Kết quả cho thấy, trên tổng số 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng giống sắn trong nước đã thu được tám dòng/giống kháng bệnh khá, có năng suất và tinh bột vượt hơn 50 tấn/ha so với các giống đối chứng tốt nhất hiện trồng tại Tây Ninh là KM419 và KM140 có năng suất 44-48 tấn/ha.
Trong số các dòng giống đã đánh giá, có tám dòng giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá, gồm: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5; năng suất khá (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%). Đáng chú ý, có một dòng (C97) đạt cao ở cả ba chỉ tiêu: năng suất (54 tấn/ha), tinh bột (27,5%), kháng bệnh (100%).
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, đối với địa bàn thổ nhưỡng Tây Ninh, sắn là cây cực kỳ quan trọng. Sau nhiều nỗ lực khống chế và triển khai các mô hình phòng chống, nhưng kết quả không thể kiểm soát được sự lây lan của virus khảm lá. Vì vậy việc tìm ra được các dòng giống kháng bệnh mà vẫn cho năng suất cao là thông tin rất mừng của nông dân các tỉnh thành, trong đó có Tây Ninh.
Như Báo Nhân Dân đã có bài phản ánh, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá của cả nước là 53.886 ha (tăng 9.792 ha so với cùng kỳ năm 2019); 7.906 ha nhiễm nặng; đã phòng trừ tác nhân truyền bệnh trên diện tích 1.747 ha. Bệnh đang gây hại tại các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Nếu không kịp thời có các giống sắn kháng bệnh thay thế, thiệt hại cho người trồng sẽ rất lớn.