Những nội dung chủ yếu (Ban hành kèm theo Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ngày 2-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ)
MỞ ĐẦU
Sa mạc hóa nêu trong văn kiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992 có nghĩa là sự suy thoái đất đai tại các vùng khô hạn, bán khô hạn, vùng ẩm nửa khô hạn do các nguyên nhân khác nhau, trong đó có biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người gây ra.
Suy thoái đất đai là quá trình giảm hoặc mất đi năng suất sinh học và khả năng đem lại lợi ích kinh tế của đất.
Vùng khô hạn, bán khô hạn, và vùng ẩm nửa khô hạn là vùng có tỷ lệ bốc hơi nước khoảng từ 0,05 đến 0,60.
Ở Việt Nam, chống sa mạc hóa có nghĩa là ngăn chặn nguy cơ thoái hoá đất, hạn chế quá trình thoái hóa đất ở vùng bán khô hạn, khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn; phục hồi và cải tạo đất đang bị suy thoái, hoang hóa bằng việc nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa để từng hộ dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên đất đai, rừng, chống nhiễm mặn, nhiễm phèn, chống cát di động, phát triển thủy lợi để cải thiện sinh kế cho người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa.
Trong những năm qua, để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa, nhiều chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng ... đã được triển khai rộng rãi trên cả nước.
Các chương trình, dự án này đã cải tạo đất hoang hóa, làm tăng diện tích và trữ lượng rừng, đưa ra các mô hình phát triển nông - lâm kết hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và ổn định xã hội, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa.
Tuy nhiên, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn rất nặng nề, cần phải được tiếp tục thực hiện nhất quán, liên tục với các mục tiêu khả thi và một lộ trình rõ ràng, cụ thể để khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi làm thiệt hại tới vốn rừng nhất là các khu vực rừng già, rừng đầu nguồn; tình trạng du canh, phá rừng làm nương rẫy, phá rừng ngập mặn vùng ven biển để nuôi thuỷ sản, nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên làm mất đi hàng chục nghìn héc ta mỗi năm làm cho diện tích rừng bị thu hẹp lại nghiêm trọng, tình trạng quản lý, sử dụng và bảo vệ chưa tốt làm cho các nguồn nước đang bị suy thoái, nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; các loại đất bị xói mòn, rửa trôi, trượt lở, độ phì nhiêu thấp và mất cân bằng dinh dưỡng, đất bị đá ong hóa, mặn hóa, phèn hóa, chua hóa, đất bị khô hạn, đất bị ngập úng; đồi cát, đụn cát, đất bị cát phủ, đất bị ô nhiễm hóa chất...
Tổng diện tích đất liên quan đến sa mạc hoá lên tới khoảng 9,3 triệu ha, nơi có khoảng 22 triệu người dân sinh sống. Tình trạng chất lượng đất canh tác như trên gây khó khăn to lớn đến thu nhập của từng gia đình làm nghề rừng, nghề nông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng lãnh thổ rộng lớn này.
Để sớm khắc phục tình trạng nêu trên, việc ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 là nhiệm vụ cấp bách.
Phần I
QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Chống sa mạc hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng, nguồn nước và đất đai, nâng cao từng bước thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết vững chắc nhiệm vụ định canh định cư.
2. Chống sa mạc hóa phải được tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất, đồng bộ của Nhà nước, có tính kế thừa và được sự chỉ đạo tập trung và đồng bộ của Chính phủ; được cụ thể hóa bằng các dự án do các Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân địa phương bị sa mạc hóa thực hiện và huy động được sự quan tâm và góp sức của toàn xã hội.
3. Mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm tập trung đầu tư và thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tăng cường đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại, kế thừa kinh nghiệm truyền thống phù hợp, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia chống sa mạc hóa và các cam kết đa phương về môi trường (MEAs).
4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, gắn Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa với Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo, Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường cũng như các chiến lược, các chương trình quốc gia khác với việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu đến năm 2010
a) Xây dựng chính sách quốc gia và các nhiệm vụ cụ thể, xác định trách nhiệm của từng Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên, tổ chức được các mối quan hệ quốc tế, xác định được nguồn vốn và cơ chế quản lý vốn để bảo đảm cơ sở vững chắc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục tình trạng sa mạc hóa trên các vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam theo Chương trình hành động đã được xác định.
b) Hoàn thành những nhiệm vụ chống sa mạc hoá cấp bách, trước hết ở 4 vùng ưu tiên là Tây Bắc, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, tứ giác Long Xuyên.
2. Mục tiêu đến năm 2020
Khắc phục được về cơ bản các nguyên nhân do hoạt động của con người gây ra sa mạc hoá, hình thành được các giải pháp đề phòng, hạn chế quá trình sa mạc hoá do các nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên gây ra, phục hồi tối đa các vùng đất đã bị sa mạc hoá trước đây, hoàn thành vững chắc nhiệm vụ định canh định cư ở các vùng đất đã được phục hoá bằng việc đổi mới phương thức sử dụng đất, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa đến năm 2020 về căn bản hài hòa với các vùng lãnh thổ khác trên cả nước.
Phần II
PHẠM VI, NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
I. PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Các vùng đất bị sa mạc hóa trên cả nước, trong đó ưu tiên các vùng đất bị sa mạc hóa tại Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, tứ giác Long Xuyên.
II. CÁC NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia được chia thành các nhóm, bao gồm:
a) Hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới.
b) Nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa.
c) Điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam.
d) Tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ để bảo vệ, quản lý và phát triển tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đất liên quan sa mạc hóa.
đ) Hợp tác quốc tế để thực hiện Công ước chống sa mạc hóa.
2. Danh mục các dự án, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện, thứ tự ưu tiên trong khoảng thời gian 2006 - 2020 được ghi trong Danh mục các dự án của "Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020" ban hành kèm theo Chương trình hành động này.
Phần III
CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Nâng cao nhận thức về chống sa mạc hóa; huy động lực lượng chuyên gia ở các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các hội nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể, đúng tiến độ, triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia này.
2. Rà soát việc phân công nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành và các địa phương về chống sa mạc hóa; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước từ địa phương đến trung ương về chống sa mạc hóa; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống sa mạc hóa, nâng cao vai trò, vị thế của chính quyền các địa phương, đặc biệt chính quyền cơ sở trong thực hiện Chương trình hành động quốc gia này.
3. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước trong lĩnh vực chống sa mạc hóa để học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các mô hình gắn kết từ sản xuất nông, lâm nghiệp đến thị trường; đồng thời tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao trong lĩnh vực này.
4. Bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Chương trình hành động quốc gia từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế.
5. Bảo đảm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá định kỳ mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia.
THỦ TƯỚNG
NGUYỄN TẤN DŨNG