Chuyển dịch cây trồng ở Ngọc Lặc

Nhằm bảo tồn, phục tráng giống lúa bản địa đặc sản, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phối hợp Trạm khuyến nông huyện thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển giống lúa nếp hạt cau" quy mô 13 ha ở xã Thạch Lập.

Nông dân xã Cao Thịnh chăm sóc dứa trồng xen cây cao-su.
Nông dân xã Cao Thịnh chăm sóc dứa trồng xen cây cao-su.

Trong thời gian thử nghiệm trồng, huyện hỗ trợ kinh phí cho nông hộ chọn giống, làm mạ, gieo cấy, mua phân bón chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp cho lúa.

Mức đầu tư cho chăm bón giống lúa nếp hạt cau chỉ 20 tạ phân chuồng, 200 kg phân NPK nhưng năng suất lúa đạt 41 tạ/ha, lúa nếp ngoài mô hình đạt 32 tạ/ha, tăng thêm 14 triệu đồng/ha. Điều ghi nhận là nông dân thấy rõ lợi ích nên đã thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; chú trọng giữ gìn gien giống lúa quý, bảo tồn di sản vật thể đặc trưng ở vùng Mường Ngọc Lặc; nhân rộng sản xuất lúa hàng hóa đặc sản nhằm nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn miền núi.

Huyện Ngọc Lặc có hơn 15.730 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 5.000 ha đất lúa, hơn 6.600 ha cây trồng hằng năm. Phần lớn nông dân trong huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa. Dù vậy, hoạt động này còn mang tính tự phát, chưa đồng bộ, phát huy sản phẩm chủ lực ở mỗi vùng. Cùng với việc bảo lưu, phục tráng giống lúa nếp bản địa, huyện Ngọc Lặc xây dựng, triển khai đề án đổi mới cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ nhằm khai thác lợi thế so sánh mỗi vùng, sử dụng quỹ đất hiệu quả. Huyện phấn đấu gieo cấy lúa lai trên 60% diện tích vụ chiêm xuân, 30% diện tích lúa mùa; tổ chức sản xuất vụ đông trên 1.000 ha đất hai lúa, chuyển 600 ha sang cấy một vụ lúa, hai vụ màu; giảm dần diện tích ngô đứng chân trên đất lâm nghiệp, chuyển diện tích mía đứng trên đất dốc 15 o đến dưới 25 o sang trồng cây lâm nghiệp; mở rộng vùng trồng sắn lên hơn 2.000 ha, trong đó 90% diện tích trồng giống sắn mới.

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về đổi mới cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác đến nông hộ, huyện Ngọc Lặc còn tổ chức trình diễn, cung ứng các loại giống cây trồng chất lượng tốt cho nông dân. Năm đầu thực hiện đề án, huyện hỗ trợ lãi suất ba tháng vốn vay ngân hàng để nông dân mua giống, cấy lúa lai. Xã nào canh tác ba vụ, quy mô tập trung từ 5 ha trở lên được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha. Cùng với định hướng sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí nâng cấp các phai, đập nhỏ, Ngọc Lặc tiếp tục thực hiện chính sách kích cầu, huy động nguồn lực trong nhân dân đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới khuyến nông viên; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một ha canh tác.

Ở xã Cao Thịnh, sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng sử dụng đất đai manh mún, cấp ủy, chính quyền xã quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng theo vùng thổ nhưỡng, khuyến khích nông hộ tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Theo đó, vùng đất bãi trồng dứa theo phương pháp che phủ ni-lông cho giá trị thu nhập từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm. Các giống lúa năng suất, chất lượng cao cũng được du nhập, gieo trồng trên 160 ha, cho năng suất 55 tạ/ha. Đây cũng là xã đi đầu trồng mía bầu, ứng dụng công nghệ I-xra-en tưới thấm nước nhỏ giọt nên năng suất mía đạt hơn 100 tấn/ha. Dù vậy, nông dân vẫn chuyển 80 ha sang trồng cây cao-su kết hợp trồng xen dứa bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên địa bàn xã hiện có 120 ha mía, 80 ha dứa, 70 ha sắn được "bao tiêu" ngay khi chưa thu hoạch.

Ông Lê Bá Đệ từng làm công nhân, thu nhập từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng, nhưng ông quyết định về quê đầu tư cải tạo đất đai, trồng 3 ha cao-su. Bước đầu ông Đệ tự tìm tòi, học hỏi từ thực tiễn, và học hỏi cán bộ khuyến nông huyện, xã về chăm bón cho cây trồng trên vùng đất chậm khoán... Nhờ đó, cây đã phát triển tốt. Cán bộ khuyến nông xã Cao Thịnh, chị Lê Thị Loan cho biết: Cấp ủy, chính quyền quan tâm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã công tác; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, chung sức phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.