Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Thị Thanh, phong trào “Người con hiếu thảo” được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố phối hợp phát động từ năm 1995 đến nay, đã trở thành phong trào mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố.
Qua phong trào, hội đã phát hiện và tuyên dương những gương điển hình về lòng hiếu thảo, kính trên nhường dưới, sống tích cực, có lý tưởng, có những việc làm thiết thực giúp ích cho gia đình và xã hội, góp phần tuyên truyền giáo dục, định hướng lối sống đẹp cho hội viên, thanh niên và phụ nữ thành phố.
Những tấm gương tiêu biểu của phong trào “Người con hiếu thảo” đã tạo nên bức tranh đẹp với những sắc màu của giá trị nhân văn, của sự tử tế và góp phần xây dựng xã hội nhân ái, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn thành phố.
Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố được chú trọng đầu tư, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, nhằm chăm lo phát triển văn hóa, củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển sâu rộng và lan tỏa, tính tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao, số lượng và chất lượng các danh hiệu văn hóa từng bước được nâng lên.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, cổ vũ và huy động các nguồn lực trong nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ở cơ sở, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm được tổ chức nền nếp, rộng khắp với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thanh Sơn cho biết, từ hoạt động này, nhiều mô hình, giải pháp cách làm hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã xuất hiện và được nhân rộng, thu hút người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo quan tâm hưởng ứng như: “Góc phố ngày Tết” (Quận 1); “Phủ xanh tuyến hẻm” (Quận 3); mô hình “2 cùng, 4 có, 4 không”; “Trang trí tiểu cảnh từ rác thải nhựa tạo mảng xanh trong gia đình, công sở, trường học” (Quận 7); mô hình “Câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường”; Phong trào “Ngày chủ nhật xanh, người dân thành phố Thủ Đức đồng hành, vì thành phố xanh, sạch, đẹp”; mô hình “Đường hoa chống xả rác” (huyện Bình Chánh)...
Từ những mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng”.
Việc lồng ghép nội dung nếp sống văn minh-mỹ quan đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới vào phong trào đã và đang là các giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, kết hợp với phương thức xã hội hóa, đầu tư các trang thiết bị phục vụ đời sống văn hóa, tập luyện thể dục-thể thao cho các xã, góp phần từng bước cải thiện đời sống văn hóa khu vực nông thôn, ngoại thành.
Hệ thống thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa phát triển khá đồng bộ ở thành phố và quận, huyện, phường, xã, thị trấn với nhiều loại hình hoạt động, câu lạc bộ, đội, nhóm, các lớp năng khiếu. Người dân được thụ hưởng môi trường sống lành mạnh, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đã giúp tinh thần phấn chấn, luôn sống chan hòa, nghĩa tình.
Nhiều trường học, khu dân cư duy trì các câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ văn nghệ dân gian như: Dân ca, cải lương, đàn tính,... có tổ chức liên hoan, hội thi định kỳ. Không ít trường, đơn vị còn tổ chức cho cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên xem các tác phẩm nghệ thuật có giá trị về giáo dục tư tưởng, từng bước nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phùng Thái Quang, trong 10 năm qua, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, phong phú, đa dạng như: Hội diễn văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật, tiểu phẩm, hò vè, karaoke, hội thao, chương trình “Giờ thứ 9”, ngày hội công nhân, viên chức, lao động... được các cấp công đoàn thực hiện thường xuyên, tạo sân chơi bổ ích, thu hút đoàn viên, người lao động tham gia sau giờ làm việc, từ đó khắc phục dần tình trạng thiếu sân chơi cho đoàn viên, người lao động; phòng ngừa có hiệu quả việc đoàn viên, người lao động tham gia vào các sinh hoạt thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội.
“Những hoạt động này đã tạo ra môi trường lành mạnh, góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ, bồi dưỡng kỹ năng sống, nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động” - ông Phùng Thái Quang cho biết thêm.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thời gian tới, thành phố cần tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ nhằm tạo được sự chuyển biến và nét riêng của thành phố mang tên Bác. Môi trường văn hóa phải được rà soát lại, phải được làm bài bản ở từng cơ quan, đơn vị, nhất là ở trong mỗi gia đình và ngành giáo dục.
“Chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trên mạng xã hội, cần phát huy, xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân tộc, tôn giáo, cũng như tiếp tục xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh.