Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đúng vào dịp cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7). Trong thời tiết mùa hè nóng nực, từng đoàn khách lặng lẽ xếp hàng thắp nén hương thành kính tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Với diện tích khoảng 2.000 m2, chia làm hai khu với 10 gian trưng bày, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Điều đặc biệt, hướng dẫn viên tại bảo tàng chính là các cựu tù binh năm xưa - những chiến sĩ cách mạng từng bị kẻ thù giam cầm.
Nhà ở phố Đại Từ, quận Hoàng Mai (Hà Nội), mỗi ngày ông Nguyễn Đình Quốc ngồi hơn một giờ trên xe buýt để đến bảo tàng làm việc. Nguyên là Thuyền phó Đoàn tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền nam năm 1970, ông thường có mặt ở đây để đón tiếp các đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập về truyền thống lịch sử. Tại khu đền thờ liệt sĩ, ông Quốc xúc động chia sẻ về việc các thành viên của bảo tàng vừa làm lễ đưa chân hương và rước tượng liệt sĩ Trương Văn Tôn về thờ cúng tại đây. Liệt sĩ Trương Văn Tôn sinh năm 1939, quê Hưng Yên, hy sinh năm 12 tuổi và là một trong những liệt sĩ nhỏ tuổi nhất Việt Nam đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011. Liệt sĩ Trương Văn Tôn cũng như các tấm gương Lê Văn Tám và Kim Đồng, là điển hình của hàng vạn thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, tuổi nhỏ chí lớn, yêu nước và dũng cảm.
Giới thiệu kỷ vật trong các khu trưng bày, ông Quốc cho biết: Tại đây lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu quý về các lực lượng vũ trang Việt Nam và về Bộ đội Cụ Hồ từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến sau này cùng nhiều tư liệu, tài liệu vô giá tố cáo tội ác của kẻ thù. Bên cạnh các kỷ vật được các thành viên trong bảo tàng trực tiếp tìm kiếm, sưu tầm trong các chuyến công tác và một số hiện vật phục chế, bảo tàng còn nhận được rất nhiều kỷ vật của các tổ chức, cá nhân, thân nhân Anh hùng, liệt sĩ hiến tặng.
Cùng các đồng đội và tình nguyện viên tham gia quản lý hoạt động của bảo tàng, ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc bảo tàng; ông Kiều Văn Uỵch, Phó Giám đốc và chị Lưu Xa, Đội trưởng Đội tiếp lửa truyền thống của bảo tàng đã kể cho chúng tôi những câu chuyện cũ năm xưa. Nguyên là cựu tù binh Phú Quốc thời chống Mỹ, cứu nước, bị giam cầm và chứng kiến đồng đội của mình phải chịu đựng đòn roi tra tấn của kẻ thù, sống sót trở về, ông Lâm Văn Bảng có ý tưởng phải thành lập một nơi để lưu giữ những kỷ vật thời chiến tranh và tưởng nhớ, tri ân các đồng đội đã ngã xuống. Ông Bảng đi khắp mọi miền đất nước, tìm kiếm các di vật chiến tranh từ đồng đội và gia đình các liệt sĩ còn lưu giữ. Ban đầu, bảo tàng chỉ là một Phòng truyền thống các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, sau này, khi các đoàn khách đến tìm hiểu, tham quan càng đông, hiện vật sưu tầm và hiến tặng ngày càng nhiều, phòng truyền thống được nâng cấp thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Từ ngôi nhà gỗ đầu tiên được tặng đến các tủ trưng bày được hỗ trợ hoặc mua thanh lý với giá rẻ, rồi công sức lao động của các thành viên tham gia, bảo tàng dần dần mở rộng, hình thành các khu trưng bày theo chủ đề như Khu địa ngục trần gian, Khu hiện vật ngoài trời, Khu trưng bày hình ảnh, mô hình thủ đoạn tra tấn và chứng tích tội ác chiến tranh … Mỗi năm bảo tàng đón các đoàn khách cũng như thân nhân gia đình liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc có những đợt cao điểm như dịp ngày lễ 30-4, 27-7… bảo tàng thường đón hơn 1.000 người đến tham quan.
Là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được thành lập bởi tấm lòng, công sức và tâm nguyện của tập thể các cựu binh năm xưa, cùng với hệ thống bảo tàng công lập, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ nhiều hiện vật, là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bảo tàng còn phối hợp các bảo tàng công lập như Phòng không, không quân, Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức các đợt triển lãm, trưng bày hiện vật… phục vụ tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên, sau 14 năm hoạt động, một số hạng mục của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã xuống cấp, gây nhiều khó khăn trong quản lý, lưu giữ, trưng bày hiện vật. Theo ông Lâm Văn Bảng, những người làm việc tại bảo tàng đều mong muốn tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các hoạt động của bảo tàng, song điều quan trọng là phải có nguồn kinh phí để tôn tạo, tu bổ, mở rộng một số hạng mục, trong đó nâng cấp khu trưng bày và đón tiếp khách, sửa chữa lại mái nhà hội trường.