường miền nam, cũng như các đợt đánh phá miền bắc của chúng, góp phần giành thắng lợi trên toàn chiến trường, kết thúc chiến tranh. Công việc của những người phụ nữ bé nhỏ ấy tưởng như thầm lặng nhưng lại mang nhiều ý nghĩa và biểu tượng lớn.

Tháng 7/2022, chúng tôi trở về Ngã ba Ðồng Lộc, để thắp hương tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh năm 1968 trên mảnh đất này, rồi leo lên quả đồi cao năm xưa mà Anh hùng La Thị Tám đứng đếm bom rơi và cắm tiêu. Ðó là đồi Mòi nhưng người dân từ lâu đã quen gọi là đồi La Thị Tám. Trên đồi có một miếu thờ nhỏ, một cột cờ cao bay kiêu hãnh giữa nắng gió miền trung, nhưng hình ảnh ấn tượng với chúng tôi chính là dấu vết hằn sâu của chiến tranh năm xưa. Những hố bom vẫn còn đấy, như bằng chứng tố cáo tội ác của giặc Mỹ và nhắc nhở tất cả về sự khốc liệt, dữ dội của chiến trường, của những gian khổ mà một thanh niên xung phong như Anh hùng La Thị Tám và đồng đội từng trải qua, trên hết là sự dũng cảm, can trường của quân, dân Hà Tĩnh.

Ở tuổi 18, La Thị Tám gia nhập đội thanh niên xung phong và vào biên chế đơn vị chủ lực Ðại đội C2 - Giao thông vận tải. Từ tháng 12/1967 đến tháng 8/1968, đơn vị đóng tại xã Ðồng Lộc, La Thị Tám được giao nhiệm vụ đứng trên một quả đồi cao, phía trái của Ngã ba Ðồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để quan sát, đếm, xác định số bom trút xuống, bao nhiêu quả đã nổ. Sau khi máy bay Mỹ rút, quả bom nào chưa nổ thì sẽ chạy xuống cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được hơn 1.200 quả bom.

Ngày 22/12/1969, La Thị Tám (khi ấy 19 tuổi) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðợt ấy có 23 đơn vị và 17 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu. Thành tích này của Anh hùng La Thị Tám được ghi ngắn gọn trên Báo Nhân Dân số ra ngày 30/12/1969 như sau: Là một cô gái đầy nhiệt tình cách mạng, vô cùng gan dạ, mưu trí. Liên tục 116 ngày đêm làm nhiệm vụ quan sát đánh dấu bom địch ném chưa nổ ở những trọng điểm địch đánh phá hết sức ác liệt, 23 lần bị bom nổ vùi lấp, vẫn kiên cường bám sát trận địa, phục vụ đắc lực cho việc phá bom, bảo đảm giao thông thông suốt.

Dù đã đọc nhiều thông tin, được nghe chính nhân vật kể lại khi đến thăm bà trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Biểu, thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi cũng không thể hình dung làm thế nào một cô gái nhỏ bé lại có thể đứng vững giữa bom rơi, đạn nổ, dưới cái nắng tháng 6 nóng như đổ lửa, chạy lên chạy xuống ngọn đồi mà chúng tôi chỉ là đi bộ thong dong cũng đã thở không ra hơi với hơn 1.000 bước chân.

Khi chúng tôi hỏi: “Lúc ấy còn trẻ thế, lại nhìn thấy nhiều người hy sinh, cô không sợ sao?”, Anh hùng La Thị Tám bộc bạch: “Nói không sợ thì cũng không đúng, nhưng hồi ấy tất cả thanh niên chúng tôi đều muốn được lên đường nhập ngũ. Các cụ già còn đi trực súng, chuyện các cụ già bắn rơi máy bay là thế đó. Cả nước đều sục sôi ý chí chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ngày đó, gia đình tôi đã có hai người anh tham gia chiến trường, có một người em khi đó học cấp II (sau này cũng tham gia chiến đấu và hy sinh năm 1974 ở Quảng Ngãi - PV), tôi là lao động chính trong gia đình và có thể ở nhà, nhưng tôi đã làm đơn ra chiến trường để được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp chung của cách mạng. Khi ấy tôi 18 tuổi”.

Nói không sợ thì cũng không đúng, nhưng hồi ấy tất cả thanh niên chúng tôi đều muốn được lên đường nhập ngũ. Các cụ già còn đi trực súng, chuyện các cụ già bắn rơi máy bay là thế đó. Cả nước đều sục sôi ý chí chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.

Anh hùng La Thị Tám

Như hai câu trong lời bài hát Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao: “Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng/ Miền nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường”, chúng tôi cũng đã đọc được những tâm sự rất đơn giản của Anh hùng Ngô Thị Tuyển và các cô gái Thanh Hóa đăng trên tờ Nhân Dân ra số ngày 17/7/1965: “Vì thằng đế quốc Mỹ cho nên các anh bộ đội vất vả, dầm mưa dãi nắng, đêm ngày đội trời ngồi trên mâm pháo. Chúng em thương các anh bộ đội lắm. Chúng em phải góp sức để các anh ấy đánh thắng giặc Mỹ chứ!”.

Trong căn nhà nhỏ ở đường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, nữ anh hùng sinh năm 1947 chỉ nặng 42kg, cao chưa đến 1m50 nhưng có thể vác hai hòm đạn nặng 98kg, một nhiệm vụ vốn chỉ dành cho nam giới, lên đê, xuống dốc, lội sông đưa đạn ra tận mép thuyền tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường Nam Ngạn - Hàm Rồng, cho biết thêm: “Khi cần người tiếp tế đạn cho bộ đội, tôi luôn có mặt. Tôi vác hết hòm đạn này đến hòm đạn khác đưa đến tận chiến hào. Nhiều lúc, tôi cùng chị em còn ra trận địa lau đạn, lắp đạn, tiếp đạn cho bộ đội”.

Khác với Anh hùng La Thị Tám hay Anh hùng Ngô Thị Tuyển, nhờ có cơ hội đọc sách, đọc báo nhiều, được nghe kể về sự đàn áp của thực dân với những người yêu nước, về lời kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) năm ấy đã cùng người em Nguyễn Thị Mỹ Linh dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng đã sớm xác định lý tưởng Tổ quốc là trên hết, quyết tâm vào chiến khu theo kháng chiến chống Pháp.

Nhớ lại những năm tháng ấy, bà Mỹ Nhung kể lại: “Tôi cũng giống như mọi người dân Việt Nam, theo lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác Hồ, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc đánh đuổi thực dân Pháp, những thanh niên như tôi đều muốn đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, theo kháng chiến để giành lại độc lập dân tộc”. Năm 1948, bà bắt đầu hoạt động cách mạng tại xã Phú Ðức, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, khi chỉ mới 16 tuổi.

Về sau, cô gái có bí danh Yên Thảo trở thành thành viên của Cụm Tình báo H63 do đồng chí Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) là điệp viên chủ lực. Cụm Tình báo H63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba,... Năm 1961, cô gái Yên Thảo đã vận chuyển 24 cuốn phim ra Củ Chi sau khi vượt qua nhiều trạm, bốt gác dày đặc. Thông tin trong các cuộn phim đã giúp quân giải phóng nắm được nội dung chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Thật đặc biệt khi những nữ anh hùng mà chúng tôi được gặp ở đây đều có kỷ niệm khó quên với Bác, nhất là Anh hùng Ngô Thị Tuyển, người vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967, là một trong những người may mắn được gặp Bác nhiều lần, và một nhiệm vụ vinh dự nhất, xúc động nhất trong cuộc đời bà chính là khi được nhận nhiệm vụ túc trực bên linh cữu của Người.

Học tập và làm theo Bác

Những nữ anh hùng La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Yên Thảo được đứng trong hàng ngũ của Ðảng từ rất sớm, được sống trong giai đoạn có Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bà Yên Thảo đã có Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng, bà Ngô Thị Tuyển có Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng và bà La Thị Tám có Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng. Họ chính là những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo Bác, nhất là khi trong số họ có người từng được gặp Bác, có những kỷ niệm không quên về Bác. Họ đều phát huy vai trò của mình ở địa phương, trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, các phong trào, hoạt động ở tổ dân phố, các hội cựu chiến binh, người cao tuổi...

Khi đặt câu hỏi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Anh hùng La Thị Tám, người đã có thời gian công tác tại Cơ quan Dân chính đảng tỉnh Hà Tĩnh với vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ðảng ủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 1974 cho đến lúc về hưu năm 2005, sự khiêm tốn là điều chúng tôi cảm nhận ngay ở nữ anh hùng 78 tuổi.

Bà chia sẻ: “Trong cuộc sống đời thường, tôi cũng như một công dân bình thường. Vinh quang ở chiến trường là của cả tập thể chứ không phải cá nhân nào và tôi chỉ may mắn được Ðảng, Nhà nước, tập thể quan tâm, chọn, giới thiệu và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðây là vinh dự rất lớn nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm, làm thế nào để giữ gìn danh dự đó, nhất là khi tôi là một đảng viên”. Bà luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ gìn bản chất của mình, không làm bất cứ điều gì có lỗi với dân, với tổ chức.

Trong cuộc sống đời thường, tôi cũng như một công dân bình thường. Vinh quang ở chiến trường là của cả tập thể chứ không phải cá nhân nào và tôi chỉ may mắn được Ðảng, Nhà nước, tập thể quan tâm, chọn, giới thiệu và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðây là vinh dự rất lớn nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm, làm thế nào để giữ gìn danh dự đó, nhất là khi tôi là một đảng viên.

Anh hùng La Thị Tám

Trong lúc tìm kiếm tư liệu, chúng tôi đọc trên trang nhất Báo Nhân Dân số ra ngày 10/1/1967 có lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và các anh hùng tại Ðại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước như sau: Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Ðảng anh hùng.

Tuy gan dạ, dũng cảm khi đứng trước quân thù là thế, bà La Thị Tám lại là người mềm mỏng, nhiệt tình, chu đáo trong mọi công việc liên quan hội phụ nữ, hội người cao tuổi... ở khu phố, với vai trò là tổ trưởng liên gia. Nhiều năm liền, gia đình bà được công nhận là gia đình văn hóa, còn bà luôn được bầu là đảng viên xuất sắc của Ðảng bộ phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh.

Bà Ngô Thị Tuyển chia sẻ, thế hệ trẻ bây giờ được trang bị đầy đủ kiến thức, bắt nhịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, cộng với truyền thống của cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ xây dựng đất nước lớn mạnh, để Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ đi trước yên tâm, để xứng đáng với biết bao người đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do.

Thế hệ trẻ bây giờ được trang bị đầy đủ kiến thức, bắt nhịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, cộng với truyền thống của cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ xây dựng đất nước lớn mạnh, để Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ đi trước yên tâm, để xứng đáng với biết bao người đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do.

Bà Ngô Thị Tuyển

Ðơn giản hơn, trong câu chuyện của mình, bà Yên Thảo cho rằng, đọc sách báo thường xuyên là một cách tự rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức và hiểu biết. Trước đây, để tạo một vỏ bọc tốt trong lòng địch, bà phải tạo phong cách tiểu thư, tập nhảy, học tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhờ đó mà sau ngày đất nước thống nhất và sau khi tiếp tục công tác trong lĩnh vực tình báo cho đến năm 1979, bà chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật. Năm 1993, Hội Nghiên cứu dịch thuật thành phố được thành lập, bà Yên Thảo được đề bạt làm Phó Chủ tịch Thường trực cho đến khi về hưu năm 2002. Năm 2018, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với các nữ anh hùng mới chỉ giúp chúng tôi hiểu được phần nào những hy sinh, cống hiến vô bờ bến mà các nữ anh hùng đã trải qua nhưng chúng tôi cũng cảm nhận rõ rằng, mỗi việc tốt chúng ta làm, mỗi con đường đúng đắn chúng ta chọn để góp phần xây dựng đất nước, lan tỏa những giá trị nhân văn để xã hội ngày một tốt đẹp hơn, đấy chính là góp phần đến gần hơn với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Chiến tranh đã qua đi, giữa đời sống bộn bề cơm áo, gặp và nghe những nữ anh hùng kể về những năm tháng khói lửa và cả hiện thực giản dị của họ khi trở về cuộc sống hòa bình, chúng tôi hiểu hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh. Những điều ấy đã trở thành bài học vô giá, giúp mỗi chúng ta nhìn lại mình, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.