Chung quanh việc phá bỏ gần 150 ha rừng ngập mặn xây dựng khu công nghiệp ở Thái Bình

NDO -

NDĐT- Thời gian gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Thái Bình băn khoăn, lo lắng trước thông tin chính quyền địa phương xây dựng Dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ tại hai xã ven biển Thụy Xuân và Thụy Hải (huyện Thái Thụy), trong đó điều đáng lưu tâm là gần 150 ha rừng ngập mặn tại đây sẽ bị phá bỏ. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Nhân Dân điện tử đã đi thực tế tìm hiểu để hiểu đúng bản chất sự việc.

Những dải rừng xanh ngắt ở Thụy Xuân, Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Mai Tú
Những dải rừng xanh ngắt ở Thụy Xuân, Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Mai Tú

Nhằm tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ, tạo thêm quỹ đất mở rộng không gian đô thị thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), thời gian vừa qua tỉnh Thái Bình lập một Dự án có tên gọi: “Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ”. Cấp quyết định đầu tư dự án là UBND tỉnh Thái Bình; Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình. Được biết vị trí thực hiện Dự án nằm trên địa bàn xã Thụy Xuân, Thụy Hải (huyện Thái Thụy). Theo đó, sẽ đắp con đê mới đoạn từ K26+700 đến K31+700 cách đê cũ khoảng 800m về phía biển; san lấp toàn bộ diện tích xen kẹp từ đê cũ ra đê mới để hình thành mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ, thu hút nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển và thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường.

Điều đáng quan tâm hiện nay là diện tích xen kẹp giữa đê cũ và đê mới đang tồn tại 149,14 ha rừng ngập mặn. Khi triển khai dự án sẽ phá bỏ toàn bộ diện tích rừng và để bảo đảm không làm suy giảm diện tích rừng, chủ đầu tư đã lập phương án trồng rừng thay thế với diện tích 150 ha tại bãi triều phía ngoài đê mới. Phương án trồng thay thế đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 3826 ngày 22-12-2016.

Để có cơ sở thực tiễn thực hiện dự án này, ngày 25-2 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo tham vấn về tác động môi trường, đa dạng sinh học do hoạt động mở tuyến đê biển Thái Thụy tạo mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp – dịch vụ và đề xuất các biện pháp giảm thiểu. Đồng chủ trì hội thảo là ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN và MT). Tham dự Hội thảo có hơn 20 nhà khoa học thuộc các cục, vụ, viện (Bộ TN và MT) và các chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường. Tại đây, ông Xuyên cho biết: Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông, để mở rộng thêm diện tích đất liền phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế thì từ nhiều đời nay, người dân Thái Bình đã đẩy mạnh việc quai đê lấn biển, điển hình như công cuộc quai đê lấn biển của Nguyễn Công Trứ đầu thế kỷ 19 thành lập huyện Tiền Hải; quai đê lấn biển năm 1960 tại xã Nam Cường và Nam Phú (Tiền Hải). Tận dụng thế mạnh của vùng biển bồi và phát huy truyền thống quai đê lấn biển từ nhiều đời nay, nên tại Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ gần đây vẫn tiếp tục xác định phải đẩy mạnh quai đê lấn biển tạo thêm quỹ đất và khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: cảng biển, nhà máy nhiệt điện, nguồn khí đốt và than nâu…

Ông Xuyên thông tin thêm: Dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ là dự án nằm trong lộ trình phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống dân cư của tỉnh đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ gần đây rất quan tâm. Mặt khác, tuyến đê số 8 mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào qui hoạch tuyến đê biển tại văn bản số 1797 ngày 6-11-2013. Tỉnh Thái Bình cũng nằm trong qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 741 ngày 9-2-2011.

Về chủ trương của tỉnh Thái Bình, sau khi san lấp hình thành khu đất có diện tích 320 ha thì một phần sẽ dùng để phục vụ công nghiệp may gia công để giải quyết việc làm cho người lao động thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Hải, Thụy Xuân; một phần để xây dựng công viên vui chơi, giải trí nhằm góp phần đưa thị trấn Diêm Điền lên Thị xã vào năm 2020. Phần diện tích còn lại sẽ đưa các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhỏ lẻ hiện nay ở lẫn trong các khu dân cư ở thị trấn Diêm Điền và xã Thụy Hải.

Tại buổi Hội thảo, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đề cập đến những tác động do làm đê mới, tác động về dòng chảy, tác động đến đa dạng sinh học khi bị mất đi diện tích rừng ngập mặn…, nhưng tựu chung đều ủng hộ, nhất trí với chủ trương quai đê lấn biển, phá bỏ gần 150 ha rừng ngập mặn được trồng từ những năm 1990 đến nay.

Lý giải, phân tích về việc có thể phá bỏ rừng, GS Đặng Huy Huỳnh, GS Nguyễn Cử và TS Tô Văn Trường - Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và Môi trường cho biết: Nếu gần 150 ha rừng này mất đi cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến bảo tồn đa dạng sinh học vì đây là rừng nghèo, không làm mất đi những nguồn gen thực vật quý hiếm, tác động không đáng kể đến môi trường di trú, tránh đông của cò mỏ thìa (nằm trong Sách đỏ Thế giới) vì không trú ở đây thì sẽ trú ở nơi khác. Rừng ở đây không phải rừng tự nhiên mà là rừng trồng vài chục năm nay nên không phải là nơi trú ngụ của các loài chim nước, do đó tác động không nhiều ngay cả sau này làm khu công nghiệp. Băn khoăn nhất của các nhà khoa học là sau khi diện tích rừng mất đi thì việc trồng mới ở đâu (không phải chỗ nào cũng trồng được rừng ngập mặn vì liên quan đến điều kiện thổ nhưỡng, con nước ra vào…); mặt khác phải lượng hóa được việc mất rừng và làm khu công nghiệp vì đây thực chất là việc đánh đổi.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh Thái Bình đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về Dự án. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi về việc trong báo cáo ĐTM trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường của UBND tỉnh Thái Bình có số liệu khá “chênh lệch” so với thực tế tại hai xã Thụy Xuân và Thụy Hải, trong đó phải kể đến số hộ dân bị ảnh hưởng theo báo cáo ĐTM là 80 hộ (Báo cáo ĐTM được Trung tâm quan trắc, phân tích Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lập).

Chiều 23-5, phóng viên Nhân Dân điện tử đã về địa phương trao đổi vấn đề trên với ông Bùi Ngọc Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân thì được biết: “Riêng xã Thụy Xuân có tất cả 57 hộ nuôi trồng thủy hải sản, nếu bị thu hồi để làm dự án thì chắc chắn 57 hộ dân này sẽ bị ảnh hưởng. Người dân trong xã sau khi nghe về phát triển dự án này thì sẽ phá bỏ 150ha rừng và trồng thay thế ở tuyến đê mới thì không đồng tình lắm. Toàn bộ số rừng bị phá ở khu vực xã Thụy Xuân không hề có rừng nguyên sinh”.

Còn ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải khẳng định: “Xã Thụy Hải là một xã duy nhất ở huyện Thái Thụy không làm nông nghiệp, tất cả người dân ở đây đều dựa vào biển như nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… Nếu dự án này được phê duyệt thì sẽ có 297 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng”.

Khi được hỏi về việc nếu dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy, để kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ được phê duyệt, việc người dân xã Thụy Hải chỉ dựa vào biển để sinh sống thì việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế của người dân? Ông Luân cho biết: “Tôi đã tham dự rất nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng cũng rất quan tâm đến vấn đề an sinh cho người dân khi dự án vào. Theo tôi được biết thì phía UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện việc lập đề án dân sinh, sau đấy sẽ trình lên HĐND tỉnh”. Chính quyền địa phương cũng thông tin cho biết, đã được nghe giới thiệu về Dự án này chứ chưa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng địa phương.

Có thể thấy, chung quanh việc xây dựng Dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ ven biển đi liền với việc phá bỏ gần 150 ha rừng ngập mặn vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Tuy nhiên, đến nay quan điểm của tỉnh là vẫn phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ về phía biển vì thực tế địa phương là tỉnh đất chật người đông, phía nội đồng không còn mặt bằng để phát triển công nghiệp, hơn nữa phải giữ vững đất lúa bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, Thái Bình là vùng đất mới hình thành nên việc quai đê, lấn biển đã trở thành việc làm tiếp nối truyền thống xa xưa của cha ông. Chỉ có điều dư luận băn khoăn, mong muốn chính quyền tỉnh Thái Bình khi thực hiện Dự án cần xét đến yếu tố cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững, lường trước những ảnh hưởng, tác động xấu đến đời sống, sức khỏe của người dân ven biển khi “lá phổi xanh” là những cánh rừng ngập mặn sẽ nhường chỗ cho những nhà máy, công xưởng… ngày đêm xả khói, bụi, tiếng ồn!?