Chuyển động Ba Tơ

Ngọn lửa tinh thần của Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn bừng sáng. Ngày nay, huyện miền núi Ba Tơ đang đổi thay với những gam màu tươi sáng. Đồng bào đã bỏ hẳn cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy để sống tập trung và đầu tư phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Dây chuyền sản xuất Nhà máy xẻ đá và tạo hình tại cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Dây chuyền sản xuất Nhà máy xẻ đá và tạo hình tại cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945), nay là một đô thị miền núi sầm uất. Ở cửa ngõ phía đông vào thị trấn Ba Tơ, đường giao thông được mở rộng. Phía tây nam, cầu sông Liên đã nối nhịp đôi bờ. Khu vực quảng trường, nghĩa trang liệt sĩ được tu bổ, nâng cấp. Nhiều tuyến đường nội thị được mở rộng, hai bên bờ suối Tài Năng được kè kiên cố, tạo điểm nhấn cho thị trấn vùng cao. Huyện đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào sản xuất lúa nước, đầu tư trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng keo.

Từ trung tâm huyện lỵ, theo đường bê-tông, thảm nhựa về các xã của huyện là hình ảnh bạt ngàn mầu xanh của mía, keo lai. Những cánh đồng nằm dưới các sườn đồi lúa nước đang thì con gái xanh tươi. Những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê được xây mới khang trang nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống. Trước đây, rừng che bộ đội để làm nên những chiến thắng, thì hôm nay, những cánh rừng này lại nuôi sống đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ.

Năm 2016, người dân Ba Tơ giàu lên nhờ cây keo lai. Ba Tơ là nơi có diện tích rừng sản xuất lớn nhất tỉnh và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong hơn 40 nghìn ha mà đồng bào Hrê được cấp sổ đỏ, đã có 37 nghìn ha được phủ keo lai. Bình quân mỗi héc-ta keo lai cho khoảng 190 tấn, giá 720 nghìn đồng/tấn. Đây không phải là phép tính trên giấy mà suốt hơn 12 năm qua, kể từ khi cây keo lai có mặt tại Ba Tơ, hàng trăm ngôi nhà khang trang đã dần thay cho những ngôi nhà sàn xập xệ của người Hrê. Dĩ nhiên, trồng rừng, chăn nuôi chỉ là một mảng để Ba Tơ rũ bỏ “chiếc áo” đói nghèo của mình. Đồng bào Hrê lâu nay vẫn xem con trâu là vật tế thần trong những ngày đại lễ của dân tộc mình. Thế nhưng, hàng nghìn con trâu ở Ba Tơ hiện đã thành sản phẩm hàng hóa hái ra tiền tỷ. Huyện đã hình thành một số cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư có hiệu quả. Ba Tơ như càng được tiếp thêm nội lực khi được công nhận là an toàn khu. Hành trình phát triển cần có thời gian trong khi kinh phí thì có hạn, Ba Tơ cần làm hết sức mình để thành điểm du lịch xứng tầm với an toàn khu đầu tiên ở Nam Trung Bộ, đưa mảnh đất có truyền thống cách mạng này phát triển mạnh hơn nữa. Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, đường nhựa thông suốt từ huyện về đến xã. Quốc lộ 24 được mở rộng, thông thoáng, tạo động lực to lớn thu hút đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Người dân nơi đây đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống chợ nông thôn, thương mại tiếp tục duy trì, hoạt động có hiệu quả.

Cách đây 72 năm, Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc của nhân dân ta. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Võ Thành An nhấn mạnh: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc Ba Tơ đã vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên giành nhiều thành tựu quan trọng trong đấu tranh, giải phóng quê hương. Đặc biệt, từ ngày đất nước đổi mới đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn quyết tâm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo...".

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đã đạt nhiều thành tích cao, với tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng; chất lượng giáo dục từng bước có chuyển biến tích cực. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2007 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2008. Việc xây dựng quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng. Toàn huyện có 2.157 hộ có cồng chiêng, tổng số lượng cồng chiêng là 2.298 bộ, các loại đàn như: Talía, Ra-Ngói, Proóc, Karâu, Chinh ba, Rađong, Chinhkala; dệt vải thổ cẩm ở Làng Teng, Ba Thành đang được bà con gìn giữ và phát huy. Mạng lưới y tế thường xuyên được củng cố, tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm... Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có sự thống nhất cao từ huyện đến cơ sở.

Ba Tơ đã hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới), được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Hiện nay, Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy thành quả cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra. 72 năm đã trôi qua, nhưng Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ vẫn bừng sáng, đã và đang tạo động lực mới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.