Chuyển từ Quốc hội tham luận sang tranh luận

NDO -

NDĐT - Cho tới nay thì Quốc hội nước ta cơ bản vẫn là Quốc hội tham luận và chưa chuyển từ Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận. Đây là một vấn đề lớn nhất trong hoạt động của Quốc hội ta hiện nay, và cũng là vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) ngày 14-11.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội).
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội).

Các đại biểu cho rằng Nghị quyết lần này đã có một số đổi mới rất quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự đổi mới.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), dự thảo Nghị quyết lần này, tại Điều 16 về phiên họp thảo luận lại chưa có khắc phục tình trạng đọc tham luận.

“Cứ đứng lên chúng ta đọc một bài chuẩn bị sẵn và rất mất thời gian, có khi hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau thì có cần thiết phải như vậy hay không?”, đại biểu Quyền thắc mắc.

“Tham luận càng về sau càng có nhiều nội dung trùng. Có một số đại biểu do điều kiện nhất định đã chuẩn bị sẵn một bài, cho nên mặc dù đại biểu trước đã phát biểu về nội dung đó, thì đồng tình hay không đồng tình nhưng cũng không nói được điều đó mà vẫn cứ phải đọc hết bài tham luận”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết: “Cử tri nhận xét các đại biểu Quốc hội phát biểu hay lắm nhưng giống như chúng em đi xem ca nhạc, các nghệ sĩ hát cùng một bài. Có người có giọng nam, có người giọng nữ, có giọng cao, giọng thấp, giọng bổng, giọng thanh nhưng toàn một bài”.

“Nhưng rất ít đại biểu dũng cảm rút bài phát biểu của mình khi thấy giống hệt người khác rồi, nếu dũng cảm rút đi để cho người khác nói những điều mới thì hay quá”, đại biểu này nói thêm.

Làm sao biến phiên thảo luận thành tranh luận?

Sau khi nêu thực trạng việc đọc tham luận tại các phiên thảo luận, các đại biểu đề xuất một số giải pháp để chuyển sang Quốc hội tranh luận.

“Tôi đề nghị cần phải bổ sung một điều về điều hành phiên họp để biến Quốc hội ta từ Quốc hội chỉ có tham luận thành Quốc hội tranh luận về những quan điểm khác nhau”, đại biểu Quyền nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) thì đề nghị các phiên họp cần tiếp tục giảm bớt thời gian trình bày các văn bản. Mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội thời gian đọc các đề án, tờ trình, báo cáo không quá 90 phút. Mỗi loại văn bản trình bày không quá 15 phút, trừ phiên khai mạc và một số trường hợp khác theo quy định của Quốc hội đã được ghi trong chương trình kỳ họp.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nên bổ sung vào trong nội quy thời gian để tranh luận. Đối với nội dung bàn về kinh tế - xã hội, một số nội dung về các dự án luật và một số nội dung quan trọng khác thì Quốc hội cần dành 1/3 thời gian thảo luận được bố trí để tranh luận sau phần phát biểu tuần tự theo đăng ký.

“Ai cần thiết tranh luận cứ bấm nút tranh luận và không quy định số lần tranh luận. Tranh luận khi nào hết thời gian thì thôi. Khi đại biểu tranh luận nhiều sẽ giúp cho các đại biểu khác không tham gia tranh luận nhưng cũng chắt lọc được vấn đề mà mình cần phải có chính kiến. Chất lượng kỳ họp sẽ tốt hơn”, đại biểu Quyết Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) góp ý, quy định phát biểu không quá 7 phút nhiều khi cứng nhắc quá. Đối với những phiên họp ít đại biểu đăng ký thì thời gian có thể kéo dài hơn 7 phút. Nhưng nếu trong phiên họp có rất nhiều đại biểu đăng ký thì các đại biểu Quốc hội cần có ý thức tự để bảo đảm cho các đại biểu khác có thời gian phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đồng ý chuyển sang Quốc hội tranh luận và nhấn mạnh về vai trò điều hành của chủ tọa phiên họp vì hiện nay đăng ký qua hệ thống điện tử không thể tranh luận được. Cần thiết kế hệ thống điện tử theo hướng chủ tọa yêu cầu tranh luận là có thể đăng ký để được mời tranh luận.