Ðến nay, tổng số dự án thu hút vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Long An đạt 137 dự án, trong đó có 43 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (gồm 35 dự án đầu tư 371,43 triệu USD tại các KCN đã thành lập và tám dự án đầu tư 101,6 triệu USD tại các KCN chuẩn bị thành lập) và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước chiếm 1.487,2 tỷ đồng (gồm 52 dự án đang đầu tư 1.214,6 tỷ đồng và 47 dự án đã thuê đất đang làm thủ tục đầu tư ước tính 272,60 tỷ đồng). Tổng diện tích đất đã cho thuê lại tại các KCN của tỉnh là 324,85 ha, trong đó có 225,45 ha tại các KCN đã thành lập và 99,4 ha tại các khu công nghiệp chuẩn bị thành lập.
Nếu so 29.500 lao động đang làm việc tại các KCN tỉnh Long An với 180.000 lao động đang làm việc tại các KCN ở TP Hồ Chí Minh thì đây là một con số rất khiêm tốn. Nếu so 16 KCN của Long An với 14 KCN - KCX dựa trên tương quan lực lượng lao động thì dường như chưa tương xứng lắm. Long An hiện nay không phải là địa danh thu hút lao động nhập cư như TP Hồ Chí Minh; hơn nữa, theo thống kê của UBND tỉnh Long An, dân số trong vùng năm 2003 là 1.148.991 người, lực lượng lao động trong vùng hiện có khoảng 650.000 người, cho nên lượng lao động đang làm việc tại các KCN này chủ yếu là dân tại tỉnh.
Không thể phủ nhận tỉnh Long An có nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào nhằm cung ứng cho các KCN. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử phát triển tỉnh Long An, thì như các tỉnh khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, người dân có truyền thống về nông nghiệp. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế này, nhiều lao động tại các KCN tỉnh Long An vẫn chỉ mang tính chất là lao động làm thuê, chưa thỏa mãn những yêu cầu của người công nhân trong KCN hiện đại. Những người lao động có trình độ, có tay nghề, hầu như tập trung về những KCN đã hoàn thiện ở những thành phố lớn nhằm tìm kiếm những cơ hội phát triển cao hơn.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, khi đề cập những trở lực làm cho ÐBSCL phát triển ì ạch, đã thẳng thắn phát biểu ý kiến: "Nếu chúng ta can đảm nhìn thẳng vào thực tế thì sẽ thấy rằng ngoài thế mạnh về nông nghiệp và vị trí địa lý thì đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) không còn thế mạnh nào đáng kể!", Long An cũng không ngoại lệ. Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Long An có thể thấy là những đồng lúa xanh mát, những ruộng bắp ngô mơn mởn, những ruộng lạc (đậu phộng) bạt ngàn và những vườn dứa (thơm) bất tận... Nhưng đó không phải là những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài. Chiến lược của địa phương, thủ tục đầu tư, an ninh trật tự, nguồn nguyên liệu, giao thông thuận tiện và nhất là nguồn nhân lực mới chính là những yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm nhất. Hiện tại, so với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, sự đổi mới trong khâu quản lý và hỗ trợ đầu tư của Long An chưa thể so sánh được. Ngoài hạn chế về pháp lý thì nguyên nhân chính vẫn là do con người.
Long An có nguồn nông sản dồi dào, có sự bình ổn về chính trị, tạo được nền an ninh trật tự tốt để bảo đảm lao động thông suốt. Xét về chiến lược, thì trong website của tỉnh có ghi rõ:
Ðịnh hướng quan hệ phát triển không gian giữa TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm Long An; Xác định tính chất và quy mô các khu công nghiệp, các đô thị và khu dân cư tập trung của vùng tới năm 2020; Ðịnh hướng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước mưa, xử lý chất thải rắn, v.v. của vùng; Xác định các dự án ưu tiên tới năm 2010 nhằm tạo cơ sở cho vùng phát triển nhanh và bền vững.
Như vậy, về cơ bản, các cấp chính quyền tỉnh Long An đã xác định được những vấn đề chưa tốt của địa phương trong thu hút đầu tư cho các KCN. Tuy vậy, vấn đề then chốt là nguồn nhân lực chưa được bàn thảo đúng mức, mặc dù đây là điểm yếu chung của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với số lượng các KCN đã hình thành, số lượng các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, số lượng lao động đã báo cáo như trên, có thể nêu ra viễn cảnh một tỉnh công nghiệp hóa sầm uất. Thế nhưng thực tế có thể thấy các KCN ở Long An kém các KCN ở TP Hồ Chí Minh cả diện tích lẫn tầm vóc của từng doanh nghiệp. Long An không có những khu lưu trú tập trung, không có những khu nhà công nhân như quanh các KCN - KCX ở TP Hồ Chí Minh. Vì hầu như người lao động là dân trong tỉnh, rất ít người lao động nhập cư từ các tỉnh hay các vùng miền khác. Xét trên một khía cạnh khác, thì có thể nói là tỉnh Long An chưa có chính sách hấp dẫn thu hút nguồn lao động (cả chất lượng cao lẫn chưa cao) từ những địa bàn chung quanh.
Như đã nói, nguồn nhân lực nội tỉnh cung cấp cho các KCN được chuyển đổi từ nghề nông. Tay nghề, tác phong, kỷ luật... đều chưa xứng yêu cầu của người công nhân thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Một thế hệ trẻ có tri thức, có bản lĩnh, thì ít khi trở về phục vụ tại địa phương mà chọn giải pháp bám trụ ở những thành phố lớn. "Chảy máu chất xám" là tình trạng chung của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Bến Tre đã kịp thời đưa ra những chính sách bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài và thu hút người giỏi về địa phương một cách nhanh chóng, hiệu quả, mà rất nhiều địa phương khác không (hoặc chưa) dám làm.
Người giỏi ở đâu cũng có. Vấn đề là làm thế nào để những người giỏi ấy phục vụ cho chúng ta, mới là quan trọng. Ðiều này, ngoài quan điểm cá nhân, thì chính chủ trương, chính sách đãi ngộ, cả cách thức quản lý của địa phương là nhân tố hết sức quan trọng. Tạo ra một môi trường thân thiện, tôn trọng ý kiến tham gia xây dựng của cán bộ cấp dưới, của các chuyên gia, của người dân... là một trong những phương thức hiệu quả nhất tác động đến quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người dân, người lao động trong địa phương.
Ông Phan Thành Phi (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Quản lý các KCN Long An cho rằng: Vấn đề quan trọng thứ ba trong phát triển các KCN tỉnh Long An là xây dựng và phát triển "nguồn nhân lực chuyên nghiệp và chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực: từ quản lý nhà nước cho đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng và phát triển công nghệ vào thực tiễn".
LÀM thế nào để hiện thực hóa chiến lược đó? Thực tế, trả lời cho câu hỏi này, ai cũng giao trọng trách cho ngành giáo dục và đào tạo. Ðúng là giáo dục và đào tạo giữ vai trò quan trọng trong cung cấp tri thức, đào tạo tay nghề và hình thành nhân cách cho từng cá nhân. Tuy nhiên, để thu hút người lao động giỏi phục vụ cho địa phương, tự nguyện gắn bó lâu dài với địa phương, thì lại là vấn đề thuộc về cơ chế chính sách đầu tư, đào tạo sử dụng nguồn lao động có hiệu quả; khuyến khích họ hăng say sản xuất, gắn bó với công việc, với sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
TÔN NGUYỄN TƯỜNG VÂN
(Viện Nghiên cứu Xã hội, TP Hồ Chí Minh)