Chuyện dạy, học ở Trường Sa

Điều ấn tượng nhất ở Trường Sa là tình người giữa biển khơi mênh mông. Đó không chỉ là tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân mà còn là tình cảm thầy trò vượt qua những khó khăn để con chữ nảy nở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Giờ dạy ghép lớp mầm non và tiểu học của thầy giáo Đồng Minh Hiệp, Trường tiểu học thị trấn Trường Sa.
Giờ dạy ghép lớp mầm non và tiểu học của thầy giáo Đồng Minh Hiệp, Trường tiểu học thị trấn Trường Sa.

Ca khúc Quê em ở Trường Sa vang lên từ tiếng hát của những học sinh các trường ngoài đảo: "Quê em ở Trường Sa những đảo chìm, đảo nổi; quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la, sinh ra ở Trường Sa em là con của biển…" khiến không ai muốn rời bước. Thầy giáo Phạm Trung Việt, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Trường Sa cho biết, cái khó trong dạy học ở đảo xa là giao tiếp của học sinh và khả năng hiểu biết về tự nhiên, xã hội còn hạn chế; các lớp học đều là lớp ghép… Tuy nhiên, điều thú vị là khi dạy học ngoài đảo, các em vừa là học sinh vừa như là con cháu trong nhà. Bởi vì sau khi tan học, học sinh lại lên trường chơi, cho nên tình cảm, sự quan tâm của giáo viên dành cho các em nhiều hơn và nắm rõ tâm tư, tính cách, hoàn cảnh của từng em. Thầy giáo dạy liền từ lớp 1 đến lớp 5, đủ thời gian để biết rõ em nào mạnh, yếu những điểm gì để điều chỉnh cách dạy. Vì vậy, việc dạy học vẫn bảo đảm những kiến thức cơ bản theo chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nhất là áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) vào dạy học linh hoạt, không cứng nhắc, kích thích học sinh tự học nâng cao năng lực...

Lớp học do thầy giáo Ðồng Minh Hiệp chủ nhiệm là lớp ghép cả mầm non lẫn tiểu học. Giáo viên dạy mầm non là nam giới đã hiếm hoi, nhưng thầy Hiệp là giáo viên tiểu học lại đảm nhiệm luôn việc dạy các cháu mầm non trong lớp ghép. Với tình yêu thương học trò, thầy Hiệp vẫn nỗ lực vượt khó, vừa bảo đảm dạy tốt kiến thức văn hóa, vừa bảo đảm các hoạt động vui chơi cho cả học sinh tiểu học lẫn mầm non. Khi dạy một lớp vừa mầm non, vừa tiểu học, thầy giáo lồng ghép dạy hát, dạy vẽ chung. Khi nào dạy kiến thức văn hóa như Toán, Tiếng Việt… thì dạy riêng học sinh tiểu học và hướng dẫn các cháu mầm non tự tập tô. Dù không bằng được giáo viên chuyên về mầm non nhưng thầy Hiệp vẫn luôn cố gắng dạy các cháu mầm non những động tác múa, hát cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc trẻ trong giáo dục mầm non. Nhiều cháu mầm non quen nếp sống gia đình, còn hiếu động hay đòi về nhà, khóc không chịu ngồi trong lớp học. Khi đó, cùng với sự vỗ về, dỗ dành các cháu, nhiều khi thầy phải nhờ anh hoặc chị của các cháu đang học tiểu học cùng dỗ dành. Kết quả, dù lớp ghép cả mầm non và tiểu học nhưng học sinh đi vào nền nếp, bảo đảm nội dung kiến thức, kỹ năng. "Dạy lớp ghép đòi hỏi giáo viên phải biết cách phân bổ hợp lý cả nội dung và thời gian. Ðiều mừng là các cháu đều chăm ngoan, tích cực học tập, yêu thích hoạt động văn hóa múa, hát cho nên cũng thuận lợi khi tổ chức các hoạt động chung cho các cháu mầm non, tiểu học" - thầy Hiệp chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên Trường tiểu học Sinh Tồn tâm sự, giáo viên nơi biển đảo không chỉ nỗ lực dạy kiến thức tốt mà luôn đổi mới để học sinh học đi đôi với hành, ứng dụng vào thực tiễn, hình thành nên tình cảm, năng lực trong cuộc sống. Thí dụ, dạy một tiết tập đọc nói về biển đảo Tổ quốc, giáo viên sẽ xây dựng bài giảng để tuyên truyền cho học sinh những gì thực tế nhất ở biển đảo, giúp các em hiểu về chủ quyền, thêm yêu nơi mình đang sinh sống. Em Võ Thanh Thạch, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Sinh Tồn cho biết, rất vui mỗi khi đến lớp, mặc dù học hai buổi/ngày nhưng những thời gian rảnh vẫn qua chơi trên trường, được thầy hướng dẫn các trò chơi, chỉ bảo kiến thức nên rất vui. "Ở trường với thầy cũng giống như ở nhà con vậy" - Thạch cho biết. Bởi vậy, khi được hỏi, Thạch vui vẻ trả lời "Ước mơ sau này khi trưởng thành sẽ là thầy giáo hoặc chú bộ đội hải quân trên đảo".

Theo đại tá Ngô Duy Ðỗ, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 (Ðoàn Trường Sa), Hải quân Vùng 4, cơ sở vật chất trường lớp học trên các đảo khá bảo đảm nhưng việc dạy và học nơi biển đảo xa xôi vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Mặc dù vậy, các thầy giáo trên đảo đều nỗ lực tận tụy vì học sinh. Ðáng chú ý, ngoài các thầy giáo, nhiều cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu sư phạm hoặc từng là sinh viên sư phạm trước khi nhập ngũ cũng phối hợp để dạy bổ trợ các môn cho học sinh theo khả năng của mình. Vì vậy, những năm gần đây, việc dạy và học ở Trường Sa đã có những thay đổi đáng kể.