Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Chương trình là sự kiện truyền thông quốc gia khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên và lực lượng nhân viên y tế trong phòng, chống dịch Covid-19; lan tỏa thông điệp động viên, khích lệ nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, vượt khó, chiến thắng dịch bệnh, phục hồi sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thông qua chương trình, khắc họa sự khốc liệt của dịch bệnh, những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu; tôn vinh những hy sinh, những sáng kiến, sáng tạo, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong cuộc chiến giành giật sự sống của người dân, những cán bộ công đoàn ngày đêm căng mình chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên người lao động; khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn đối với doanh nghiệp, Chính phủ và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức cũng đã thông tin kết quả của 2 cuộc thi: "Giai điệu nơi tuyến đầu" và video clip "Thời khắc khó quên".
Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Sau 40 ngày triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 1.296 tác phẩm và các bản ghi âm thanh bài hát của 935 tác giả và đồng tác giả gửi tham dự. Hội đồng Giám khảo đã chọn 54 tác phẩm vào vòng chung khảo. Đặc biệt, có tác giả đạt giải cao của cuộc thi đã ủng hộ toàn bộ số tiền thưởng 50 triệu đồng cho các cháu là con công nhân, lao động mồ côi do Covid-19.
Cuộc thi video clip "Thời khắc khó quên" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động phối hợp tổ chức. Sau 1 tháng triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 45.304 clip tham gia. Trên Tik Tok, có hơn 253 triệu lượt xem video clip.
Kết quả, 16 tác phẩm đoạt giải cá nhân. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Y tế trao 29 giải chuyên đề cho các tác phẩm về ngành y tế. Toàn bộ kinh phí giành cho 2 cuộc thi do tổ chức công đoàn huy động nguồn lực xã hội hóa không dùng từ nguồn tài chính công đoàn.
Cũng tại cuộc họp báo, Trưởng Ban Quan hệ lao động Trần Thị Thanh Hà thông tin một số kết quả chăm lo công nhân, lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, đến ngày 25/10 làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến 85.794 công nhân, viên chức, lao động nhiễm bệnh (chiếm 9,70% tổng số ca cả nước), trong đó có 439 ca tử vong.
Có 20.416 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động hoặc phải thu hẹp sản xuất hay giải thể; 2.264.468 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với gần 1,5 triệu người lao động thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Có 9.344 doanh nghiệp thành lập 48.061 Tổ an toàn Covid-19.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 25/10, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, theo số liệu báo cáo của 34 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố: Có 3.158.459 người lao động được hỗ trợ 5.292 tỷ đồng; 187.733 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền 1.752 tỷ đồng.