Sáng sớm 16/9, phóng viên Nhân Dân điện tử đến làng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải. Vừa chạy xe máy lên con dốc cao đầu làng, ngược hướng mặt trời mọc và chiều gió thổi thốc lên từ biển, đã nghe hương vị cá hấp thơm lừng từ các cơ sở hấp cá lan tỏa rộng cả vùng.
Tạt vào những lò đang hấp cá cơm, cá nục tươi, không khí lao động rất khẩn trương. Các chủ lò hấp cá luôn nhắc người lao động đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đúng quy định để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian làm việc. Mỗi người một việc, nhịp nhàng từ các công đoạn từ rửa cá, cân cá, chọn cá cùng kích cỡ…. cho vào lò hấp để cho ra những mẻ cá hấp chín thơm ngon.
Trong làng, khi tàu, thuyền cập vào cảng cá Mỹ Tân với đầy ắp hàng trăm giỏ cá cơm, cá nục tươi vừa đánh bắt được, hàng chục lao động biển nhanh chóng khuân vác cá lên các xe máy, xe ba gát… chở cá tươi đến cung ứng cho các chủ lò.
Trao đổi với phóng viên tại cơ sở hấp cá, anh Lê Thành Đạo, thôn Mỹ Tân 2, chia sẻ: “Tôi hành nghề 30 năm, để bảo đảm công nhân làm việc không mắc dịch Covid-19, cơ sở đã nhắc nhở mọi người phải tuân thủ 5K trong suốt thời gian sản xuất. Người lao động đều tuân thủ, nên rất an tâm”.
Hấp cá trải qua các quy trình nghiêm ngặt thì mới bảo đảm chất lượng. Chủ các lò hấp phải đến tận cảng cá, chọn mua cá tươi từ các tàu, thuyền cập cảng. Sau khi vận chuyển cá về cơ sở là đưa vào các bể chứa có lượng muối nhất định để ướp cho cá giữ độ tươi.
Tiếp đến là chọn cá cùng kích cỡ rồi trải đều lên từng chiếc vỉ đựng được đóng khung nẹp bằng gỗ theo hình vuông hoặc hình chữ nhật có kích thước khoảng 0,6-0,8m, phần giữa khung là tấm lưới làm bằng kẽm, mắc lưới nhỏ để làm màng vỉ (kích thước của vỉ cá lớn hay nhỏ tùy thuộc diện tích các lò hấp).
Kế đó, công nhân đưa từng vỉ đúng kỹ thuật nhúng vào các lò hấp lớn đang đun nước sôi sùng sục có pha muối theo tỷ lệ nhất định trong thời gian từ 10-15 phút, để khi cá chín, nhấc vỉ lên, toàn bộ cá trên vỉ vẫn giữ nguyên vẹn kích cỡ, màu sắc đẹp, sau đó đưa các vỉ cá phơi nắng khoảng 3 giờ, để cho cá hấp chín tăng thêm hương thơm, rồi mới đóng gói sản phẩm hoàn thiện.
Mỗi ngày, các cơ sở có thể hấp hàng chục tấn cá cơm, cá nục tươi. Từ tháng 7 đến nay là vụ chính, sản lượng cá nhiều nên các cơ sở hấp cá hoạt động cả ngày lẫn đêm mới đáp ứng được.
Anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Hằng ngày, cơ sở của tôi luôn có 40 nhân công làm việc mới kịp tiến độ. Mùa trước, với giá 50 nghìn đồng/kg cá cơm và 40 nghìn đồng/kg cá nục, sau mùa vụ, lãi ròng vài trăm triệu đồng. Nay, do dịch Covid-19 kéo dài, không vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh, thành phố khác được, đồng thời giá cá cơm giảm xuống còn 40 nghìn đồng/kg, cá nục 32 nghìn đồng/kg, nên các chủ lò hấp đang để sản phẩm trong kho bảo dưỡng, hễ hết giãn cách xã hội là cung ứng ngay cho thị trường”.
Trúng mùa, các cơ sở hấp cá ở Mỹ Tân giải quyết việc làm và thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày cho hàng trăm lao động tại chỗ và các vùng lân cận. Riêng những người dùng xe ba gác máy để vận chuyển cá từ cảng cá Mỹ Tân đến lò hấp, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày.
Chị Lưỡng Thị Em, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tâm sự: “Dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, tại địa phương không có việc làm, hơn chục ngày qua, tôi phải thức dậy từ sáng sớm để chạy xe máy hơn 15km từ nhà vào làng hấp cá Mỹ Tân tìm việc và được nhận vào làm, tính tiền công 22 nghìn đồng/giờ. Hằng ngày, tôi làm 10 giờ. Nhờ đó mà tôi có tiền lo ăn uống, tiền điện, nước và mua sách, vở cho con đi học năm học mới”.
Hiện nay, mỗi cơ sở hấp cá tại xã Thanh Hải thu hút 30 - 60 lao động. Toàn xã có hơn 150 tàu, thuyền khai thác hải sản và 20 lò hấp cá. Từ tháng 3 đến nay các lò hấp cá nơi đây đã hấp gần 30 nghìn tấn cá.