Chuyến công tác xuyên Việt trong những ngày nóng bỏng

Giữa tháng 8-1945, thời điểm diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào, tại một cuộc họp ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Cần cử mấy đồng chí thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh đi kiểm tra tình hình khởi nghĩa các tỉnh dọc đường từ bắc vào nam… Là cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức quần chúng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Bác và Tổng bộ Việt Minh giao thực hiện nhiệm vụ này. Cuối cuộc họp, Bác dặn thêm: Phải có mặt ở Nam Bộ sớm ngày nào hay ngày ấy.

Nhận lệnh của Bác, đồng chí Hoàng Quốc Việt, lúc đó là Thường vụ T.Ư Đảng cùng đồng chí Cao Hồng Lĩnh, một cán bộ cao cấp của Đảng xuất phát ngay từ Thái Nguyên bằng đường sông. Thời điểm đó, nước sông lên to, thuyền vừa đi vừa cứu được một số đồng bào bị nước cuốn. Tới Yên Viên, nhìn lên đường cái, mọi người thấy một chiếc xe ô-tô cắm lá cờ đỏ sao vàng rất to, trên xe có nhiều người bắc loa lên miệng cùng hát bài: Diệt phát-xít, rồi bài Chiến sĩ ca. Giữa hai bài hát cách mạng là tin: A-lô, a-lô, lực lượng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo, từ bốn giờ chiều hôm nay đã làm chủ Hà Nội. Chính quyền Hà Nội đã hoàn toàn về tay ta.

Gặp được đồng chí, đồng đội, Đoàn công tác liền lên xe này về Hà Nội, đến đâu cũng thấy cờ đỏ và biểu ngữ rợp trời, sôi động. Xe đến Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, gặp đồng chí Nguyễn Khang, được nghe kể chuyện biến mít-tinh của Tổng hội công chức thành mít-tinh của ta. Rồi cuộc tuần hành có đến hàng nghìn người tham gia chiếm Bắc Bộ phủ, chiếm tòa Thị chính.

Để vào nam, cần tìm được chiếc xe ô-tô. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đi ra hồ Hoàn Kiếm và gặp hàng nghìn người tràn ra lòng đường. Chỉ thấy tiếng kính coong xe đạp. Từng đoàn tự vệ vũ trang vác súng, gậy đi rầm rập giữa lòng phố. Đến Bưu điện thì thấy một chiếc xe đít vịt kiểu Rơ-nôn nằm đó, phủ đầy bụi đường. Bác lái xe có cái trán hói ngồi trước vô-lăng, ngửa đầu ra sau, nhắm mắt, ngáy pho pho. Cả người lẫn xe đều mệt mỏi. Hóa ra, đó là chiếc xe chở nữ đồng chí Nguyễn Thị Thập, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ ra dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, đang trên đường trở về. Vậy là Đoàn công tác của T.Ư cùng lên xe tiến về phía nam.

Xe ra đến ngoại ô phải dừng lại liên tục để kiểm soát. Dân quân tự vệ canh gác dọc đường, chốc chốc lại vẫy tay hoặc tiến ra sát đường hỏi đi đâu và muốn xem giấy tờ. Mọi người đã có giấy của Tổng bộ Việt Minh cấp từ Tân Trào nên thuận lợi khởi hành. Dọc chiều dài đất nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt được gặp nhiều anh em, đồng chí. Nhiều người mới gặp lần đầu, nhưng cũng rất nhiều đồng chí từng biết nhau trong các nhà tù, ngoài Côn Đảo; gặp nhau là reo to những biệt danh tặng nhau trong nhà tù: Cuội, Búa, Bò rừng, Gà chọi… Biết bao kỷ niệm ùa về trong những cái ôm thật chặt. Đồng chí Cao Hồng Lĩnh đến Đà Nẵng thì được tin quê của ông là Hội An cũng thành lập xong chính quyền nhân dân. Anh em địa phương mời ông về dự mít-tinh với bà con quê hương. Song, nhớ lời Bác dặn lúc giao nhiệm vụ: Gấp rút vào nam không được kéo dài một buổi, cho nên ngay đêm đó, ông phải từ biệt các đồng chí tỉnh nhà để sáng hôm sau lên đường sớm.

Đến Phú Yên, Đoàn công tác phải dừng lại. Lúc đó, ở đây có hai tổ chức Việt Minh. Chủ trương cứu nước, điều lệ không khác nhau, các hội cứu quốc ở bên dưới là một, nhưng khi cướp xong chính quyền thì tự nhiên hình thành hai nhóm: Một Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc và một Việt Minh của Hồ Chí Minh. Lúc Đoàn công tác đến nơi thì hội nghị của hai bên đang tranh cãi quyết liệt. Đồng chí Cao Hồng Lĩnh ngồi nghe rồi vui vẻ giới thiệu với hội nghị: Đây là đồng chí Hoàng Quốc Việt, đại diện Tổng bộ Việt Minh của cả Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh. Xin để đồng chí ấy nói chuyện.

Hoàng Quốc Việt mới chỉ nói mươi câu đã thấy phòng họp bừng lên sôi nổi một không khí mới. Câu hỏi: “Hồ Chí Minh là ai?”, đã được trả lời. Anh em hai nhóm Việt Minh ôm nhau vui mừng, cảm động rơi nước mắt.

Một tuần sau khi rời Hà Nội, Đoàn vào đến Biên Hòa, địa đầu Nam Bộ. Vừa nghe bác tài reo lên “Đất Nam Kỳ rồi”, còn đang hồi hộp mừng thì gặp chuyện bất ngờ. Lúc đó, có một nhóm biệt kích Pháp vừa nhảy dù xuống rừng cao-su Biên Hòa thì bị quân ta bắt sống. Xe áp giải nhóm lính dù này vừa rẽ lên mặt đường thì gặp xe của Đoàn công tác. Anh em tự vệ liền giữ lại kiểm tra giấy tờ. Dù đã trình giấy tờ nhưng anh em tự vệ rất cảnh giác, cho nên chưa tin tưởng và ra lệnh bắt luôn… Nhưng về đến Khám Chí Hòa thì hiểu lầm được giải quyết khi cán bộ ở đây nhận ra đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt dự Lễ Độc lập 2-9 ở Nam Bộ trong một niềm xúc động thiêng liêng. Ở Xứ ủy Nam Bộ, thực hiện nhiệm vụ của Bác Hồ giao, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các cán bộ lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ giải quyết hàng loạt công việc cấp bách. Một trong những công việc quan trọng lúc đó là, theo chủ trương của T.Ư, trong tình thế cách mạng còn “trứng nước”, cần mời những nhân sĩ trí thức ra đứng đầu chính quyền, để các loại kẻ thù không kiếm cớ bóp chết chính quyền non trẻ của ta. Không phải chủ trương ấy được nghe theo ngay, có anh em cứ đinh ninh rằng, cướp được chính quyền rồi, người cộng sản nhất thiết phải nắm giữ hết các chức vụ thì cách mạng mới vững được. Phải tuyên truyền, vận động mới được mọi người hiểu và ủng hộ chủ trương của T.Ư.

Mọi người nhất trí mời luật sư Phạm Văn Bạch ra làm Chủ tịch, rồi sau đó thường xuyên hỗ trợ ông nắm cơ quan, nắm công việc. Tiếp đó là việc giải tán đội “Cộng hòa vệ binh”, một tổ chức quân sĩ cách mạng mới được lập ra với mũ, lon và các nghi thức oai vệ mô phỏng quân đội Anh. Thay thế vào đó là đội tự vệ của nhân dân cách mạng, cơm nhà, việc nước, với tác phong giản dị. Rồi những đối sách với quân Anh - Ấn lúc ấy sắp tràn lên nửa phần đất nước với danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật; còn thực dân Pháp kéo mấy tiểu đoàn vào lăm le cướp lại đất nước ta...

Nhưng công việc cấp bách số một lúc ấy là tổ chức ra Côn Đảo để đón anh em tù cộng sản đang nóng lòng từng giờ, từng khắc trở về đất liền. Từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa, tù chính trị dồn ra đảo thêm hàng nghìn người. Côn Đảo lại chìm trong đêm dài khủng bố, tra tấn... Phải bằng mọi cách đưa ngay đồng chí ta về, sớm ngày nào hay ngày ấy. Đấy là nguồn bổ sung cán bộ quý báu, gồm những đồng chí được rèn luyện trong một “trường đào tạo” độc đáo... Rất nhiều tinh hoa của cách mạng đang ở đó.

Có hai chủ trương về việc đi đón. Một là tìm mấy tàu thật to, thật sang, treo đèn kết hoa, mang theo nhạc binh rầm rộ đưa anh em về trong nghi thức tưng bừng thắng lợi. Nhưng tàu to lúc ấy kiếm đâu ra? Các tàu Pháp Săng-ti-y, Cờ-lốt đơ Sáp và mấy tàu khác nữa đã bị Nhật đánh chìm rồi. Hai là vận động nhân dân cho mượn ghe thuyền ra đảo. Chỉ có cách đó là nhanh nhất. Tưởng Dân Bảo, một người cộng sản giác ngộ từ hàng ngũ Quốc dân Đảng, đã từng bị bọn thủ lĩnh lưu manh hóa của Quốc dân Đảng tuyên án “xử tử”, cổ còn một vết sẹo khoanh vòng, sung sướng nhận nhiệm vụ, cùng anh em đi ngay. Vài ngày sau, anh em báo cáo: Đã mượn được nhân dân Gò Công và Kiến Phước hơn ba chục chiếc ghe lớn… Ngày 16-9, đoàn ghe thuyền kéo cờ, giương buồm ra khơi, náo nức, hồi hộp đưa các đồng chí, đồng đội từ Côn Đảo trở về…

Liền ngay đó, lực lượng cán bộ mới ở Côn Đảo về được phân chia đi công tác luôn. Một số đồng chí bổ sung vào Xứ ủy. Số đông chia nhau đi các tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Nhiều đồng chí quê ở ngay Nam Bộ, nhưng cũng không kịp về gặp vợ con và những người thân...

Tất cả đã sẵn sàng cho một chặng đường nóng bỏng khác đang chờ đợi ở phía trước…