Tôi về xóm Quang Trung, xã Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An tìm gặp chị Lê Thị Hồng, một trong những người trong tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Ðồng Lộc ngày 24-7-1968 nay đang còn sống.
Lặn lội về xóm Quang Trung người dân ở đây ít ai biết đến chị Hồng. Tôi phải nhờ đến ông xóm trưởng mới tìm được nhà chị ở trong một hẻm nhỏ. Nhưng cả nhà đều đi vắng. Nghe nói tôi về tìm chị Hồng trong tiểu đội 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Ðồng Lộc. Anh hàng xóm mặc dù đang có khách, nhưng đã nhiệt tình dẫn tôi ra chợ Vinh gặp chị. Chị bán một quầy nhỏ thực phẩm khô. Chị hẹn chiều chú đến.
Ðúng hẹn chiều tôi đến. Tôi đề nghị chị cố nhớ lại những chuyện bấy lâu nay ít người nói và viết về tiểu đội. Biết tôi đã hơn 30 năm tuổi quân, tham gia nhiều chiến trường, tuy mới gặp lần đầu chị nói cởi mở và chân tình. Khi nhắc đến tiểu đội 4 đại đội 552 nét mặt chị bồi hồi. Chị chậm rãi nói với tôi:
- Tiểu đội 4 chúng tôi chính thức có 13 người. Hôm đó tiểu đội cử tôi đi vào rừng cùng với đại đội chặt gỗ về làm hầm. Còn chị Lê Thị Xuân lên tỉnh đoàn công tác, chị Bùi Thị Tĩnh đi lấy gạo. Nên ra mặt đường chỉ có 10 chị em. Nếu nói thời điểm hy sinh các chị đang độ tuổi mười tám đôi mươi là chưa chính xác.
Chị Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc nhiều tuổi nhất tiểu đội. Hai chị đều sinh năm 1944. Còn em gái nhỏ tuổi nhất là Võ Thị Hà lúc đó mới 17 tuổi. Chị Võ Thị Tần tiểu đội trưởng, Hồ Thị Cúc tiểu đội phó, cũng là hai đảng viên duy nhất của tiểu đội. Hai chị có hai tính cách khác nhau.
Chị Tần vui vẻ, cởi mở, không có cái gì giấu kín được trong bụng lâu. Nhưng mọi việc làm của chị đều suy tính kỹ lưỡng. Thời gian chúng tôi làm ở Cổng 19 xã Phú Lộc chị Tần ít cho chị em về thăm nhà. Nhưng trước khi chuyển vào làm nhiệm vụ ở Ngã ba Ðồng Lộc chị lần lượt cho chị em về thăm nhà, thăm bạn bè. Lúc đó chúng tôi vô tư lắm, nhiều đứa cho về không muốn về. Nhưng chị đều động viên về bằng được. Sau này tôi mới hiểu ra chị Tần đã lường trước vào Ngã ba Ðồng Lộc địch đánh phá ác liệt có thể có người sẽ hy sinh. Vì thế, chị động viên chị em về thăm nhà, bạn bè.
Chị Cúc ít nói, nét mặt lúc nào cũng đượm buồn. Có lẽ nét mặt biểu hiện đúng nội tâm của chị. Bố mẹ mất sớm chị phải ở với cậu ruột từ khi còn nhỏ. Nhưng công việc của tiểu đội chị lo lắng, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Có hôm tiểu đội làm ca, 2 giờ sáng mới ra mặt đường, 12 giờ chị đã đốc thúc chị em đi làm. Trong tiểu đội gọi đùa: "Cúc cầm càng". Vì chị Cúc là người cầm càng xe bò chuẩn nhất. Làm ban đêm, đường đi qua nhiều vực sâu, người cầm càng xe mà không chuẩn dễ rơi xuống vực nguy hiểm lắm. Chị thường tâm sự với chị em: "Chị khổ từ khi đang còn nhỏ mong sao khi hoàn thành nhiệm vụ, được đi làm một việc ở cơ quan Nhà nước".
Còn chị Trần Thị Hường trắng trẻo xinh gái nhất tiểu đội, hát hay, mà lại hay hát. Cái tài của chị giỏi nói khôi hài. Làm ban đêm nhờ chị mà chị em trong tiểu đội làm quên cả thời gian. Tiểu đội gọi chị Hường: "Cây tiếu lâm". Hồi đó tiểu đội nuôi một con bò để kéo xe. Nhưng nó hay đánh người.
Trong tiểu đội chỉ có chị Nguyễn Thị Nhỏ đi chăn nó không đánh. Nên tiểu đội thường phân công chị đi chăn bò. Chị phàn nàn: "Mình đi thanh niên xung phong, chứ có phải vào đi chăn bò đâu?". Miệng nói thế nhưng chị chăm bò ăn lúc nào cũng no tròn.
Võ Thị Hà em út của tiểu đội, thích mặc quân phục, hát hay. Bài tủ của Hà: Vui mở đường. Bố mẹ dân làng chài chuyên môn đánh cá trên sông. Hà giỏi lắm việc gì làm cũng tốt. Chị em thường bảo nhau: "Anh chàng nào tốt số lấy được Hà thì thật hạnh phúc".
Ra mặt đường hò đối đáp với lái xe, hay bộ đội đi qua chỉ có Hường và Hà là hai cây chủ lực. Còn chị em trong tiểu đội cố vấn là chính. Cả tổng đội đều khen tiểu đội 4 lao động luôn dẫn đầu năng suất, văn nghệ hay.
Làm việc vất vả, căng thẳng nhưng ăn uống chẳng có gì. Một hôm mẹ anh Trần Văn Thuận ở trong đại đội đến thăm con. Mẹ sang chơi với chị em. Ðến trưa, tiểu đội lấy cơm về, mẹ thấy chỉ có cơm với muối lạc. Mẹ bảo: "Các con làm vất vả mà ăn khổ thế này". Tự nhiên tất cả chị em trong tiểu đội đều chảy nước mắt ra.
Sau khi các chị hy sinh có nhiều chuyện mười cô thiêng lắm. Họ nói vậy riêng tôi thì không tin. Nhưng tôi thấy có điều không lý giải được. Ở tại thành phố Vinh trong Ðại đội 552 còn lại sáu chị em. Hằng năm cứ đến ngày giỗ các chị 27-4 chúng tôi cùng nhau về nghĩa trang thắp hương. Nhưng năm ngoái, vì trời mưa to chúng tôi về chậm một hôm. Vừa đến cổng nghĩa trang tự nhiên sáu chị em hương hoa đều rơi tung tóe ra. Chắc có lẽ dưới đó hôm qua các chị mong chúng tôi lắm. Chúng tôi thấy mình có lỗi với đồng đội.
Anh Nguyễn Thanh Bính từ tháng 4-1968 đến tháng 1-1971 liên tục làm cán bộ kỹ thuật ở Tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tĩnh phục vụ tại Ngã ba Ðồng Lộc. Anh đã từng chứng kiến, tham dự nhiều sự kiện tại mảnh đất nhiều chiến tích này. Ngoài làm công việc kỹ thuật, tổng đội còn giao cho anh sáng tác ra các câu ca dao, hò vè, để anh em vừa lao động vừa hát, cho quên mệt nhọc, vượt lên gian khổ, ác liệt. Anh tâm sự với tôi:
- Trong tiểu đội duy nhất chị Võ Thị Tần có người yêu đang đi chiến đấu ở chiến trường xa. Có một lần cô nhờ tôi vẽ lên gối thêu tặng người yêu. Tôi vẽ một bông cúc tần bên khóm tre. Ngầm ý diễn tả câu thơ của Phan Cung Việt, có cải biên:
Vị cúc tần giữa vùng quê bình lặng
Nơi chiến trường anh có phải hạt mưa xuân?
Nguyên vế thứ hai của Phan Cung Việt là:
Nơi phố phường anh có nhớ giọt mưa xuân.
Vẽ xong tôi đọc hai câu thơ đó cho Tần nghe. Cô đấm tôi một cái rõ đau. Không ngờ gối thêu xong chưa kịp gửi cho người yêu thì Tần vĩnh viễn ra đi. Còn Hồ Thị Cúc ít nói nhưng trong công việc bao giờ cũng giành khó khăn về mình. Chính vì thế cô không những được chị em trong tiểu đội mà cả đại đội vị nể.
Hôm tiểu đội hy sinh, bới lên chỉ có chín chị em, tìm mãi không thấy Cúc. Cả đại đội ai cũng thương tiếc Cúc. Mặc cho máy bay đánh phá ác liệt nhưng ai cũng xung phong đi tìm Cúc. Tìm ngày thứ nhất, ngày thứ hai không được. Mãi đến khoảng 17 giờ ngày thứ ba (tức là ngày 26-7) mới tìm được Cúc. Lúc đó mới biết Cúc nhường hầm kèo cho đồng đội, cô sang ngồi ở một chiếc hầm cá nhân. Cúc chết trong tư thế ngồi đội nón ôm cuốc vào lòng. Nhìn tư thế Cúc hy sinh anh em ruột ai cũng như muối xát. Cùng nhau đưa Cúc về mai táng cùng chị em trong tiểu đội ở eo núi Thường Xuân.
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba Ðồng Lộc mãi muôn đời nhắc nhở mọi người, để có độc lập tự do như hôm nay dân tộc ta đã đổ không biết bao xương máu. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm lại Ngã ba Ðồng Lộc đã ghi vào Sổ Vàng truyền thống: "Tấm gương nghĩa liệt của 10 nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại Ngã ba Ðồng Lộc sẽ đời đời được Tổ quốc ghi công".