Chuyên gia nghi ngại về đường ống khí hydro xanh đầu tiên của châu Âu

Được mô tả là hành lang hydro xanh đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU), dự án H2Med được đề xuất tháng 10/2022 giữa Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án H2Med được đề xuất tháng 10/2022 giữa Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. (Nguồn: Renewables Now)
Dự án H2Med được đề xuất tháng 10/2022 giữa Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. (Nguồn: Renewables Now)

Việc Đức quyết định hợp tác với Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha trong dự án H2Med nhằm xây dựng một đường ống dưới lòng biển để vận chuyển khí hydro xanh giữa thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) và thành phố Marseille (Pháp) sẽ giúp kế hoạch này trở nên khả thi hơn, tuy nhiên theo một chuyên gia của đại học Pompeu Fabra ở Barcelona, kế hoạch này vẫn đứng trước nhiều nghi ngại.

Trả lời phỏng vấn báo giới, giáo sư Albert Banal-Estanol cho biết: “Khi dự án đi vào hoạt động, chúng ta có thể sản xuất đủ khí hydro cho tiêu dùng trong nước của Tây Ban Nha và cũng đủ để xuất khẩu sang Pháp và các nước châu Âu khác.

Nhưng hiện giờ chúng ta không thể biết liệu khí hydro sẽ có giá cạnh tranh không, hay liệu khí này sẽ được sử dụng trên quy mô lớn hay không và vì vậy dự án vẫn có tính rủi ro cao”.

Được mô tả là hành lang hydro xanh đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU), dự án H2Med được đề xuất tháng 10/2022 giữa Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tiền thân của H2Med là dự án đường dẫn khí đốt MidCat qua dãy núi Pyrenees. Dự án này đã bị bỏ rơi từ năm 2019 vì các vấn đề lợi nhuận. Đức đã thông báo ý định gia nhập dự án H2Med vào ngày 22/1, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Elysee giữa hai nước.

Các quan chức Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ước tính việc xây dựng đường ống mới sẽ tốn 2,5 tỷ euro và đến năm 2030, đường ống sẽ vận chuyển 2 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, tức 10% nhu cầu hydro của toàn EU.

Tuy nhiên, Giáo sư Banal-Estanol cho biết hiện có rất ít chi tiết về đường ống H2Med được công khai và còn nhiều nghi ngại và câu hỏi chưa được trả lời về dự án hydro xanh này, như việc ai sẽ là người cuối cùng phải trả tiền cho dự án.

Giáo sư Banal-Estanol nói: “Một câu hỏi quan trọng là liệu EU sẽ đóng góp 50% vốn hay không và ai sẽ trả phần còn lại, các công ty, các quốc gia hay người tiêu dùng. Tất cả các dự án khí tự nhiên lớn ở Tây Ban Nha từ trước tới nay đều do người đóng thuế trả”.

Tuy nhiên, theo giáo sư, việc Đức quyết định tham gia dự án sẽ khiến vấn đề chi phí được rõ ràng hơn, bởi “sự ủng hộ của Đức nhiều khả năng sẽ giúp đường ống này được xếp vào loại dự án có lợi cho EU và vì thế sẽ được nhận tiền tài trợ từ EU”.

Giáo sư Banal-Estanol cũng cho biết thêm rằng, dự án đường ống trên là một phần của kịch bản địa chính trị lớn hơn và lâu dài hơn trong lòng châu Âu và tương lai của dự án phụ thuộc vào quan hệ giữa Pháp và Đức.