Tiến sĩ Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học, chủ nhiệm đề tài cho biết, từ năm 2012, bà và cộng sự tập trung nghiên cứu và ứng dụng các vi sinh vật tạo màng sinh học nhằm xử lý ô nhiễm môi trường như xử lý ô nhiễm dầu, ô nhiễm ni-tơ trong nuôi trồng thủy sản…
Quá trình nghiên cứu đã tìm ra được các chủng vi sinh vật có khả năng tạo màng sinh học và có thể sử dụng các thành phần hydrocarbon có trong dầu mỏ làm nguồn carbon và năng lượng duy nhất cho quá trình sinh trưởng. Nhóm tác giả cũng nghiên cứu về các vật liệu mang vi sinh vật như mút xốp, xơ dừa, sỏi nhẹ, giấy… để giúp các vi sinh vật duy trì lâu dài hơn trong các hệ thống xử lý và tăng cường hiệu quả xử lý, giảm thời gian lưu. Từ các nghiên cứu này, nhận thấy chất mang gắn vi sinh vật tạo màng sinh học đã làm cho hiệu quả của các quá trình xử lý tăng lên rõ rệt.
Từ nghiên cứu ban đầu, nhóm tiếp tục phát triển sản phẩm bằng cách sử dụng than sinh học (biochar) từ trấu làm chất mang vi sinh vật. Than sinh học có nguồn gốc từ trấu đã được chứng minh là có cấu trúc bề mặt với nhiều lỗ rỗng và có độ xốp cao, nên hấp phụ dầu tốt hơn. Bên cạnh đó, với cấu trúc vật lý này, các vi sinh vật dễ dàng tạo màng sinh học và tạo thành các ổ sinh thái trên các lỗ của than sinh học. Đồng thời, than sinh học từ trấu có giá thành rẻ và rất sẵn có ở Việt Nam, cho nên chi phí sản xuất thấp.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, khi sự cố tràn dầu xảy ra trên biển, các công ty xử lý môi trường thường sử dụng ngay biện pháp dùng phao quây dầu rồi dùng đến các biện pháp hóa học để hạn chế những thành phần của dầu mỏ tan, tràn ra môi trường. Các phương pháp vật lý và hóa học rất hiệu quả, nhanh, cơ động đặc biệt với dầu thô.
Tuy nhiên, đối với biện pháp vật lý chỉ thu gom lại chứ không bảo đảm được các thành phần trong dầu tràn ra ngoài. Biện pháp hóa học thì chuyển từ dạng hợp chất này sang dạng hợp chất khác mà các hợp chất đó chưa hẳn an toàn cho hệ sinh thái. Điểm khác biệt của chế phẩm này với các sản phẩm hóa học và sinh học đang có trên thị trường là sự kết hợp của cả ba phương pháp vật lý (cơ chế hấp phụ), hóa học (sự chuyển hóa các chất) và sinh học (sử dụng vi sinh và giá thể sinh học, không gây ô nhiễm môi trường) để bảo vệ hệ sinh thái trước ô nhiễm dầu. Sản phẩm này có thể sử dụng cả ở môi trường đất và nước, vì vậy, có tính ứng dụng khá cao.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm chế phẩm này tại Kho xăng dầu Đỗ Xá (Hà Nội) và cho kết quả xử lý ô nhiễm dầu chỉ trong vòng 14 ngày (các phương pháp khác mất 30 ngày), giảm 30% chi phí xử lý so với các phương pháp khác. Nước thải nhiễm dầu sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học đã loại bỏ hơn 95% thành phần hydrocarbon có trong nước thải, nước thu được đạt loại B QCVN 29:2010/BTNMT. Quy trình sản xuất chế phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích.
Ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch An Việt Group, đại diện doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ cho biết, đã tìm hiểu công nghệ này và tiến hành thử nghiệm sản phẩm của nhóm nghiên cứu. Kết quả an toàn, hiệu quả rất tốt trong việc xử lý các vùng, các nơi bị ô nhiễm xăng, dầu mà trước đây dùng các biện pháp khác rất phức tạp và tốn kém.
Ông Nam cho biết, sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp nhận kết quả nghiên cứu để có thể nắm vững và làm chủ công nghệ, tiến tới áp dụng sản xuất quy mô công nghiệp. Phía Viện Công nghệ sinh học hỗ trợ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật tham gia hướng dẫn để bên tiếp nhận công nghệ thực hiện được các khâu kỹ thuật, cũng như các công việc liên quan triển khai Giải pháp hữu ích sau khi công ty làm việc và thống nhất với nhóm tác giả và chuyên gia kỹ thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, việc hợp tác giữa hai đơn vị về việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp Giải pháp hữu ích sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chế phẩm xử lý xăng, dầu ra thị trường, khẳng định khả năng thương mại các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng và giải quyết một cách hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học tại đơn vị, tạo động lực để các nhà khoa học thêm nhiệt huyết, hứng khởi để đạt những dấu ấn mới trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển các công trình khoa học của mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên việc nghiên cứu chuyển giao được thực hiện bài bản, nhà khoa học xuất phát từ nghiên cứu, biến tri thức trở thành tài sản sau đó chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhân rộng sản phẩm.
Việc chuyển giao công nghệ này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết hiện trạng đang tồn tại về xử lý đất và nước bị ô nhiễm dầu, mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tập huấn, hướng dẫn chuyên gia kỹ thuật để nắm bắt và làm chủ công nghệ tại doanh nghiệp, qua đó giúp cho kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhanh chóng được ứng dụng trong thực tiễn.