Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn:

Chúng ta cần trân trọng sự sáng tạo và con người sáng tạo

"Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo" là sự kiện rất ý nghĩa đang diễn ra tại ngôi nhà lịch sử số 22 Hàng Buồm, Hà Nội, quy tụ những sáng tạo mới mẻ của các nghệ sĩ trẻ tài năng, kết nối câu chuyện giữa di sản và văn hóa. Đó cũng là con đường mà họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giám tuyển sự kiện) theo đuổi trong hành trình thực hành nghệ thuật của mình.

Nhóm Đàn Đó trình diễn trong sự kiện. Ảnh: Giám tuyển cung cấp
Nhóm Đàn Đó trình diễn trong sự kiện. Ảnh: Giám tuyển cung cấp

Trầm tích Phố

- "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo" được tổ chức tại số nhà 22 Hàng Buồm, Hà Nội, hẳn cũng có một cơn cớ nào đó?

- Con phố cũng như những dòng sông chảy trôi không ngừng, bao kiếp người qua, bao kiếp người tới. Trong dòng chảy của thời gian bất tận ấy, con phố nào cũng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Phố Hàng Buồm là một trong những con phố tiêu biểu nhất cho một thành phố nằm bên sông. Phố xưa chuyên bán những mảnh buồm và cả những vật tư liên quan đến thuyền bè. Nay cánh buồm nâu chỉ còn là những ký ức, cũng như bao đổi thay, kẻ đến người đi. Số nhà 22 phố Hàng Buồm như một khúc xoáy, cuốn vào trong đó tất cả những thăng trầm của lịch sử con phố này. Ở đó có tất cả chuyện đời, chuyện phố, có chuyện của ngày xưa, của hôm nay, của mưa Âu gió Á, của dân Kẻ Chợ, của những Hoa kiều và của người Hà Nội hôm nay, với lịch sử hơn 200 năm và nhiều trầm tích sâu lắng. Từ không gian lịch sử đó, tôi tiếp tục mạch truyện mình muốn kể từ nhiều năm nay, "Nghệ thuật và nơi chốn", nơi chốn nào thì nghệ thuật ấy, có sự kết nối giữa nơi chốn và những thứ mình muốn kể trong không gian này.

- Vậy anh sẽ kể những câu chuyện gì trong một không gian đặc biệt như thế?

- Dĩ nhiên sẽ là những câu chuyện của sáng tạo, được lấy cảm hứng từ truyền thống và văn hóa bản địa, sáng tạo từ truyền thống, sáng tạo lại truyền thống. Đó cũng là sự tiếp tục của dự án tôi đã làm năm ngoái với các bạn sinh viên, "Từ truyền thống tới truyền thống" và nối dài concept tôi đã làm ở đình Nam Hương, sự tương tác của các dự án nghệ thuật với một không gian di sản và đánh thức ý nghĩa của nơi chốn này. Lần này, chúng tôi trưng bày điểm xuyết các thực hành nghệ thuật đa dạng của các nhóm sáng tạo trong rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, âm nhạc, thời trang, trình diễn... Tuy rất khác nhau về hình thức và phương pháp thực hành song có một điểm chung, các thực hành của các kiến trúc sư, nghệ sĩ, các nhà thiết kế được lựa chọn ở đây đều dựa trên nguồn cảm hứng từ các giá trị văn hoá truyền thống và văn hóa bản địa rất giàu có của Việt Nam.

- Một điểm nhấn của "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo" là phòng trưng bày "Ký ức 22 Hàng Buồm". Anh muốn gợi lại cho công chúng những ký ức gì?

- Phòng trưng bày "Ký ức 22 Hàng Buồm" với những sắp đặt sử dụng các hiện vật là những cấu kiện thu gom lại trong quá trình trùng tu không gian 22 Hàng Buồm, được nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ Vũ Xuân Đông, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương và tôi cho ra mắt vào dịp này. Bước chân vào "Không gian ký ức số 22 Hàng Buồm" mọi người có thể thấy sự kỳ diệu của những lớp thời gian. Các nghệ sĩ đã nhặt nhạnh, đã chắp nối những mảnh vụn của lịch sử để nó lấp lánh một vẻ đẹp tưởng như tình cờ mà đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng.

Ngoài các không gian trưng bày triển lãm trong nhà, hai cuộc triển lãm "Hà Nội là…" và nhóm Ký họa đô thị Hà Nội cũng được trưng bày tương tác trong khuôn viên hai khoảng sân rất "đắt giá" trong không gian 22 Hàng Buồm. Một Hà Nội của các bạn trẻ khắp mọi miền được thể hiện bằng kỹ thuật đồ họa kỹ thuật số cho thấy được rất nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) cũng cho thấy một tình yêu Hà Nội không phân biệt tuổi tác ngành nghề đã tạo ra một nguồn cảm hứng lan tỏa trong cộng đồng về tình yêu di sản kiến trúc và văn hóa Hà Nội trong suốt ba năm qua.

Chính con người tạo ra truyền thống

- "Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo" quy tụ được nhiều nghệ sĩ trẻ độc đáo, với những không gian sáng tạo mới mẻ. Anh làm thế nào để có thể kết nối được nhiều loại hình nghệ thuật trong một không gian như thế?

Chúng ta cần trân trọng sự sáng tạo và con người sáng tạo -0
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

- Tôi có 20 năm lang thang khắp nơi trên thế giới và nhiều ngóc ngách của Việt Nam, học về nghệ thuật đương đại, vì thế tầm nhìn của tôi không giới hạn ở nghệ thuật thị giác hay hội họa, nhiếp ảnh thông thường. Tôi không chỉ bó hẹp trong ngành của mình và những thứ tôi đưa ra ở đây hầu hết đều "độc" và chưa ai xem mấy. Tôi muốn đưa ra một thông điệp rằng, truyền thống không phải là thứ có sẵn, đừng ôm khư khư và chỉ lo bảo tồn truyền thống, nó là một thứ luôn chảy và vận động trong đời sống, vì thế nó tồn tại. Đàn đó mang âm hưởng bản địa nhưng lại không phải là truyền thống, nó là một sáng tạo hoàn toàn mới. Tôi muốn mọi người hiểu thế nào là phát triển và sáng tạo văn hóa lấy tinh thần từ truyền thống, nó không biệt lập mà phải kết nối được với nhau, nhạc của đàn đó có thể kết nối được với các dân tộc khác, đặt ở châu Phi, châu Âu cũng chơi được. Đó là tính đương đại. Những sáng tạo của các nghệ sĩ mà tôi chọn ở đây không trở thành một thứ popular (phổ biến), nó không được nhìn thấy trên bề mặt mà là một dòng chảy ngầm.

- Đó chính là tư duy liên ngành trong sáng tạo nghệ thuật để xây dựng một không gian sáng tạo mới cho Hà Nội nói riêng và cho Việt Nam nói chung?

- Đúng vậy, chúng ta nói rất nhiều về thành phố sáng tạo, về những dự án cộng đồng. Rõ ràng, chúng ta rất cần sự kết nối của nhiều không gian sáng tạo. Cuộc trình diễn lần này cho thấy các bạn trẻ ngày nay rất giỏi, họ có kiến thức nền về văn hóa, họ làm thời trang nhưng hiểu rất rõ về hội họa, về kiến trúc, âm nhạc... Như "Chula"- một kiến trúc sư có thể tạo nên một thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam, hay vở diễn "Cõi thinh không", một vở tuồng đương đại, kết hợp giữa tuồng và hiphop... Triển lãm sắp đặt video art "Đại Tượng" của hai nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải và Ngô Thu Hương với phần tương tác trình diễn của nhóm tam tấu (violon, cello, piano) cũng sẽ tạo nên một cuộc "thảo luận" đầy ngẫu hứng giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại.

Tất cả những sáng tạo đó đều rất hấp dẫn và thú vị, nó minh chứng một điều rằng, truyền thống là thứ chúng ta có thể tạo ra và chỉ có con người tạo ra văn hóa, tạo ra truyền thống. Chúng ta phải biết trân trọng sự sáng tạo và con người sáng tạo thì mới có văn hóa và truyền thống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!