Chung sống an toàn với mưa lũ

Những năm gần đây ở miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề hơn. Vì thế, Quảng Bình đã có các biện pháp chủ động ứng phó, phòng tránh từ sớm, giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, nhiều mô hình phòng tránh thiên tai sáng tạo của người dân Quảng Bình đã giúp cho họ an toàn và yên tâm hơn trong những ngày mưa lũ diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà cộng đồng tránh lũ ở huyện Quảng Ninh được sử dụng trong mùa mưa lũ năm 2023.
Một nhà cộng đồng tránh lũ ở huyện Quảng Ninh được sử dụng trong mùa mưa lũ năm 2023.

Nhà được “cứng” hóa hoặc làm nổi

Qua nhiều năm, ngôi nhà của bà Trương Thị Thí, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh là nhà cấp 4 đã quá cũ nát. Cứ mỗi mùa mưa bão là chính quyền đến vận động gia đình bà chuyển đến nơi an toàn trú tránh. Trước tình hình đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quảng Ninh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp bà Thí xây ngôi nhà mới khang trang với diện tích khoảng 85 m2.

Đầu tháng 2 năm nay, ngôi nhà mới của bà Thí được hoàn thành với tiêu chuẩn “3 cứng”: Tường cứng, mái cứng và nền cứng. Tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quảng Ninh hỗ trợ 50 triệu đồng. Có nhà mới, các thành viên trong gia đình bà Thí rất vui vì từ đây không phải chạy đôn, chạy đáo khi bão lũ tràn về. Và không chỉ bà Thí mà nhiều hộ khó khăn khác như Võ Thị Hiền ở thôn Trần Xá, Trần Thị Lan ở thôn Quyết Tiến và Nguyễn Bảo Toàn, thôn Hàm Hòa cũng có nhà “Đại đoàn kết” mới trong dịp này. Như vậy trong năm nay, những hộ khó khăn ở vùng quê thấp trũng Hàm Ninh đã yên tâm hơn để vượt qua mùa bão lũ đang đến rất gần.

Cũng với mục đích hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở do ảnh hưởng của thiên tai ở Quảng Bình, trong năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình triển khai xây dựng 430 nhà đại đoàn kết trị giá hơn 26,7 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai thi công, đến đầu tháng 9/2024 những ngôi nhà đại đoàn kết này đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ. Toàn bộ nhà được xây kiên cố, mái lợp tôn xốp, diện tích nhà 50-80 m2, kinh phí khoảng 180 triệu đồng, phù hợp văn hóa, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân hoặc đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình Phạm Thị Hân cho biết, để chia sẻ với khó khăn về nhà ở của các hộ nghèo miền núi, vùng sâu, Mặt trận các cấp quyết định hỗ trợ kinh phí và kêu gọi các tập thể, cá nhân hảo tâm cùng đóng góp để tặng cho gia đình hộ nghèo một mái ấm, giúp họ vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, về cơ bản, hộ nghèo trong tỉnh đều đã có chỗ ở ổn định, an toàn để tránh trú mưa lũ, vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, những năm gần đây, ở các vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Bình, người dân đã sáng tạo ra mô hình nhà nổi để sống chung an toàn trên nước lũ. Khởi đầu từ “rốn lũ” Tân Hóa của huyện Minh Hóa, mỗi khi nước lũ dâng cao đến vài mét, người dân phải chạy lên núi đá vôi để tránh. Người chạy được chứ tài sản, lương thực thì không, vì thế họ mới đóng một chiếc thùng, gắn phía dưới mấy cái phao để bỏ tài sản, lương thực tránh bị hư hỏng. Từ mô hình đầu tiên đó, người dân Tân Hóa bắt đầu làm nhà phao tránh lũ để khỏi sơ tán lên núi cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trương Thanh Duẫn mô tả, nhà nổi tránh lũ còn gọi là nhà phao làm bằng gỗ, lợp tôn khá kiên cố, được gắn trên một giàn gồm nhiều thùng nhựa phi rỗng để khi nước lũ dâng cao thì ngôi nhà cũng nổi lên theo. Mỗi nhà nổi khoảng 15 m2, được chia thành nhiều ngăn để cả gia đình ngủ, nơi đặt bếp, nơi để lương thực. Đến mùa mưa lũ, người dân thu dọn đồ đạc thiết yếu, lương thực, thực phẩm lên nhà nổi. Lũ dâng lên, cả gia đình lên nhà phao sinh sống. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết, mùa mưa lũ năm nay, địa phương yên tâm hơn bởi người dân đã chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt là ở các “rốn lũ” Tân Hóa và Minh Hóa có gần 1.000 nhà phao để sống chung với lũ lụt. Trong đó, tại xã Tân Hóa có 650 nhà phao, số còn lại ở xã Minh Hóa. Bây giờ, mỗi nhà phao có diện tích khoảng 25-40 m2 đủ sinh hoạt cho cả gia đình trong những ngày nước lũ.

Nhà cộng đồng tránh lũ

Sau trận lũ lịch sử ở Quảng Bình tháng 10/2020, một doanh nghiệp trong tỉnh đã hỗ trợ thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh một nhà cộng đồng tránh lũ. Đây là nhà cộng đồng tránh lũ đầu tiên được xây dựng ở Quảng Bình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan cho biết, thôn Hữu Tân nằm cạnh phá Hạc Hải, mùa lũ lụt năm nào cũng bị ngập sâu. Trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, thôn Hữu Tân bị ngập gần 3m, giữa biển nước tối đen, tàu thuyền cứu hộ rất khó khăn mới tiếp cận được để di dời dân đến nơi an toàn. Giờ đây thôn đã có nhà cộng đồng được xây dựng kiên cố để tránh lũ giúp hơn 400 người dân nơi đây ứng phó hiệu quả với lũ lụt. Những đợt lũ lụt hai năm qua dù mức nước chưa phải lớn nhưng chính quyền đã “kích hoạt” công năng tránh lũ của nhà cộng đồng để tạo điểm tránh trú an toàn cho người dân ở các ngôi nhà có tính chống chịu thiên tai yếu.

Cũng với cách làm này, ở vùng “rốn lũ” Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Tập đoàn Trường Thịnh ở Quảng Bình đã hỗ trợ 3 tỷ đồng để xây tặng một nhà văn hóa cộng đồng phòng tránh bão. Đây là nhà văn hóa “hai trong một” có diện tích 200 m2 với thiết kế 2 tầng, kết cấu bê-tông cốt thép vững chắc, có sức chứa hơn 200 người giúp người dân yên tâm có chỗ tránh trú khi mùa mưa lũ về. Trước mùa mưa năm nay, lãnh đạo xã Sơn Thủy và ban cán sự thôn Vinh Quang đến kiểm tra hiện trạng để bổ sung thêm các trang thiết bị cần thiết như đèn pin, áo phao, thuyền cứu hộ để chuẩn bị “kích hoạt” chức năng phòng tránh lũ của ngôi nhà cộng đồng nhân văn này.

Hai năm nay, nhiều xã vùng thấp trũng ở Quảng Bình được tặng nhà cộng đồng tránh lũ hoặc được đầu tư xây dựng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa đã mang tới sự yên tâm cho người dân. Ở nhiều vùng quê còn khó khăn, ít nhà cao tầng, để hỗ trợ người dân tránh trú bão lũ thì những nhà cộng đồng cao tầng này là điểm đón và giúp họ không phải di chuyển đến nơi xa mỗi khi lũ lớn đổ về. Tiếp nối những bài học kinh nghiệm và hiệu quả về mô hình ứng phó lũ lụt này, trong danh mục các công trình ứng phó thiên tai giai đoạn 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư thêm bảy nhà cộng đồng tại những địa bàn thường xuyên bị ngập lụt tạo điểm tránh trú an toàn cho người dân để sống chung với mưa lũ ■