Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế

NDO -

Chiều 11/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diên đàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diên đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, nhân Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (12/12), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nồng nhiệt chúc mừng cộng đồng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%.

Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số tăng lên. 

Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số...

Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm tại Diễn đàn.

Phiên buổi chiều của Diễn đàn có chủ đề: Doanh nghiệp công nghệ số giải bài toán chuyển đổi số quốc gia. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trình bày tham luận như: Viettel tự chủ trong nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông phục vụ xây dựng hạ tầng số quốc gia; xây dựng nền tảng số quốc gia cho phát triển toàn diện lĩnh vực logistics - "mạch máu" của nền kinh tế; An toàn trên môi trường số - Nền móng của kinh tế số và xã hội số; "Đại học số" - Con đường phát triển nhân lực số cho Việt Nam...

Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra Lễ công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021". Đây là năm thứ 2 Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Giải thưởng năm 2021 bao gồm 5 hạng mục là Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc, Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng. 

Các sản phẩm Make in Viet Nam đạt giải chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một Quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.

Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Trần Hải). 

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp công nghệ số và toàn thể đại biểu lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần, chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế toàn cầu, cho nên phải được đặt trong tổng thể toàn cầu, phải có cách tiếp cận toàn cầu, phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi. Chúng ta phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể là mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp. Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. Chúng ta phải tự lực tự cường vươn lên với phương châm nguồn lực bên trong là chiến lược lâu dài cơ bản quyết định, nguồn lực bên ngoài quan trọng và đột phá. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, chuyển đổi số phải tham gia đóng góp vào thúc đẩy phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bền vững; tham gia vào phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Chuyển đổi số phục vụ cho chống biến đổi khí hậu; khắc phục cạn kiệt tài nguyên; phục vụ chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, năng lượng sạch; phục vụ từ làm việc, học tập trực tiếp sang trực tuyến, kếp hợp cả trực tiếp và trực tuyến; khắc phục già hóa dân số; phục vụ cho cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng.

Nhấn mạnh cần tránh 2 khuynh hướng nóng vội và cầu toàn, Thủ tướng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, doanh nghiệp. Đề ra đường lối chủ trương trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Hình thành thể chế phù hợp; thể chế cũng cần phải được tháo gỡ các vấn đề từ thực tiễn; thể chế không thể nào “phủ hết” góc cạnh của cuộc sống, còn có khoảng trống, cho nên phải linh hoạt xử lý nhưng phải bảo đảm tuân thủ pháp luật. Điều quan trọng là phát hiện kịp thời các bất cập để điều chỉnh; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó. 

Tăng cường quản lý nhà nước, phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phải đề ra chương trình, kế hoạch, xây dựng thể chế, tạo ra nguồn lực, cơ chế, chính sách, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; phải tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Cần có sự tương tác, hợp tác, tôn trọng, hiểu biết, chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau. Phát triển nguồn nhân lực và tài chính số. Có Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số mà không có công dân số thì không thành công, không phát triển được. 

Chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng sáng tạo, có kế thừa, đổi mới. Sáng tạo không tự nhiên mà đến, phải đổi mới để phát triển. Đổi mới sáng tạo có động lực từ khó khăn, thách thức, đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình. Phát triển hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, quản trị số. Chúng ta có nhiều dữ liệu, nền tảng nhưng không kết nối được với nhau. Dữ liệu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dữ liệu phải được tích lũy, tập hợp, lưu trữ, khai thác hiệu quả. 

Chúng ta phải phát triển cơ sở dữ liệu liên quan phát triển văn hóa; có dữ liệu liên quan tích hợp truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc, các danh lam thắng cảnh, di sản..., từ đó mới thực hiện được chủ trương của Đảng phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, tích tụ ruộng đất, logistics, giáo dục đào tạo... 

Chúc mừng các doanh nghiệp đạt giải thưởng tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã nỗ lực cao, tư tưởng thông, quyết tâm cao thì vấn đề quan trọng là hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, đạt hiệu quả, góp phần giúp cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc, đất nước hùng cường và thịnh vượng.