Ðó là bức chân dung đầu tiên về Bác, được đăng trên báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân), tháng 12-1948. Tác giả bức vẽ ấy là họa sĩ Phan Kế An.
Chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ, đen bóng màu thời gian, dẫn chúng tôi lên căn gác nhỏ trong ngõ phố Thợ Nhuộm (Hà Nội). Ở tuổi 90, lại mắc bệnh tim, khiến sức khỏe của họa sĩ Phan Kế An không tốt. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những kỷ niệm khi ông sống và làm việc ở vùng an toàn khu Việt Bắc, nhất là thời gian được nhận nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ, dường như ông khỏe khoắn lên nhiều.
Từ một công tử, con trai quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại của Chính phủ Trần Trọng Kim (sau Cách mạng Tháng Tám, ông Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Phan Kế An đã trở thành một chiến sĩ Việt Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông là tác giả của các tác phẩm hội họa nổi tiếng: Nhớ một chiều Tây Bắc, Gặt ở Việt Bắc, Những đồi cọ, Bác Hồ làm việc tại lán Nà Lừa, Hà Nội tháng 12-1972, Cánh đồng bản Bắc... và hàng loạt tranh biếm họa chính trị với bút danh Phan Kích - minh chứng cho thời kỳ kháng chiến giữ nước hào hùng của dân tộc. Trong sự nghiệp hội họa của ông, chủ đề Bác Hồ như mạch nguồn chảy mãi. Giới thiệu với chúng tôi bức ký họa Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chính Người lựa chọn để đăng trên báo Sự Thật, họa sĩ Phan Kế An bồi hồi kể lại: 'Hôm ấy là một ngày cuối thu năm 1948, đồng chí Trường Chinh nhắn tôi đến và bảo: Ngày mai anh đến chỗ Cụ, anh ở bao lâu tùy anh, anh vẽ bằng chất liệu gì cũng được, nhưng thế nào cũng phải có một bức để in báo. Nhận nhiệm vụ, tôi vừa vui, vừa lo lắng'. Hôm sau, ông đi ngựa theo đường mòn qua Ðèo De, lên Khuôn Tát (Ðịnh Hóa, Thái Nguyên). Ðến trạm liên lạc, được đồng chí phụ trách chỉ đường đến nơi Bác ở và làm việc. Ði được chừng nửa đường, ông vô cùng cảm động khi trông thấy Bác ra đón mình. Bác mặc bộ quần áo nâu giản dị. Vừa gặp họa sĩ, Bác bắt tay, ôm vai, thân mật hỏi thăm sức khỏe, hỏi chuyện đi đường có vất vả không. Rồi Bác dẫn đến một cái lán lớn, giới thiệu với từng người và lên nhà sàn Bác ở. Trong nhà sàn tre nứa, chỉ có bộ bàn ghế tre, một chiếc máy chữ, chiếc phích nước treo trên cột và một vài vật dụng nhỏ... 'Bác bảo tôi: An ở đây với mình, ở bao lâu cũng được, mình làm việc của mình, An làm việc của An. Cách Bác xưng hô thân tình dường như đã xóa đi khoảng cách giữa một lãnh tụ với một người trẻ tuổi, xua tan những lo lắng trong tôi'. Và họa sĩ đã được làm việc, được ăn cơm với Bác trong suốt ba tuần. Trong lúc Bác làm việc và di chuyển thường xuyên, ông luôn cố gắng tập trung để nắm được 'cái thần' khi vẽ Bác. Khoảng thời gian đó, ông đã vẽ được hơn 20 bức tốc họa và một bức vẽ kỹ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi chuẩn bị về cơ quan, họa sĩ Phan Kế An trình bày yêu cầu của tòa soạn, Bác bảo ông treo tất cả các bức tranh lên, và Bác đã chọn bức ký họa đơn sơ bằng bút sắt 'vì bức vẽ giản dị và có thần'.
Ðược ở gần Bác, thời gian dù ngắn nhưng người họa sĩ đã cảm nhận sâu sắc sự giản dị, và tình cảm yêu thương của Bác. Ông nhắc lại kỷ niệm một lần cùng tham gia đánh bóng chuyền với Bác và mọi người. Quả bóng lăn xuống chân đồi, ông định chạy theo thì Bác ngăn lại và bảo: 'An không thấy nứa nhọn lởm chởm thế kia à? Ðừng chạy, nguy hiểm lắm'. 'Sự ân cần của vị Chủ tịch nước gần gũi như tình cha con làm tôi hết sức cảm động và nhớ mãi'.
Kỷ niệm như vừa chỉ mới đây thôi, vậy mà đã 60 năm có lẻ. Suốt thời gian ấy, đề tài về Bác là mạch nguồn không bao giờ cạn trong sáng tác của họa sĩ Phan Kế An. Quan sát phòng làm việc của ông, chúng tôi nhận thấy một bức ảnh đen trắng, ghi lại hình ảnh họa sĩ Phan Kế An còn trẻ, tay cầm bảng vẽ, Bác Hồ đứng gần bên, đặt tay lên vai họa sĩ, cạnh đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt. Thấy tôi chăm chú, ông giải thích, hôm ấy đang vẽ Bác ngồi làm việc thì đồng chí Hoàng Quốc Việt đến, nên Bác dừng lại để nói chuyện với cả hai. Một anh phóng viên đi cùng đã chớp được khoảnh khắc đáng quý ấy... Chung quanh căn phòng, có nhiều bức chân dung về Bác, được vẽ bằng các chất liệu, trên nhiều khổ giấy, và phần lớn các bức vẽ, họa sĩ đều tạc chân dung Bác bằng trái tim và tình cảm kính yêu Người (vì sau lần đó, ông chỉ vẽ Bác qua trí tưởng tượng mà không được quan sát Người trực tiếp). Mới đây, ông trân trọng gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số bức chân dung Bác được ông nâng niu, gìn giữ suốt mấy thập kỷ, qua hai cuộc trường chinh kháng chiến.
Bước vào ngưỡng 'cửu thập', ông vẫn miệt mài ngồi bên giá vẽ những khi có thể, với mong muốn làm được hai việc. Ðó là chữa trị cho người bạn đời thủy chung bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, và in được một tập sách nghệ thuật của cả một đời sáng tác. Ðôi lúc, ông tự ngâm ngợi: 'Rúc còi, ga cuối hẳn gần thôi/ Soát lại hành trang, nhẹ quá trời/ ...Cả đời cầm cọ vì non nước/Tình riêng một mối những đầy vơi'.